Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán sẽ thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường chứng khoán sẽ thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng

Thanh Thương

Thị trường chứng khoán sẽ thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng
Thị trường chứng khoán chưa hào hứng với thông tin nhiều cổ phiếu ngân hàng niêm yết trong năm sau, 2014. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG Online) – Theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2014 tất cả các ngân hàng buộc phải niêm yết, như vậy thị trường chứng khoán sẽ có thêm một lượng lớn cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chưa hào hứng với quyết định này.

>> Mua bán cổ phiếu OTC đìu hiu

Trên cả hai sàn TPHCM, Hà Nội hiện có 8 cổ phiếu ngân hàng. Nếu các ngân hàng cổ phần khác cũng buộc phải lên niêm yết thì sẽ có khoảng gần 30 mã cổ phiếu ngân hàng lên sàn. Tổng giá trị cổ phiếu mới niêm yết tính theo mệnh giá lên đến 150.000 tỉ đồng, tức bằng hơn 40% so với giá trị niêm yết trên cả hai sàn hiện tại.

Như vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ đóng góp không nhỏ vào sự biến động của các chỉ số chính như VN-Index hay HNX-Index.

Theo phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán, việc thị trường chứng khoán đón nhận thêm một lượng cổ phiếu lớn như vậy là rất tốt, vì thị trường có thêm nhiều hàng hóa để chọn lựa. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào kế hoạch này sẽ thấy chưa dễ thực hiện ngay. Vì trong gần 30 ngân hàng nói trên, có những ngân hàng đang nằm vào diện tái cơ cấu, cần phải hoàn thiện quá trình này và lành mạnh tình hình tài chính, sau đó mới tính chuyện niêm yết, một mặt vì phải tuân theo các tiêu chuẩn niêm yết của Ủy ban chứng khoán quy định, một mặt nếu muốn hàng hóa lên sàn phải thật chất lượng.

Thêm vào đó, ông này cho rằng vấn đề chính của các ngân hàng năm sau là xử lý nợ xấu, để tránh tình trạng mất thanh khoản và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Và nếu tiến trình xử lý các vấn đề nội tại của các ngân hàng vẫn còn thì cổ phiếu ngân hàng sẽ khó hấp dẫn. Trong khi đó, một lượng rất lớn cổ phiếu ngân hàng niêm yết thì thế cân bằng của cổ phiếu các nhóm ngành sẽ giảm bớt rất nhiều.

Còn giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lại cho rằng cho dù thị trường chứng khoán tràn ngập cổ phiếu ngân hàng thì cũng không chắc sẽ nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu có, chỉ với các định chế tài chính lớn, muốn tham gia thị trường tài chính Việt Nam thông qua việc rót vốn vào các ngân hàng. Còn với các quỹ đầu tư, với cổ phiếu các ngân hàng nhỏ, tình hình tài chính chưa cải thiện thì họ sẽ không bỏ vốn. Mà thực tế ông cho rằng nếu có lên niêm yết, các ngân hàng này chưa chắc đã minh bạch, vì vẫn chịu sự chi phối của các nhóm cổ đông. Hiện tại vẫn có những ngân hàng đã niêm yết nhưng tình hình hoạt động ra sao cũng không thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính.

Chưa kể, nhiều ngân hàng hiện chỉ niêm yết một số lượng ít cổ phiếu, còn lại đều do nhà nước nắm giữ. Ở đây vẫn là ngân hàng niêm yết, nhưng thực sự vốn nhà nước chiếm rất lớn (trên 70%), nên tiếng nói của cổ đông nhỏ không được lắng nghe. Và vì vậy, sự minh bạch của các ngân hàng ra sao cũng rất khó biết.

Trong khi một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc buộc các doanh nghiệp lên niêm yết chỉ là một trong những động thái buộc các ngân hàng phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin nên cổ đông vẫn dễ dàng theo dõi hơn. Tuy thế, ông cho rằng đó không phải là phương án để giảm sở hữu chéo. Bởi lên niêm yết, cổ phiếu được giao dịch tự do sẽ khiến hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra mạnh mẽ, vì vậy, việc thay đổi cơ cấu sở hữu của các ngân hàng sẽ diễn ra nhiều. Do đó, ông cho rằng việc giảm sở hữu chéo sẽ được thực hiện bằng nhiều phương án khác.

Hiện tại đa phần cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết vẫn đang giao dịch trên thị trường không chính thức OTC. Giá cổ phiếu các ngân hàng thường rất thấp, đa phần dưới mệnh giá và nhiều cổ phiếu không có thanh khoản.

Trong những năm 2008, 2009 đã có nhiều ngân hàng tính chuyện lên niêm yết nhưng sau đó đã bỏ đi ý định này như DongABank, HDBank, OCB… khi thị trường chứng khoán trở nên ảm đạm và hoạt động huy động vốn trở nên khó khăn. Trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2013, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank cũng cho rằng hoạt động minh bạch là trách nhiệm của các ngân hàng, còn việc lên niêm yết thì ngân hàng sẽ chọn điều kiện thuận lợi để thực hiện, DongABank không đặt mục tiêu phải niêm yết bằng mọi giá.

Còn trên sàn Hà Nội, ngân hàng đang niêm yết là Navibank cũng đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để hủy niêm yết vì không đạt được mục tiêu tăng thanh khoản cho cổ phiếu hay huy động được vốn mới.

Trong khi đó, BIDV đã quyết định niêm yết trong năm ngoái, nhưng cũng đến đầu quí 4 năm nay ngân hàng mới nộp hồ sơ niêm yết, và khả năng lên sàn của BIDV là vào năm sau.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, các ngân hàng thương mại cổ phần dứt khoát phải lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn chế tình trạng sở hữu chéo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới