Thứ Bảy, 1/04/2023, 15:51
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thị trường dầu lao đao vì dịch viêm phổi do virus corona

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường dầu lao đao vì dịch viêm phổi do virus corona

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh ngoài OPEC (hay còn gọi là OPEC+) đang cân nhắc các biện pháp nhằm cứu vãn thị trường dầu, hiện suy giảm mạnh do nỗi lo nhu cầu suy yếu khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (còn được gọi là dịch viêm phổi Vũ Hán) đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu.

Một số nguồn tin tiết lộ, nhu cầu dầu của Trung Quốc đang giảm đến 3 triệu thùng/ngày.

Lo giá dầu giảm sâu, OPEC nhất trí cắt giảm thêm sản lượng

OPEC hợp tác với Nga để chống đỡ sức ép của ông Trump

Thị trường dầu lao đao vì dịch viêm phổi do virus corona
Bồn chứa tại nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

OPEC+ sắp họp khẩn để đánh giá tác động của dịch nCoV

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ sẽ tiến hành họp vào ngày 4 và 5-2 tại trụ sở của OPEC ở Vienna (Áo), sớm hơn một tháng so với kế hoạch, để đánh giá tác động của dịch nCoV đối với nhu cầu dầu toàn cầu.

Sau đó vài ngày, Ủy ban Bộ trưởng của OPEC+ sẽ nhóm họp để thông qua phản ứng khẩn cấp cứu vãn thị trường dầu.

Các nguồn tin cho biết Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ có thể đưa ra đề xuất về việc liệu có kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày qua thời hạn cuối tháng 3-2020 hay không.

Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+, bao gồm các chuyên gia từ các bộ dầu mỏ và năng lượng của các nước nằm trong nhóm, thường họp để chuẩn bị báo cáo về tình hình thị trường dầu và các kịch bản thị trường dầu trong tương lai gần, rồi trình lên cuộc họp cho Ủy ban Bộ trưởng OPEC+.

Hiện tại, các nước OPEC+ đang lo ngại diễn biến lây lan nhanh của dịch nCoV từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, đặc biệt là ở mảng hàng không do số chuyến bay đến từ đi từ Trung Quốc giảm mạnh.

Hôm 31-1, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, nói nước này sẵn sàng tham gia các nỗ lực hỗ trợ thị trường dầu.

Đà sụt giảm mạnh gần đây của giá dầu có thể gây tổn thất lớn đối với Nga. Bộ Tài chính Nga hoạch định chi tiêu ngân sách trong năm 2020 dựa theo kịch bản giá dầu Urals đạt mức trung bình 57,7 đô la/thùng nhưng giờ đây, giá dầu Urals đã rơi về 55,52 đô la/thùng.

Trong nhiều ngày qua, Saudi Arabia, nước dẫn dắt OPEC, hối thúc OPEC+ tiến hành họp sớm khi mối đe dọa của dịch bệnh cho virus corona (nCoV) đẩy giá dầu thô trên thị trường quốc tế về mức thấp nhất trong 6 tháng qua.

Đầu giờ chiều ngày 3-2, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent ở London đang giảm 0,5%, về mức 55,12 đô la/thùng, còn giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York giảm 0,27%, về mức 51,42 đô la/thùng. Các mức giá này nằm dưới ngưỡng giá mà hầu hết các nước thành viên OPEC muốn duy trì để bảo đảm nguồn thu ngân sách.

Giá dầu đã giảm hơn 21% kể từ đỉnh cao thiết lập hồi đầu tháng 1 khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq để trả đũa vụ Mỹ không kích ám sát một thiếu tướng của Iran.

Nhu cầu dầu Trung Quốc đang giảm 3 triệu thùng/ngày

Một cây xăng vắng khách ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: EPA

Hai câu hỏi quan trọng đặt ra cho các nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới hiện nay là dịch nCoV sẽ kéo dài bao lâu và hậu quả nghiêm trọng đến mức nào. Vào thời điểm này, các ước tính về tác động của dịch nCoV đối với nhu cầu dầu rất chênh lệch.

Một số nhà phân tích dự báo dịch nCoV có thể cắt giảm nhu cầu dầu toàn cầu hơn 250.000 thùng/ngày trong quí 1 năm nay.

S&P Global Platts nhận định trong kịch bản xấu nhất, nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm 2,6 triệu thùng/ngày trong tháng 2-2020 và giảm 2 triệu thùng/ngày trong tháng 3.

Trung Quốc tiêu thụ trung bình khoảng 14 triệu thùng dầu/ngày, tương đương nhu cầu tiêu thụ của Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc gộp lại.

Hôm 3-2, hãng tin Bloomberg dẫn lời các lãnh đạo giấu tên từ các công ty dầu khí Trung Quốc và phương Tây cho hay dịch nCoV đang khiến nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm 20%, tương đương khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày.

Họ cho biết các nhà máy lọc dầu ở nước này đang tích trữ lượng xăng dầu chưa bán được. Khi mà lượng xăng dầu tích trữ ngày càng tăng, các kho dự trữ sẽ sớm hết công suất. Nếu điều đó xảy ra, các nhà máy lọc dầu này phải cắt giảm lượng dầu thô chế biến.

Một nguồn tin nói rằng Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec), nhà lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đang trong tiến trình giảm công suất lọc dầu trung bình khoảng 13-15%.

John Kilduff, đối tác ở Công ty Again Capital, nhận định nhu cầu dầu suy giảm ở Trung Quốc là kịch bản tồi tệ nhất đối với OPEC+. Ông cho rằng nếu tiến hành họp sớm, Ủy ban Kỹ thuật chung của OPEC+ họp có thể đề xuất cắt giảm sản lượng dầu hơn nữa như là biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Trung Quốc là nguồn tăng trưởng nhu cầu quan trọng của thị trường dầu thế giới. Hồi đầu tháng này, OPEC dự báo nước này sẽ đóng góp 25% mức tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm nay. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nước này sẽ chiếm đến 40% nhu cầu dầu tăng thêm của toàn cầu trong năm 2020.

Song các biện pháp mà Bắc Kinh đang áp dụng để kiểm soát đà lây lan của nCoV bao gồm việc phong tỏa đi lại các thành phố ở tỉnh Hồ Bắc cũng như kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, làm mất mát một phần lớn nhu cầu tiêu thụ dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects cho biết OPEC đang cân nhắc cắt giảm thêm 500.000 thùng dầu/ngày nhưng đề xuất chưa nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong nhóm OPEC+. Khi mà OPEC và các nước đồng minh đã cắt giảm sâu sản lượng, nhiều nhà phân tích nghi ngờ khả năng họ sẵn sàng nhất trí cắt giảm thêm.

Tuy nhiên, nếu không hành động khẩn cấp, rủi ro đối với thị trường dầu có thể làm nghiêm trọng hơn. Đà suy giảm hiện nay của giá dầu được kìm hãm phần nào nhờ xuất khẩu dầu của Libya, một thành viên của OPEC, bị ngưng trệ sau khi Khalifa Haftar, lãnh đạo phe nổi dậy ở nước này, phong tỏa các kho cảng xuất khẩu dầu để giành lợi thế trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận hòa bình với chính phủ Libya.

Theo Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới