Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường hàng không kỳ vọng hồi phục vào quí 3

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường hàng không kỳ vọng hồi phục vào quí 3

V.Dũng

(KTSG Online) – Cục Hàng không Việt Nam dự báo ngành hàng không nội địa sẽ phục hồi từ giữa quí 3-2021, khi việc tiêm vaccine Covid-19 được đẩy nhanh ở các thị trường trọng điểm. Đây được xem là thông tin lạc quan trong bối cảnh thị trường này đang bị bủa vây bởi những khó khăn, các hãng bay thiếu hụt dòng tiền trầm trọng.

Thị trường hàng không kỳ vọng hồi phục vào quí 3
Thị trường hàng không kỳ vọng hồi phục trong quí 3. Ảnh minh họa: TTXVN

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông vận tải dự báo lạc quan về tình hình ngành hàng không năm nay, đặc biệt vào nửa cuối năm khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam và thế giới nói chung.

Một số thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu được cho là sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quí 3 ước đạt trên 70 triệu hành khách, hồi phục dần vào đầu quí 4.

Cục Hàng không dự báo thị trường hàng không nội địa sẽ phục hồi từ giữa quí 3, với sản lượng thông qua các cảng hàng không trong nước năm 2021 ước trên 70 triệu hành khách.

Số liệu của cơ quan này cho biết, 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2021 rơi vào đúng cao điểm bay nội địa sôi động nhất, là Tết Nguyên đán và nghỉ hè. Đặc biệt, từ ngày 31-5, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng, tiếp đó là Chỉ thị 10 của chính quyền TPHCM kéo dài, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng.

Sản lượng vận chuyển hàng ngày sau 31-5 chỉ còn 20-30% so với giai đoạn tháng 3 và tháng 4. Thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 sản lượng vận chuyển chỉ tương ứng 5-10% mức trung bình tháng 4.

Tính trung bình, sản lượng vận chuyển thông qua các cảng hàng không trong nước 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020. Trong đó, khách quốc tế chỉ có 145.000 người, giảm 97,9%. Tuy nhiên khách nội địa tăng nhẹ 1,4%, đạt 26,7 triệu lượt.

Đến hiện tại, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài… đi/đến Việt Nam.

Trong điều kiện các đường bay quốc tế chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội bay vào khai thác các đường bay nội địa, với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay. Hiện số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019.

Với việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều giai đoạn số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển trên các đường bay nội địa đã cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019. Thậm chí, nhiều giai đoạn các hãng gặp tình trạng không đủ slot để tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa.

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, lượng hàng hóa vận chuyển đạt 668.000 tấn, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin lạc quan này, trên thực tế tình hình hoạt động của các hãng bay đang đối diện với nhiều khó khăn. Thống kê mới nhất của Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho thấy, trước đại dịch, doanh thu vận tải hàng không tăng bình quân từ 15%-20% mỗi năm.

Nhưng dịch bệnh đã khiến doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỉ đồng). Cả ba hãng bay có thị phần lớn nhất là Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways ghi nhận mức lỗ dao động quanh 15.000 tỉ đồng. Hiện nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỉ đồng và có nguy cơ phá sản).

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 đối với các hãng hàng không. Giúp các hãng hàng không tư nhân có nguồn tiền giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực hoạt động  phát triển, tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airlines.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cho phép kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất, hạ cánh máy bay, dịch vụ điều hành bay, cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.

Cơ quan này cũng cho rằng Bộ Tài chính cần sửa đổi Quyết định số 87 về điều kiện giao dịch ký quỹ, cho phép các doanh nghiệp hàng không và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 không bị cắt margin (giao dịch ký quỹ) khi lợi nhuận âm hai quí liên tục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới