Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường cà phê niên vụ mới: “Cờ” trong tay nhà nông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường cà phê niên vụ mới: “Cờ” trong tay nhà nông

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Giá cà phê tăng trở lại và xoay quanh mức giá 50.000 đồng/kg đang đặt ra nhiều vấn đề lớn cho ngành cà phê Việt Nam trước khi bước vào vụ thu hoạch mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa và nay là thời điểm, lẽ ra phải ký hợp đồng bán hàng cho niên vụ mới.

Thị trường cà phê niên vụ mới: “Cờ” trong tay nhà nông
Biểu đồ giá cà phê trong nước và thế giới do tác giả tổng hợp

Giá có lợi cho nhà xuất khẩu

Sáng nay, 23/8 giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu của Việt Nam lại nhảy nhanh lên mức 50.000 đồng/kg, tăng cả 1.000 đồng so với cuối tuần sau khi thị trường kỳ hạn robusta Liffe đột nhiên giảm mạnh.

Giá nội địa tăng, sẽ lại tạo thêm cơ hội cho những người còn hàng tranh thủ bán ra. Phải nói rằng, giá chao đảo khi tăng khi giảm bất ngờ và lần này phải là lần thứ tư hay thứ năm giá đảo qua lại mức 50.000 đồng sau khi lên mức kỷ lục 51.500 – 52.000 đồng/kg trước đây.

Hôm qua 22/8, ngày giao dịch đầu tuần của các thị trường kỳ hạn cà phê tại London và New York. Giá đóng cửa cơ sở tháng 9/2011 rạng sáng hôm nay 23/9 theo giờ Việt Nam, TTKH robusta tăng 46 đô la, đạt mức 2.316 đô la Mỹ/tấn trong khi arabica Ice giảm 1,45 cts/lb hay mất 32 đô la/tấn chỉ còn 264,7 cts/lb. Giá TTKH robusta tăng nhưng arabica giảm đã giúp khoảng cách giữa hai lọai cà phê này giãn xa ra với mức arabica cao hơn robusta đến trên 3.500 đô la/tấn tính đến sáng hôm nay.

Bài toán nan giải cho niên vụ mới

Tuy giá tăng đang có lợi cho những nước xuất khầu, thị trường vẫn ở trong thế nghiệt ngã. Không chỉ giá mua ngay bán ngay cao (gọi là outright), giá chênh lệch so với TTKH (differentials/trừ lùi) vẫn đang rất cao. Chính vì thế, các nhà xuất khẩu và kinh doanh quốc tế (international traders) khó lòng đoán được khuynh hướng của giá chênh lệch để chào hàng vụ mới.

Cho đến nay, theo người viết được biết, rất ít người bạo gan chào bán hàng vụ mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa là thu hoạch. Chỉ nghe đồn một số hãng kinh doanh đã chào bán cho các hãng rang xay từ tháng 11/2011 trở đi song mức chào vẫn cao hơn giá Liffe.

Điều này đã làm nhiều nhà rang xay chùn tay và hai bên bán và mua vẫn chưa gặp nhau được. Thường thường, ở thời điểm cuối tháng 8 hằng năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký bán cả 200.000 tấn cho vụ mới dưới dạng cả mua bán có giá giao ngay hay dựa trên chênh lệch, mức chênh lệch tại thời điểm này các năm trước thường dưới giá Liffe chừng 100 đô la/tấn và giảm dần khi vào chính vụ, có khi giá thấp hơn giá Liffe cả 300-400 đô la/tấn. Cho nên, giá cao hiện nay đã làm rang xay ngại mua hay chờ đợi “phép mầu” âu cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không thể chào, các công ty nước ngoài có nhà máy tại các vùng nguyên liệu sẽ có cơ hội tính toán, nghiên cứu lịch sử cung – cầu và bán ra theo giá của họ. Nghe rằng có nơi đang chào giá lọai 2, 5% đen vỡ bằng giá Liffe cho cả vụ mới giao hàng từ tháng 11 trở đi. Trong điều kiện thị trường giá cao cần nhiều vốn để mua bán thì tín dụng cho các công ty xuất khẩu cà phê vốn eo hẹp lại càng eo hẹp từ hai ba mùa nay, cộng với rủi ro về giá cả, nên chuyện các công ty xuất khẩu của nước ta đang ngồi bó tay là chuyện dễ hiểu.

"Cờ" trong tay nhà nông

Nếu như các năm trước, do có tiền và có hàng gửi kho, quyền quyết định mua vào hay bán ra chủ yếu nằm trong tay các nhà xuất khẩu. Thì nay, quyết định và sức mạnh của vụ tới sẽ nằm trong tay nông dân trồng cà phê chứ không ai khác, và thứ đến là thực lực của những công ty nước ngoài có vốn đầu tư cũng không phải nhỏ. Họ là lực lượng quyết định thứ hai song rất có quyền về phía bán ra. Một vụ mùa với 1,2 triệu tấn cà phê như dự báo hay cao hơn đang trở thành bài toán ngày càng khó cho những nhà hoạch định chiến lược cà phê Việ Nam.

Dù sao, hàng bán ra vẫn phải bán ra để bảo đảm kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Vấn đề là một khi các nhà xuất khẩu mất tiếng nói, theo cách mua bán “bầy đàn”, khi mua rủ nhau mua khi bán rủ nhau bán, sẽ tạo nên những bất lợi về giá và sẽ có những lúc bên mua tạo sức ép bán ra gây thiệt hại về giá cho người sản xuất.

Trong điều kiện thị trường như thế, nếu Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam không giữ lời hứa mua vào ngay từ đầu vụ với lượng tăng dần cho đến 300.000 tấn tạm trữ để giảm áp lực bán ra khi nông dân giữ quá nhiều hàng vì các nhà xuất khẩu không đủ lực mua và bên nước ngoài cố tạo thế để gây sức ép bán ra, thì thị trường cà phê của ta bấy giờ không biết sẽ đi về đâu?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới