Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường biến động – cơ hội cho các quỹ tiền mặt dồi dào

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngoài chiến lược lướt sóng ngắn hạn, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp đang bị định giá thấp, đồng thời tìm kiếm cơ hội thâu tóm và sáp nhập (M&A) tại những doanh nghiệp được đánh giá là tiềm năng tăng trưởng còn cao.

Ngày 5-12-2022, nhóm Quỹ Dragon Capital đã mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu STB của Sacombank, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây tương đương 5,2534% vốn điều lệ. Ảnh: THÀNH HOA

Từ lướt sóng ngắn hạn

Nhóm quỹ Dragon Capital ngày 5-12-2022 đã mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank, nâng lượng sở hữu lên hơn 99,038 triệu đơn vị, tương đương 5,2534% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này. Trước đó, nhóm quỹ này đã thông báo bán ra lần lượt 2,3 triệu và 6,7 triệu cổ phiếu STB trong ngày 28-10 và 7-10. Tính chung trong khoảng thời gian từ 6-10 đến 5-12, Dragon Capital đã bán ròng gần 17,8 triệu cổ phiếu STB.

Cũng trong ngày 5-12-2022, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua thêm 3 triệu cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ này từ 5,68% lên 6,03%. Đáng lưu ý động thái mua vào của nhóm quỹ diễn ra giữa lúc cổ đông lớn là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư GEX đăng ký bán 80 triệu cổ phiếu GEX, tương đương 9,39% tổng số cổ phiếu của tập đoàn này đang lưu hành.

Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của Gelex từ ngày 1-12-2022 sau khi mua gần 5,2 triệu cổ phiếu GEX trong phiên 29-11, chính thức quay lại ghế cổ đông lớn tại Gelex sau khi bán ra 5,2 triệu cổ phiếu GEX ngày 18-11. Thống kê trong khoảng thời gian từ 29-11 đến 5-12, Dragon Capital đã gom thêm hơn 11 triệu cổ phiếu GEX. Một số giao dịch có thể không được công bố do chưa làm thay đổi tỷ lệ tới ngưỡng công bố thông tin.

Chỉ sau chừng một tháng nắm giữ và chứng kiến cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền hồi phục hơn 54% từ đáy, quỹ VOF Investment Limited trực thuộc VinaCapital đã quyết định chốt lãi với cổ phiếu bất động sản này, khi vừa đăng ký bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu KDH đang nắm giữ trong giai đoạn từ 12-12-2022 đến 10-1-2023. Trước đó, quỹ này đã mua thỏa thuận 10 triệu cổ phiếu KDH này trong giai đoạn từ 31-10 đến 8-11, với giá giao dịch thỏa thuận trung bình dao động từ 19.500 – 23.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, sau khi mua gần 1 triệu cổ phiếu DGC của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vào ngày 15-11-2022, chưa đầy nửa tháng sau, ngày 28-11, nhóm quỹ Dragon Capital đã nhanh chóng bán ra hơn 1 triệu cổ phiếu này, qua đó hạ tỷ lệ sở hữu xuống 4,89% và không còn là cổ đông lớn tại đây. Tính chung nhóm này đã gấp rút bán ra hơn 8,5 triệu cổ phiếu DGC trong năm phiên giao dịch cuối tháng 11 khi giá cổ phiếu đang trên đà hồi phục.

Ngoài ra, nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ròng 760.000 cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh trong ba phiên 16-11, 17-11 và 21-11-2022, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 16,71%; cùng giai đoạn bán ròng 1,3 triệu cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 5,58%.

Quỹ lớn nhất của Dragon Capital – Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cũng chính thức thoái sạch vốn tại CTCP Đầu tư Hải Phát khi bán ra hơn 26,5 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 8,73% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp này, trong phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản kỷ lục với hơn 165 triệu cổ phiếu HPX được sang tay vào ngày 30-11.

Có thể thấy trong giai đoạn thị trường suy yếu và lao dốc, trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân bị mắc kẹt và không còn tiền để bắt đáy, các cổ đông nội bộ, lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí còn bị bán giải chấp liên tục, thì các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài với khả năng quản trị tốt hơn và lượng tiền mặt dồi dào vẫn tiếp tục tham gia thị trường tích cực.

Ngoài chiến lược lướt sóng ngắn hạn, nhóm nhà đầu tư này cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp đang bị định giá thấp, đồng thời tìm kiếm cơ hội thâu tóm và sáp nhập (M&A) tại những doanh nghiệp được đánh giá là tiềm năng tăng trưởng còn cao.

Tăng tỷ lệ sở hữu, tìm kiếm cơ hội M&A

Trong đó, nhóm quỹ Dragon Captial được xem là năng động nhất. Lý giải về việc thường xuyên lướt sóng thời gian gần đây, chuyên gia của Dragon Capital cho biết, trong danh mục sẽ có những cổ phiếu đặt mục tiêu dài hạn và có những cổ phiếu đặt mục tiêu ngắn hạn hơn. Danh mục của quỹ cũng có những khoản đầu tư mang tính chất chu kỳ và cần hạ tỷ trọng khi hết chu kỳ tăng trưởng. Quỹ “trading” thường xuyên vì cần thay đổi chiến lược khi có những yếu tố tác động.

