Thị trường đường năm 2011: Dự báo giá tiếp tục tăng
Nguyễn Hằng
![]() |
Nông dân trong nước thu hoạch mía, dự báo năm nay mía tiếp tục cung không đủ nhu cầu cho các nhà máy đường – Ảnh: TL. |
(TBKTSG Online) – Giá đường trên thị trường thế giới tăng liên tục trong những phiên vừa qua và triển vọng tiếp tục lên cao trong thời gian tới do những lo lắng về nguồn cung. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, nguồn cung tiếp tục thiếu hụt trong năm nay chắc chắn phải nhập khẩu nhiều hơn và sẽ chịu tác động mạnh của giá đường thế giới.
>>Dự báo thị trường đường năm 2011
Nguồn cung yếu
Sản lượng đường của Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, có thể không được như mong đợi. Theo Balrampur, công ty sản xuất đường lớn thứ hai của Ấn Độ, sản lượng đường của nước này trong năm chính đến 30/9/2011 là khoảng 24,5 triệu tấn, thấp hơn so với mức dự đoán 25 triệu tấn hồi tháng 11/2010.
Ngân hàng Rabobank của Úc trong khi đó cho biết, lũ lụt và bão Yasi gây thiệt hại nặng nề cho cây trồng, có thể đã làm giảm sản lượng đường của nước này khoảng 300.000 tấn. Trong niên vụ 2011/12, sản lượng đường của Úc có thể chỉ đạt 3,5 triệu tấn, thấp hơn so với mức 3,6 triệu tấn của vụ trước và thấp hơn mức 3,8 triệu tấn dự kiến. Niên vụ 2010/11, Úc, quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 3 thế giới sau Brazil và Thái Lan đã phải chứng kiến vụ mùa cho sản lượng đường thấp nhất trong 20 năm qua.
Hồi đầu tháng này (ngày 3/2), bão Yasi với sức gió 300 km/giờ đã đổ bộ những khu vực đông dân cư ở phía Bắc và Đông Bắc nước Úc, tuy không có mất mát về người nhưng đã khiến hơn 200.000 gia đình mất điện sinh hoạt, gây thiệt hại nhà cửa, cây cối.
Bão Yasi tràn qua bang Queensland, vốn đã phải hứng chịu trận lũ lịch sử vừa qua và là bang chiếm hơn 90% diện tích mía của Úc, khiến ngành công nghiệp sản xuất mía đường thiệt hại nặng nề, khoảng 500 triệu đô la Mỹ.
Giá cao nhất 3 thập kỷ
Giá đường đã tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần trước (trong dịp Việt Nam nghỉ tết Âm lịch) và lên mức cao nhất của 3 thập kỷ qua do thị trường hoài nghi về khả năng xuất khẩu đường của New Delhi và lo lắng sản lượng của Úc khi nước này liên tiếp bị thiên tai nghiêm trọng.
Thị trường tuy nhiên đã hạ nhiệt và quay đầu giảm sau khi Trung Quốc quyết định tăng lãi suất cơ bản lần thứ hai trong hơn 1 tháng qua do lo ngại nhu cầu sẽ giảm ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá đường thô giao tháng 3/2011 tại Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn New York (ICE) đã giảm 1,53 cent, tương đương 4,65% xuống 31,16 cent/lb (1 lb = 0,454 kg) vào lúc đóng cửa phiên ngày 8/2. Giá đường trắng cùng kỳ hạn tại Sở giao dịch hàng hóa London (LIFFE) giảm 30,9 đô la, tương đương 3,85% xuống còn 768,70 đô la/tấn.
Theo giới phân tích, không chỉ thị trường đường mà tất cả các thị trường hàng hóa đều chịu tác động từ phía Trung Quốc trong phiên hôm qua. Nhưng nhiều người cho rằng, phản ứng của thị trường là quá đà bởi họ tin Bắc Kinh không muốn làm giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế hay dùng các biện pháp mạnh để làm giảm nhu cầu đối với các mặt hàng chủ lực là ngũ cốc và đường.
Triển vọng giá tăng
Về triển vọng thị trường thời gian tới, các nhà phân tích nhận định giá đường còn nhiều yếu tố hỗ trợ để đi lên. Xuất khẩu đường của Ấn Độ có thể sẽ không nhiều như dự kiến, trong khi đó các nước châu Âu và Nga sẽ phải nhập thêm đường, còn Brazil thì khó đạt sản lượng như mong muốn nếu đất nước này dành nguyên liệu cho sản xuất ethanol nhiều hơn để thay thế cho dầu thô trong bối cảnh giá cao. Tại Úc, những thiệt hại ở các khu vực trồng mía chủ lực đã rõ và ngành công nghiệp mía đường nước này chắc chắn chưa thể hồi phục được trong một sớm một chiều.
Ở thị trường trong nước, giá đường dự báo tăng trong thời gian tới do giá thế giới tăng và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu đường từ bên ngoài.
Hiệp hội đường Việt Nam nhận định, những thiệt hại của ngành mía đường Úc chắc chắn khiến thị trường đi lên nhưng ở mức nào thì vẫn khó xác định. Hiện tại, Việt Nam mỗi năm phải nhập 250.000 – 300.000 tấn đường, nên giá tăng trên thế giới thì giá trong nước chắc chắn tăng theo. Hồi đầu tháng trước, Bộ Công Thương đã có công văn cho phép 24 doanh nghiệp nhập khẩu gần 140.000 tấn đường trong tổng số 250.000 tấn dự kiến nhập trong năm 2011 và thời hạn nhập là hết ngày 7/7/2011.