Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ‘nóng’ với giới nhà đầu tư cá nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường chứng khoán Trung Quốc ‘nóng’ với giới nhà đầu tư cá nhân

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Giới nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đang đua nhau vay ký quỹ và mở tài khoản để mua cổ phiếu, đẩy chỉ số chứng khoán Shanghai Composite lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018. Điều này làm gợi nhớ đến thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015 để rồi rốt cục sụp đổ thảm khốc.

Chứng khoán Trung Quốc rơi thảm vì virus corona

Các quỹ đầu tư toàn cầu rót tiền mạnh vào Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc 'nóng' với giới nhà đầu tư cá nhân
Lượng nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản mới và mức vay ký quỹ tăng nhanh đã đốt nóng thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: Getty

Cơn sốt cổ phiếu sau một bài báo

Cũng giống như hàng triệu nhà đầu tư không chuyên khác ở Trung Quốc, Min Hang, nhân viên của một công ty khởi nghiệp (startup) về công nghệ ở Bắc Kinh đứng ngồi không yên trước cơn tăng phi mã trên thị trường chứng khoán. Cô đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán vào hôm 7-7, một ngay sau khi chỉ số Shanghai Composite tăng 5,71%, mức tăng mạnh nhất trong một phiên giao dịch kể từ tháng 7-2015. Min Hang nói: “Tôi không đời nào thua được. Giờ đây, tôi cảm thấy bất khả chiến bại”.

Chốt phiên giao dịch ngày 9-7, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,39% lên mức  3.450,59 điểm, nối dài chuỗi tăng điểm sang ngày thứ tám liên tiếp. Giới nhà đầu tư và phân tích cho biết rất khó chỉ ra một động lực lớn và rõ ràng nào đang đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc bay cao.

Tuy nhiên, phiên tăng giá mạnh hôm 6-7 diễn ra sau khi Tạp chí chứng khoán Trung Quốc đăng bài xã luận trên trang nhất nhấn mạnh rằng, nuôi dưỡng “một thị trường chứng khoán tăng giá lành mạnh” là điều quan trọng đối với Trung Quốc, trong bối cảnh mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc ngày càng phức tạp, sự cạnh tranh công nghệ và tài chính diễn ra căng thẳng và các thách thức kiểm soát rủi ro tài chính trong nước.

Các nhà phân tích cho rằng, bài xã luận đó đã củng cố niềm tin của giới đầu tư. Peter Boockvar, Giám đốc chiến lược đầu tư ở Công ty Bleakley Advisory Group, nói: “Chúng ta có Cục Dự trữ liên bang (Fed) kích thích thị trường tăng giá, còn Trung Quốc có truyền thông nhà nước làm điều đó”.

Alex Au, Giám đốc Công ty quản lý đầu tư Alphalex Capital Management, ở Hồng Kông, nói: “Tôi cảm nhận rằng, đà tăng giá lần này đang mạnh lên nhờ hiệu ứng tuyết lăn, tức nhiều nhà đầu tư nhập cuộc khi chứng khiến những người khác kiếm được tiền. Hơn nữa, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu mua cổ phiếu trong quý 2 và không mất tiền trong những tháng qua, nên họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đẩy thị trường lên cao hơn”.

Năm năm sau khi cơn tăng giá bùng nổ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc để rồi sau đó sụp đổ, “chôn vùi” một lớp nhà đầu tư, các dấu hiệu về sự hưng phấn của giới đầu tư cá nhân xuất hiện khắp nơi.

Giá trị giao dịch tăng vọt, vay ký quỹ (margin) cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2015. Theo Công ty dữ liệu Wind, tổng giá trị vay ký quỹ ở thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt 1.270 tỉ nhân dân tệ (184 tỉ đô la Mỹ) vào hôm 7-7, mức cao nhất trong năm năm qua.

Trong khi đó, các nền tảng giao dịch trực tuyến ở Trung Quốc bị quá tải vì lượng truy cập bùng nổ. Trong bảy ngày qua, vốn hóa của thị chứng khoán Trung Quốc đã tăng thêm 1.000 tỉ đô la, vượt xa mức tăng ở mọi thị trường khác trên thế giới.

Tuy nhiên, cơn sốt cổ phiếu của Trung Quốc có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Không giống như các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, giới đầu tư cá nhân của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động giao dịch và tâm lý rất dễ dao động của họ có thể gây tác động lan tỏa đến nền kinh tế và chính sách tiền tệ.

Liệu cú sụp đổ vào năm 2015 có lặp lại?

Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay lần đầu tiên vượt 9.000 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2015. Ảnh: Bloomberg

Hiện tại, các chỉ số đo độ nóng thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn ở mức an toàn so với thời kỳ cao trào của bong bóng cổ phiếu vào năm 2007 và 2015. Có sự khác biệt quan trọng giữa thời điểm hiện nay và thời điểm bắt đầu cơn sốt đầu tư chứng khoán ở Trung Quốc bắt đầu hình thành vào năm 2014, bao gồm mức định giá cổ phiếu hiện nay đang thấp hơn.

Dù các nhà đầu tư đang đẩy mạnh vay kí quỹ để mua cổ phiếu, mức độ sử dụng đòn bẫy tài chính trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay chỉ tương đương 50% so với mức đỉnh điểm cách đây năm năm.

Một số nhà đầu tư cho biết, họ thận trọng với việc vay ký quỹ trong năm nay vì đã chứng kiến các hậu quả xảy ra trước đó.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley nâng mức điểm mục tiêu của chỉ số CSI 300 (đo lường biến động giá của 300 cổ phiếu loại A trên sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến) lên 29% so với mức điểm đóng cửa cao nhất của chỉ số này vào năm 2015, nhờ các yếu tố như lượng tài khoản mới mở của các nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh.

Họ cũng cho rằng, đà tăng giá lần này trên thị trường chứng khoán Trung Quốc được hỗ trợ bởi các nỗ lực cải cách của Bắc Kinh bao gồm kế hoạch tăng các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và nâng biên độ giao dịch của một số cổ phiếu.

Leo Li, một nhà biên kịch tự do, 28 tuổi ở TP. Côn Minh, cho biết anh đang đầu tư “tất tay” vào cổ phiếu nhưng chưa vay ký quỹ để tối đa hóa lợi nhuận. “Sử dụng đòn bẫy tài chính chỉ hợp lý khi bạn có thể chắc thắng 100%”, Li nói. Anh tiết lộ năm ngoái, gia đình anh đã bán bất động sản để mua cổ phiếu.

“Thông thường các cụ già sẽ bắt đầu gia nhập vào giai đoạn giữa và cuối của một chu kỳ tăng giá. Chúng tôi vẫn chưa đến thời điểm đó nhưng khi nó đến, tôi sẽ sẵn sàng rút lui”, Li nói.

Vào năm 2014, những bài viết hô hào của truyền thông nhà nước Trung Quốc đã giúp khơi dậy mối quan tâm đối với thị trường cổ phiếu vốn đang ảm đạm. Kết quả là cơn bong bóng cổ phiếu với sự hỗ trợ của đòn bẫy tài chính đã vỡ tung cách đây năm năm, cuốn phăng 5.000 tỉ đô la Mỹ khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Cú sụp đổ này khiến các cơ quan quản lý siết chặt kiểm soát các hoạt động đầu cơ và giao dịch nội gián.

Nhà đầu tư Tim Zhao – 44 tuổi ở Bắc Kinh, hiện đang quản lý một công ty kinh doanh thiết bị quay phim – tin rằng anh đã rút ra bài học từ năm 2015 sau khi thua một số tiền lớn do giá cổ phiếu lao dốc. Anh đang quay trở lại thị trường và dự báo chu kỳ tăng giá lần này có thể kéo dài đến năm năm.

“Mọi thứ rất khác vào lần này. Tình hình thị trường phức tạp hơn nhiều”, anh Tim Zhao cho biết. Anh bắt đầu mua vào cổ phiếu, chủ yếu là cổ phiếu của các công ty y tế và sản xuất chip hồi tháng 2 sau khi thị trường chứng khoán lao dốc do khủng hoảng dịch Covid-19 lên cao trào. Từ chối tiết lộ số tiền đã đầu tư vào cổ phiếu nhưng anh cho biết, sẽ không sử dụng đòn bẫy tài chính.

Những nhà đầu tư khác không cho rằng lịch sử “đau thương” của năm 2015 sẽ lặp lại.

“Các cơ quan quản lý sẽ giám sát mọi thứ để duy trì một thị trường tăng giá chậm rãi. Tôi tự tin rằng tôi có thể thoát ra trước khi thị trường sụp đổ. Bạn có thể làm điều đó miễn là bạn đừng quá tham lam”, Roger Lin, một doanh nhân 45 tuổi, đang quản lý một công ty thương mại ở TP. Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, nói.

Lin đã đầu tư khoảng 200.000 nhân dân tệ vào thị trường chứng khoán hồi đầu năm nay và đầu tư thêm 50.000 nhân dân tệ nữa vào tuần trước.

Theo Bloomberg, Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới