Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường cà phê: Bão tố lại bắt đầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường cà phê: Bão tố lại bắt đầu?

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Gãy khúc và dao động mạnh trên đồ thị giá của thị trường cà phê từ đầu vụ đến nay đang báo hiệu sẽ có sóng to gió dữ. Xuất hiện trên thương trường nhiều hiện tượng “khiêu chiến”, nhưng liệu hạt cà phê Việt Nam liều “xông trận” hay ẩn náu chờ cơ hội như năm trước? 

Thị trường cà phê: Bão tố lại bắt đầu?
Biểu đồ 1: Diễn biến giá đóng cửa trên sàn kỳ hạn robusta London (tác giả tổng hợp)

Dù mới ở tháng đầu tiên của niên vụ, thị trường cà phê đã vừa trải qua một cơn “bão tố” ngay ngày giao dịch cuối tuần, hôm qua 16-10 tức rạng sáng 17-10 giờ Việt Nam.

Giá hai sàn kỳ hạn cà phê tại châu Âu và Mỹ rớt thê thảm. Đóng cửa sàn kỳ hạn London, giá cà phê robusta giảm 42 đô la Mỹ/tấn trong ngày nhưng mất 15 đô la/tấn so với tuần trước (xin xem biểu đồ 1). Giá giao dịch arabica tại sàn Ice New York càng tệ hơn, mất 7,9 xu/cân Anh (cts/lb) trong ngày (tương đương gần 175 đô la/tấn) chốt tại 129,20 cts/lb và như vậy giảm 5,7 cts/lb so với cách đây 7 ngày.

Trong tuần qua, tin mưa chưa về để giúp hoa cà phê Brazil đậu trái loan truyền rất mạnh nên giúp giá đầu tuần trên các sàn kỳ hạn cà phê tăng tốt. Nhờ vậy, giá cà phê nguyên liệu nhiều nơi trên thị trường nội địa Việt Nam có cơ hội lên 36,5 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ trong hai ngày cuối, khi giá kỳ hạn yếu và sập mạnh, giá cà phê giao dịch sáng nay 17-10 chỉ còn ở mức 35 triệu đồng/tấn.

Yếu tố nào làm giá rớt?

Rất có thể người ta đưa tin hạn hán tại Brazil để kinh doanh tài chính vì “hạn hán đang xảy ra, nhưng sao hai sàn kỳ hạn cà phê vẫn sập?” Một chuyên gia ngành hàng thắc mắc.

Theo ông, thị trường chao đảo mạnh, khi tăng cao, khi xuống thấp rất bất ngờ và chóng vánh (xin theo dõi biểu đồ 1) cũng còn có dụng ý tạo rủi ro cho các nhà xuất khẩu ở các nước sản xuất, loại họ ra trong giai đoạn này vì yếu tố kinh doanh tài chính hơn là kinh doanh cà phê thực.

Tuy nhiên, giá kỳ hạn cà phê rớt mạnh còn chịu ảnh hưởng bởi đồng real Brazil mất giá sau khi nước này bị hạ mức tín nhiệm đầu tư cộng với tin Colombia, nước sản xuất cà phê arabica lớn thứ nhì thế giới, quyết định cho xuất khẩu cà phê thứ và phế phẩm. Quyết định này có hiệu lực ngay. Về lâu về dài, lượng arabica chất lượng xấu này sẽ giành thị phần của robusta là loại cà phê Việt Nam thường xuất bán để chế biến cà phê hòa tan.

Nhìn lại “thế” thị trường của hạt cà phê Việt Nam

Thống kê của Tổng cục Hải quan ước trong cả niên vụ 2014-15 Việt Nam chỉ xuất khẩu 21,02 triệu bao cà phê tương đương với 1,26 triệu tấn, giảm 21,6% so với niên vụ trước và cũng là năm có lượng cà phê xuất khẩu thấp nhất tính từ năm 2010.

Dựa trên ước báo ấy, xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam năm vừa qua chỉ dừng ở mức 105.000 tấn/tháng, giảm bình quân từ 20-30.000 tấn/tháng. Nhiều người cho rằng sở dĩ xuất khẩu giảm là do giá kỳ hạn và thị trường thấp, đặc biệt trên thị trường nội địa, giá đỉnh cao nhất trong niên vụ cũ cũng chỉ đạt 41 triệu đồng/tấn so với trước là 45-46 triệu đồng/tấn và giá thấp nhất chỉ quanh mức 34-35 triệu đồng/tấn. Một nguyên nhân quan trọng khác là giá cà phê của Việt Nam mất tính cạnh tranh do đồng tiền của các nước cạnh tranh bị phá giá mạnh khiến cà phê của họ có giá rẻ hơn trên thị trường quốc tế.

Đồng nội tệ của ba nước xuất khẩu cà phê cạnh tranh với nước ta là Brazil, Colombia và Indonesia mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, có nước phá giá đến 50-70%/năm trong khi đồng tiền Việt Nam chỉ mất giá chừng 5%. Đồng nội tệ các nước sản xuất cà phê mất giá so với đồng đô la Mỹ đã kích thích nông dân các nước này bán mạnh dù giá kỳ hạn rớt nhưng thu hồi bằng đồng nội tệ của họ trên giá bán cà phê vẫn cao, thậm chí còn có lời.

Điều này được ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa) xác nhận trong hội nghị giao ban xuất khẩu tại TPHCM ngày 12-10-2015 khi ông báo rằng “tỷ giá đồng real của Brazil giảm đến 70% so với đồng đô la Mỹ nên họ bán hàng ra ồ ạt khiến cà phê Việt Nam chịu ảnh hưởng không bán được”. Theo ông Nam, cà phê Việt Nam đang vào vụ mới nhưng tồn kho vẫn còn 400.000-500.000 tấn cà phê nhân.  

Tồn kho tại các nước tiêu thụ

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ 1988 đến nay (nguồn: GCA/Societe Generale)

Báo cáo ra định kỳ mới nhất của Hiệp hội Cà phê Nhân Mỹ (Green Coffee Association-GCA) cho biết rằng tính đến hết tháng 9-2015, tồn kho cà phê nhân tại các kho vùng Bắc Mỹ đạt 6.117.108 bao (60 kg x bao) hay 367.027 tấn, không tính khoảng 100.000 tấn đang trung chuyển hay đã nằm tại các xưởng chế biến, tăng gần 5.400 tấn so với cùng kỳ năm 2014. Đây cũng là mức tồn kho cao nhất tại vùng Bắc Mỹ tính từ cuối năm 2003 đến nay (xin xem biểu đồ 2).

Tồn kho cà phê tại châu Âu tính đến hết tháng 7-2015 đạt 714.566 tấn, tăng 19.392 tấn so với cùng kỳ năm 2014 và chưa tính chừng 200.000 tấn đang trung chuyển hay nằm tại các cơ sở chế biến, báo cáo của Hiệp hội Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết trong tuần qua.

Tại Nhật Bản, tồn kho cà phê nhân đến cuối tháng 8-2015 tăng lên mức kỷ lục, đạt 202.411 tấn, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, tổng cộng tồn kho tại các nước tiêu thụ theo thống kê thị trường biết được là 1.283.994 tấn, nếu cộng thêm 300.000 tấn đang trên đường tới các cơ sở chế biến và tại xưởng chế biến không được tính gộp vào các báo cáo trên, ta có chừng 1.600.000 triệu tấn.

Cũng cần lưu ý rằng, trong lượng tồn kho ấy, hiện có 114.000 tấn cà phê đạt chuẩn arabica thuộc sàn kỳ hạn Ice New York và 204.150 tấn đạt chuẩn thuộc sàn robusta Ice London với giá trị hàng hóa thời điểm tính trên giá niêm yết các sàn kỳ hạn ngày 15-10-2015 đạt chừng 700 triệu đô la Mỹ.

Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là ba vùng tiêu thụ cà phê truyền thống. Các thống kê tồn kho có ảnh hưởng nhất định giá cả trên thị trường và các sàn kỳ hạn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới