Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường dầu kêu cứu giữa áp lực biến động giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường dầu kêu cứu giữa áp lực biến động giá

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã xuyên thủng mốc 30 đô la/thùng do nhu cầu giảm mạnh khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng, giữa lúc Saudi Arabia và Nga vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong cuộc chiến giá dầu.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo doanh thu dầu khí của các nước sản xuất dầu thuộc nhóm nước đang phát triển có thể mất từ 50-85% trong năm nay nếu giá dầu thô suy yếu trong thời gian dài.

Giá dầu rơi thẳng đứng vì cuộc chiến giá giữa Saudi Arabia và Nga

Giá dầu sẽ tăng đến mức nào nếu Iran trả đũa Mỹ?

Thị trường dầu kêu cứu giữa áp lực biến động giá
Lúc 4 giờ chiều nay, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent ở thị trường London đang giao dịch ở mức 28,25 đô la/thùng, giảm 1,67% so với mức giá đóng cửa hôm trước. Ảnh: Investing

Lần đầu tiên giá dầu về dưới 30 đô la/thùng kể từ năm 2016

Chốt phiên hôm 17-3, giá dầu Brent ở thị trường London giảm 1,32 đô la, xuống mức 28,73 đô la/thùng. Đây là lần đầu tiên chỉ số giá dầu này xuyên thủng xuống 30 đô la/thùng kể từ năm 2016. Trong khi đó, giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York cũng giảm 1,75% (6,1%) về mức 26,95 đô la/thùng.

Tính đến 4 giờ chiều nay, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 28,25 đô la/thùng, giảm 1,67%, còn giá dầu WTI giảm 3,2%, về mức 26,45 đô la/thùng. Giá dầu thô hiện tại đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh gần đây hồi tháng 1 năm nay.

Hôm 16-3, Saudi Aramco, tập đoàn dầu khí nhà nước Saudi Arabia, thông báo đạt lợi nhuận 88,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019, giảm so với con số lợi nhuận 111,1 tỉ đô la vào năm trước đó. Saudi Aramco cho biết sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ trong tháng 4 và tháng 5 lên mức tối đa 12,3 triệu thùng/ngày.

Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành Saudi Aramco, nói rằng tập đoàn “rất yên ổn” với mức giá dầu 30 đô la/thùng. Trước đó, Nga, nước từ chối ủng hộ đề xuất cắt giảm thêm sản lượng dầu của OPEC, tuyên bố nước này có thể chịu đựng các mức giá dầu thấp trong 10 năm.

Trong báo cáo gửi khách hàng hôm 17-3, các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent và Tây Texas có thể giảm về mức trung bình 20 đô la/thùng vào quí 2, thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm 2002.

Họ cũng nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 8 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3 do tác động của dịch bệnh Covid-19 và giảm bình quân 1,1 triệu thùng/ngày trong cả năm 2020, mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Abhi Rajendran, Giám đốc nghiên cứu ở Công ty Energy Intelligence, thậm chí dự báo giá dầu có thể dễ dàng rơi vào mức dưới 20 đô la/thùng vì chỉ trong vòng 1-2 tuần tới, nguồn cung dầu của thế giới có thể dư thừa hơn 10 triệu thùng/ngày.

Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng ở Công ty PGIM Fixed Income, nhận định thị trường dầu suy yếu trong thời gian dài sẽ khiến ngành năng lượng Mỹ mất mát 50.000-75.000 việc làm.

Lo lắng cho sự an nguy của các công ty năng lượng Mỹ, cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh Bộ Năng lượng Mỹ mua dầu thô bổ sung vào Kho Dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia.

Do giá dầu lao dốc, giá xăng trung bình ở Mỹ đã giảm từ mức 2,6 đô la/gallon (3,78 lít) vào hồi đầu năm về mức 2,19 đô la/gallon hiện nay, tức khoảng 13.500 đồng/lít.

Các nước đang phát triển sẽ tổn thất nặng nề

Trong một tuyên bố chung hiếm hoi đưa ra hôm 17-3, Tổng thư ký OPEC, Mohammed Barkindo và Giám đốc IEA, Fatih Birol, bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình đại dịch Covid-19.

Họ nhận định doanh thu dầu khí của các nước đang phát triển sẽ rơi về mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ nếu tình hình ảm đạm của thị trường năng lượng hiện nay kéo dài. Họ dự báo doanh thu dầu khí của các nước này có thể giảm từ 50-85% trong năm 2020.

Họ cũng cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có thể gây ra những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng, đặc biệt là trong chi tiêu công ở các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc y tế và giáo dục.

Tuyên bố của họ không đề cập đến Nga nhưng khẳng định cả OPEC lẫn IEA đều đề cao tầm quan trọng của việc bình ổn thị trường khi các nhà sản xuất dầu mỏ đang cảm nhận tác động nặng nề từ cơn biến động giá quá mạnh trên thị trường dầu thô.

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC vào tuần trước, Giám đốc IEA, Fatih Birol, nói rằng các nước sản xuất dầu như Iraq, Algeria và Nigeria đang rơi vào tình thế ngặt nghèo do giá dầu thấp. Ông cho rằng, các nước này vốn có nguồn ngân sách phụ thuộc lớn vào dầu mỏ sẽ cần sự hỗ trợ của quốc tế.

Trong thư gửi cho Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo hôm 17-3, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Thamer al-Ghadhban đề nghị các nước OPEC và các nước đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu khẩn cấp tiến hành các cuộc họp đặc biệt thảo luận tất cả các phương án khả thi, để đưa ra hành động “tức thì và mạnh mẽ” giúp tái cân bằng thị trường dầu.

Theo Fox Business, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới