Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường cà phê: Liffe ở Anh vươn tay đến Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường cà phê: Liffe ở Anh vươn tay đến Việt Nam

Thị trường cà phê: Liffe ở Anh vươn tay đến Việt Nam
Vườn cà phê ở Lâm Đồng – Ảnh: TL.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê đầu tiên được thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe (London) do sở giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) quản lý, chọn cho phép mở kho và gửi mẫu sang trung tâm kiểm tra chất lượng của họ tại London để bán hàng cho thị trường này.

Thứ Ba 20/99, Peter Blogg, trưởng bộ phận mặt hàng cà phê của TTKH Liffe do sở giao dịch Chứng khoán New York quản lý (NYSE) thông báo rằng để tạo điều kiện dễ dàng cho các ngân hàng có thể thanh toán tiền hàng đối với cà phê Việt Nam trước khi giao hàng lên tàu, lãnh đạo Liffe chấp thuận cho người muốn bán cà phê vào Liffe gửi 1,5 kg mẫu cho mỗi lô hàng 10 tấn/lô sang London để kiểm tra chất lượng.

Hàng cà phê đạt chất lượng có thể lưu chứa tại một kho tại TPHCM trong vòng 6 tháng kể từ ngày gửi hàng kiểm tra chất lượng theo hệ thống kiểm tra Liffe.

Làn gió mới

Đây là một quyết định không có tiền lệ của lãnh đạo NYSE Liffe. Việt Nam là nước xuất khẩu robusta đứng đầu thế giới, với trên 1,2 triệu tấn trong niên vụ 2010 – 2011 và là nước có lượng hàng cung cấp cho Liffe cực lớn. Tầm quan trọng của cà phê robusta Việt Nam đối với Liffe là sống còn nên cần hỗ tương nhau.
Mặt khác, nếu một hãng kinh doanh cần bán hàng vào Liffe, từ thời gian giao hàng đến khi nhận được tiền phải mất ít nhất 45 ngày, và vòng quay bình quân chừng hai tháng tính từ ngày giao hàng.

Vì thế, quyết định này của Liffe là để hỗ trợ cho ai muốn bán hàng vào Liffe khỏi mất thời gian chờ đợi hàng đi từ Việt Nam sang các kho của họ lâu nay ở châu Âu và một vài kho tại Mỹ.

Đã từ lâu, các nhà xuất khẩu cà phê nước ta không lạ gì với Sở giao dịch tài chính kỳ hạn và quyền chọn quốc tế London gọi tắt là Liffe (London International Financial Futures and Options Exchange). Nhiều nơi trên thế giới đã dùng giá Liffe như là mức chuẩn cho mặt hàng robusta. Lượng chuẩn của mỗi hợp đồng cà phê robusta hiện nay là 10 tấn/lô (trước kia 5 tấn/lô).

Nếu hàng đạt chất lượng thượng hạng, giá chuẩn của loại này được tính cộng 30 đô la/tấn. Loại 1, hưởng bằng giá. Loại 2 được tính mức trừ 30 đô la/tấn. Cứ cách 30 đô la/tấn, Liffe còn chấp nhận các loại thấp cho đến trừ 120 đô la/tấn tính theo giá chuẩn của TTKH này trong thời gian giao dịch.

Cách đây không lâu, SICOM (Singapore Commodity Exchange Ltd – Sở giao dịch Hàng hóa Singapore) đã từng thực hiện theo cách này tại Việt Nam nhưng không mấy thành công, có thể do tính thanh khoản của thị trường này không lớn như Liffe.

Niên vụ mới sẽ ra sao?

Dường như thị trường chưa kịp phản ứng trước thông tin trên. Niên vụ cà phê 2011 – 2012 sẽ bắt đầu vào ngày 1/10 sắp tới nhưng đến nay, thị trường vẫn yên ắng lạ thường. Những năm trước, vào thời điểm này, ít nhất các nhà xuất khẩu đã ký bán chừng 200.000 tấn để giao hàng khi vào rộ vụ, tập trung vào các tháng trước tết Nguyên đán như tháng 12, 1 và 2.

Đến tuần trước, hãng tin Reuters ước chỉ tối đa chừng từ 20.000 đến 50.000 tấn được bán theo các hợp đồng giao sau (forwards sales). Con số ước lượng bán trước ấy xem ra quá ít.

Hiện tượng khởi động chậm của các nhà xuất khẩu có thể được giải thích rằng giá TTKH robusta Liffe  mấy hôm nay dao động cực mạnh, có ngày dao động cả đến trăm đô la, nên hết sức rủi ro một khi quyết định bán nhưng chưa có hàng trong tay. Mặt khác, khách mua hàng hiện nay chỉ trả mức trừ 100 đô la/tấn dưới giá TTKH London đối với loại 2 (5% đen bể). Tức so với cách đây hơn một tháng, giá này giảm tới 300 đô la/tấn.

Do chỉ trong một thời gian ngắn, cách biệt giữa hai giá quá lớn, người bán vẫn đang còn sững sờ chưa dám quyết định. Một yếu tố khác khiến các nhà xuất khẩu của ta phải đắn đo là nguồn tín dụng và lãi suất ngân hàng đang trong giai đoạn “thương thảo”, chưa rõ ràng.

Về phía các nhà nhập khẩu, hầu hết những nhà kinh doanh lớn trên thế giới đều đóng tại một số nước châu Âu như Thụy Sĩ, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… Nhiều chuyên gia cho rằng, khách hàng nhập khẩu cũng đang gặp những khó khăn về tín dụng vì chính phủ và các ngân hàng nước họ đang phải tập trung giải quyết các “cục nợ” Hy Lạp, rồi Italia và Tây Ban Nha, nên bên mua cũng không chưa thực sự sẵn sàng.

Theo Nguyễn Quang Bình/SGTT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới