Thị trường chứng khoán sẽ thay đổi lớn
Đây là thời điểm thử thách đối với tất cả các công ty chứng khoán. Có những lúc sàn chứng khoán hoang vắng không một bóng người - Ảnh: H.Phúc |
(TBKTSG Online) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong mục tiêu hướng hoạt động của các tổ chức trung gian trên thị trường chứng khoán (TTCK) lành mạnh hơn có thể thắt chặt hoặc ngừng cấp phép thành lập các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Bên cạnh đó là các hoạt động giám sát các quỹ, việc lập các quỹ (đã cấp phép), hoạt động của các văn phòng đại diện nước ngoài kinh doanh chứng khoán thông qua chế độ báo cáo và kiểm tra.
Kiểm toán hàng quý đối với công ty niêm yết
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2009 diễn ra tại trụ sở UBCKNN hôm 27-2, Phó chủ tịch của ủy ban này - ông Nguyễn Đoan Hùng cho biết, trong năm 2009, cơ quan này sẽ ban hành các hướng dẫn về phát hành, việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK thế giới. Đồng thời, cơ quan quản lý sẽ cho phép ra mắt các sản phẩm mới như chứng khoán phái sinh, giao dịch chỉ số hay hợp đồng quyền chọn.
Hiện tại, UBCKNN đang tập trung rà soát lại và phân loại tình trạng tài chính của các công ty niêm yết để có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó sẽ xây dựng dự thảo và ban hành các thông tư về xử lý rủi ro, thâu tóm, sáp nhập, giải thể hay phá sản công ty chứng khoán, nghiên cứu để đưa ra quy định kiểm toán hàng quý đối với công ty chứng khoán và cả các công ty niêm yết.
UBCKNN trong năm nay cũng sẽ xây dựng đề án về chiến lược phát triển TTCK đến 2020, trong đó tập trung vào các mảng công việc về tái cấu trúc thị trường, chuyển đổi các trung tâm thành công ty TNHH một thành viên, nâng cao vai trò giám sát quản lý của Ủy ban và đưa ra lộ trình phát triển các sản phẩm chứng khoán theo từng giai đoạn.
Mức vốn hóa thị trường khoảng 20%
Mức vốn hoá thị trường vào cuối năm 2008 của 338 công ty niêm yết là 225.000 tỉ đồng, bằng khoảng 20% GDP năm 2007, giảm nhiều so với mức vốn hóa 40% GDP của năm 2007.
Tính đến tháng 12-2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK khoảng 4,6 tỉ đô la Mỹ, so với thời điểm đầu năm 2008 (thời điểm giá trị danh mục đầu tư lớn nhất) thì giảm gần 4 tỉ đô la Mỹ. “Giá trị danh mục đầu tư giảm mạnh, một phần do giá cổ phiếu giảm khoảng 70%, một phần do nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần dòng vốn chuyển sang kênh đầu tư khác, nên dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam không nhiều, khoảng 2 tỉ đô la Mỹ”, trích báo cáo của UBCKNN. Lượng bán ra của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua tập trung vào trái phiếu Chính phủ và những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Mức độ rút vốn gắn liền với sự suy giảm của thị trường song so với tổng mức dự trữ ngoại tệ quốc tế, quy mô đầu tư gián tiếp cũng không lớn. Ngoài ra, khả năng rút vốn cũng bị hạn chế bởi giá cả, tính thanh khoản, khả năng chuyển đổi đô la Mỹ. Hơn nữa khoảng 2/3 danh mục do các quỹ đóng nắm giữ nên sức ép thanh lý sẽ thấp hơn các quỹ mở. |
Mức vốn huy động qua TTCK trong năm 2008 là 29 ngàn tỉ đồng. Trong đó, giá trị phát hành là 14,3 ngàn tỉ đồng. Giá trị đấu giá là khoảng 7,8 ngàn tỉ đồng, trị giá đấu thầu trái phiếu Chính phủ là 7 ngàn tỉ đồng, bằng khoảng 23% mức vốn huy động của năm 2007 (là 127 ngàn tỉ đồng).
Theo UBCKNN, trong năm 2008, các công ty chứng khoán đều gặp khó khăn do thị trường suy giảm nên phải thu hẹp hoạt động cắt giảm chi phí, nhân sự.
Một số công ty chứng khoán lớn cũng thua lỗ nhưng do các công ty này có vốn chủ sở hữu lớn và thua lỗ trên sổ sách (do phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán) nên ảnh hưởng đến hoạt động không nhiều. Một số công ty đang làm thủ tục tăng vốn để duy trì hoạt động khi thị trường suy giảm kéo dài.
Tài sản ròng của các quỹ đầu tư xuống thấp và việc huy động vốn của các quỹ khó khăn dẫn đến việc một số quỹ cơ cấu lại danh mục để giải ngân trong thời điểm thích hợp, một số đã đảo vốn rút khỏi thị trường.
Tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), trong số 165/172 công ty niêm yết đã nộp báo cáo tài chính quí 4-2008 thì có 122/165 công ty có kết quả kinh doanh lãi, 43/165 lỗ. Tính chung cả năm 2008 có 152/165 công ty kết quả lãi, 13/165 công ty lỗ.
Còn ở Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC), 158/168 công ty đã nộp báo cáo tài chính quí 4-2008 thì có 137/158 công ty lãi và 21 công ty lỗ. Tính chung cả năm có 149/158 công ty niêm yết có kết quả lãi còn lại 9 công ty có lợi nhuận âm.
UBCKNN cũng đưa ra một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước. Thứ nhất, cần thực hiện giải pháp tiền tệ linh hoạt, tiếp tục nới biên độ tỷ giá tại thời điểm thích hợp và thực hiện dần từng bước để tránh tác động tâm lý lên vấn đề tỷ giá; từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện cổ phần hoá để đảm bảo chương trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp nhằm tạo hàng chất lượng cao cho thị trường và hút vốn đầu tư. Cần chuyển sang áp dụng phương thức thoả thuận khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược hoặc đấu giá giữa các đối tác chiến lược, đồng thời giảm bớt tỷ lệ bán ra bên ngoài.
Thứ ba, nên nâng cao khả năng tài chính cho các ngân hàng và nâng cao luồng vốn ngoại tệ cho các ngân hàng bằng cách bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài với tỷ lệ dưới 5% không phải xin phép, đồng thời nới tỷ lệ sở hữu trong ngân hàng lên 35% để tăng tính hấp dẫn.
Thứ tư, tiếp tục giãn thuế thu nhập cá nhân với hoạt động đầu tư trên TTCK khoảng 1-2 năm, bao gồm thuế đánh vào doanh thu, cổ tức và trái tức. Không nên đánh thuế với cổ phiếu thưởng vì đó là vấn đề tái đầu tư.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu việc thành lập Quỹ bình ổn chứng khoán với sự tham gia góp vốn của nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
“Quỹ sẽ đầu tư theo chỉ số, tức lựa chọn một số công ty có thị phần lớn để mua vào, kết hợp với hoạt động mua vào của các tổ chức lớn khác. Sự can thiệp này sẽ tạo sự hồi phục bền vững hơn cho TTCK. Khi thị trường hồi phục có thể bán ra thanh lý quỹ hoặc nhà nước chuyển nhượng lãi cổ phần cho khu vực tư nhân”, ông Đoan Hùng nói.
HỒNG PHÚC