Cũng theo Dragon Capital, với lượng tiền mặt cao, quỹ có thể nắm bắt cơ hội tốt khi thị trường bước vào chu kỳ tăng mới. “Khi thị trường có đủ năm tiêu chí: (1) lãi suất ngừng tăng (2), tỷ giá có dấu hiệu ổn định, (3) thanh khoản không tệ đi, (4) Chính phủ bàn về giải pháp hỗ trợ những tổ chức có nguy cơ phá sản, (5) kỳ vọng lợi nhuận yếu đi để xác lập vùng đáy, Dragon Capital sẽ giải ngân rất quyết liệt”.

Cụ thể, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 930.000 cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau trong phiên 30-11-2022. Sau giao dịch, sở hữu của Dragon Capital tại đây tăng từ hơn 31,2 triệu cổ phiếu (5,9%) lên hơn 32,1 triệu cổ phiếu (6,1%). Trước đó, trong phiên 24-11, nhóm quỹ này cũng đã mua tổng cộng gần 1,4 triệu cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,93% lên 5,23%, chính thức trở thành cổ đông lớn tại đây.

Có thể thấy nhóm quỹ Dragon Capital đã có những động thái mua vào mạnh tay từ nửa cuối tháng 11 – thời điểm thị trường tạo đáy cho đến nay, ở hàng loạt cổ phiếu khác như HDG, KBC, DPM, DCM, FRT, PVD, VHC…, với khối lượng lớn từ hàng triệu đến hàng chục triệu đơn vị tại mỗi doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những lực đẩy quan trọng cho thị trường, bên cạnh việc góp phần giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước lạc quan hơn về triển vọng phía trước.

Thống kê cũng cho thấy trong tuần trước, khi chỉ số VN-Index đối mặt với áp lực chốt lời lớn ngay trước mốc kháng cự quan trọng 1.100 điểm, khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi họ mua ròng 4.335 tỉ đồng trên toàn thị trường trong cả năm phiên giao dịch. Dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại bộ đôi Vingroup là VIC và VHM với giá trị đều trên ngưỡng 500 tỉ đồng. Đây cũng là tuần thứ 5 liên tiếp khối ngoại mua ròng trên cả ba sàn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bên cạnh đó, các giao dịch M&A cũng sẽ được tập trung trong giai đoạn giá nhiều cổ phiếu lao dốc như hiện nay. International Finance Corporation (IFC) vừa thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 44,2 triệu cổ phiếu GEG, tương ứng 13,74% vốn của CTCP Điện Gia Lai trong phiên 7-12-2022. Sau giao dịch, IFC không còn là cổ đông của GEG.

Trong khi đó, bên nhận chuyển nhượng là AVH Pte. Ltd (Singapore) – một cổ đông lớn khác của Điện Gia Lai. Cùng ngày 7-12-2022, tổ chức này còn nhận chuyển nhượng thêm hơn 1,9 triệu cổ phiếu từ bà Trần Tiểu Phụng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của AVH tại Điện Gia Lai đã tăng lên 35,1%, tương ứng nắm giữ xấp xỉ 113 triệu cổ phiếu.

Trước đó, vào giữa tháng 8-2022, Nikkei đưa tin Tập đoàn JERA Nhật Bản và JERA Asia sẽ đầu tư 15 tỉ yen (khoảng 112 triệu đô la Mỹ) vào Điện Gia Lai với mục đích khai thác nhu cầu điện đang gia tăng ở Việt Nam và thúc đẩy các nỗ lực cắt giảm khí thải carbon.

Theo đó, JERA Asia sẽ nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ IFC và Quỹ Đầu tư năng lượng tái tạo Armstrong Asset Management để sở hữu 35,1% cổ phần tại Điện Gia Lai. Như vậy, thương vụ đầu tư của “gã khổng lồ” ngành điện Nhật Bản vào Điện Gia Lai có vẻ vẫn chưa được thực hiện. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, AVH chỉ là bên trung gian gom cổ phần GEG trước khi “sang tay” lại cho JERA.

Hay như tại Sacombank – cổ phiếu STB của ngân hàng này liên tục được khối ngoại mua ròng nhiều nhất kể từ giữa tháng 11 đến nay, khi tính riêng năm phiên giao dịch đầu tháng 12-2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã gom ròng hơn 31,7 triệu cổ phiếu STB, giá trị gần 657 tỉ đồng.

Được biết Sacombank đang có kế hoạch bán đấu giá 32,5% cổ phần (hiện đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ tại VAMC) cho đối tác nước ngoài trong năm 2023. Giá trị khoản nợ này khoảng 10.000 tỉ đồng, tương ứng mức giá chào bán khoảng 18.000-19.000 đồng/cổ phiếu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới