Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán khó bùng nổ sau gói kích thích kinh tế

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán (TTCK) sắp tới sẽ thấp hơn giai đoạn 2008 – 2009 do Chính phủ có thể không “bơm” tiền mới qua gói kích thích kinh tế.

TS Quách Mạnh Hào – giảng viên Đại học Lincoln, Vương quốc Anh – dự báo gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ hướng tới mục tiêu đưa lượng tiền thực tế đã “bơm” ra thị trường – nhưng chưa được sử dụng – vào các dự án cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội để giải quyết thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế và hạn chế rủi ro lạm phát.

Còn việc “bơm” tiền mới, theo ông Hào, sẽ thực hiện qua hình thức phát hành trái phiếu để thu hút các nguồn tiền dư thừa, nhàn rỗi hiện có trên thị trường trong trường hợp cần thiết.

“Khi gói hỗ trợ chính thức được công bố, cỗ máy kinh tế bắt đầu hoạt động bình thường thì thị trường chứng khoán sẽ phải cạnh tranh với Chính phủ trong việc sử dụng nguồn tiền của xã hội”, ông Hào nói tại đối thoại chuyên đề: “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” sáng 13-12.

Những yếu tố trên khiến chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng TTCK sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ gói kích thích kinh tế sắp tới.

Thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng nhanh trong 2 năm qua với động lực chính tới từ nhà đầu tư mới (F0). Ảnh minh hoạ: M.P.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Thuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Fiin Ratings Group – cho rằng nguồn tiền cho gói kích thích không phải mới nên thị trường sẽ không đạt tốc độ tăng trưởng nhanh như năm 2009. Ngoài ra, định hướng hỗ trợ lãi suất lần này hướng tới một số đối tượng, địa bàn chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 – thay vì cách làm được xem là “tràn lan” và để lại một số hệ lụy như tín dụng tăng nhanh, lạm phát cao và khâu quyết toán kéo dài như lần hỗ trợ trước.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường hiện đã lớn hơn rất nhiều so với năm 2009 khi có 1.700 mã cổ phiếu niêm yết và vốn hoá vượt GDP. Còn khả năng tiền thật “bơm” ra thị trường khá thấp.

Những yếu tố này khiến ông Thuân dự báo việc giá trị giao dịch của cổ phiếu tăng “bằng lần” trong thời gian tới khó xảy ra.

“Vẫn còn cơ hội tăng trưởng cho thị trường và các nhóm ngành, nhưng không thể tăng bằng lần như giai đoạn trước vì hiện thị trường bây giờ quy mô quá lớn. Ở giai đoạn trước, thị trường bé như ‘ao làng’, chỉ có 200 mã với giá trị vốn hoá 400.000 tỉ đồng nên dễ nhân ‘bằng lần’ hơn”, ông Thuân nói.

Bên cạnh những yếu tố trên, ông Thuân cho rằng TTCK đã được hưởng lợi từ gói “kích cầu từ dòng tiền mới” từ các nhà đầu tư mới và cũ trên thị trường. Theo đó, chỉ số VNIndex đã tăng khoảng 30%, VN30 tăng 40%, VNSML tăng 87% tính từ đầu năm tới nay.

Với các nhóm ngành, giá trị giao dịch của cổ phiếu ngành chứng khoán đã tăng 151,64% tính từ từ đầu năm tới nay. Còn giá trị giao dịch của cổ phiếu ngành bất động sản, ngân hàng, xây dựng, vậy liệu xây dựng và nội thất tăng lần lượt 39,13%, 26,11%, 55,93%, 52,41%.

Dự báo xu hướng thị trường sắp tới, TS Quách Mạnh Hào cho rằng dòng tiền sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành, thay vì rút ra khỏi thị trường ngay lập tức. Theo đó, 5 ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất kể từ khi các thông tin về gói hỗ trợ kinh tế được tiết lộ gồm y tế, viễn thông, xây dựng và vật liệu xây dựng, truyền thông và bất động sản.

Những ngành hút lượng tiền đầu tư ít hơn gồm tài nguyên cơ bản, bảo hiểm, dầu khí, công nghệ, du lịch, giải trí.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, chứng khoán có thể hưởng lợi sau khi áp dụng chính sách kích thích kinh tế.

“Với ngân hàng thì cơ hội sẽ dành cho cổ phiếu có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, trích lập dự phòng nhiều. Còn nếu chỉ dựa vào tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ (NPL – PV) thì không tin tưởng lắm. Nhìn trung hạn cổ phiếu tốt vẫn tăng trưởng, vấn đề là chọn điểm vào”, ông Thuân cho biết.

Trước đó, TTCK từng ghi nhận chỉ số VNIndex tăng từ 250 điểm lên 600 điểm từ tháng 4 tới tháng 10-2009 – thời điểm thị trường bắt đầu đón nhận thông tin rò rỉ về chính sách kích cầu tới khi chính sách được áp dụng. Đáng lưu ý, có 72 cổ phiếu thuộc các ngành xây dựng, sắt thép, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán có giá trị giao dịch tăng 2 lần trong giai đoạn này.

Diễn biến này được ghi nhận trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng yếu và lạm phát tăng cao trong năm 2009, theo ông Thuân.

“Tiền bơm ra thị trường thì chứng khoán như ‘cá gặp nước’ một cách trực tiếp và gián tiếp cộng với cộng hưởng về tâm lý được cứu rỗi của nhà đầu tư”, ông Thuân nhận xét.

1 BÌNH LUẬN

  1. Khái niệm mới về bơm tiền: ” Còn việc “bơm” tiền mới, theo ông Hào, sẽ thực hiện qua hình thức phát hành trái phiếu để thu hút các nguồn tiền dư thừa, nhàn rỗi hiện có trên thị trường trong trường hợp cần thiết.”???

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới