Thị trường lao động: rẻ mà không rẻ
Ngọc Lan
![]() |
Một sinh viên mới ra trường đang tìm việc làm tại Ngày hội việc làm 2009 tổ chức ở TPHCM. Từ nay đến năm 2015, mỗi năm Việt Nam sẽ có thêm khoảng 738.000 người đến tuổi lao động. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBKTSG) – Từ nay đến năm 2105, cứ mỗi năm dự báo có thêm khoảng 738.000 người Việt Nam đến tuổi lao động, một mức tăng tuyệt đối về lực lượng lao động cao thứ ba ở Đông Nam Á. Hàng chục triệu lao động hiện có đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Vậy làm sao để lực lượng lao động hiện có và lực lượng lao động tiềm năng tìm được chỗ đứng trong thị trường?
Nghiên cứu của Viện Khoa học và lao động xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về “Xu hướng lao động và xã hội năm 2009-2010” mới công bố gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá nhanh nhưng khả năng tạo việc làm vẫn còn hạn chế.
Trong giai đoạn 2004-2008, hệ số co giãn việc làm với GDP là 0,28%, suy ra cứ tăng 1% GDP thì chỉ tạo thêm được 0,28% việc làm. Cùng thời kỳ, tốc độ tạo việc làm/GDP của Brunei là 1,27%, Singapore và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác là 0,58%. Vấn đề là các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua luôn đặt chỉ tiêu tạo mới việc làm lên hàng đầu nhưng kết quả thu được lại không cao.
Cho dù dân số đến độ tuổi lao động của Việt Nam dồi dào và khá trẻ, độ tuổi từ 14-15 có tới 9,9 triệu người vào năm 2007 nhưng chủ yếu là lao động giản đơn. 65,3% lao động không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào.
Báo cáo trên cũng cho biết trình độ học vấn của nhóm dân số tham gia vào hoạt động kinh tế. Theo đó, chỉ có một phần tư số người là đã hoàn thành bậc phổ thông trung học (tính đến hết năm 2007). Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và chế biến đòi hỏi lao động có chuyên môn qua đào tạo đã bắt đầu từ lâu nhưng khả năng đáp ứng của lao động Việt Nam quá thấp khiến họ phải chịu rủi ro mất việc cao, thu nhập thấp và rất nhiều rủi ro khác, bất kể khi làm việc ở thị trường trong hay ngoài nước.
Từ bán sức lao động với giá rẻ…
Ở Việt Nam, hiện nay đa số người lao động vẫn sẵn sàng làm các công việc có thu nhập thấp nhưng không chấp nhận thất nghiệp bởi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển đến mức có thể cho họ sự lựa chọn đó.
Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam trong độ tuổi lao động không cao, khoảng hơn 2%/năm (từ đầu những năm 2000 trở lại đây) nhưng thiếu việc làm thường xuyên vẫn là một thực tế không thể phủ nhận.
Phân tích của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2008 cho thấy, năng suất lao động tại Việt Nam (2000-2007) đã tăng đáng kể từ 7,1 triệu đồng lên 10,1 triệu đồng (giá cố định năm 1994) nhưng chưa bằng một nửa mức tăng năng suất lao động của Trung Quốc.
Tính kỹ hơn, mức tăng năng suất lao động tuyệt đối lại rất thấp nếu đem đo lường bằng đồng đô la Mỹ. Sản lượng trung bình của Việt Nam trên mỗi lao động là 5.702 đô la (2008), tương đương với 61,4% mức trung bình ở ASEAN, 22% năng suất lao động ở Malaysia và 12,4% của Singapore.
Năng suất lao động thấp như vậy phần nào cho thấy vì sao chi phí sản xuất, giá cả hàng hóa và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với Trung Quốc còn thua xa. Giá trị gia tăng trong các sản phẩm của Việt Nam cũng không phải là điều không đáng ngại với các quốc gia khác trong khu vực.
Hiện Việt Nam vẫn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thâm dụng lao động như may mặc, giày da, chế biến thủy sản, điện tử… Nhưng số lượng các cuộc đình công những năm gần đây phần lớn diễn ra ở các doanh nghiệp này. Điều đó cho thấy người lao động bế tắc trong việc cân đối thu chi khi mà thu nhập quá thấp, điều kiện làm việc nặng nhọc trong khi đòi hỏi về nâng cao sức cạnh tranh ngày một gay gắt hơn.
…Đến bán sức lao động với giá cao
Tốc độ gia tăng lực lượng lao động của nước ta từ nay đến 2015 dự báo khoảng 738.000 người/năm, thuộc tốp dẫn đầu khu vực, là một sức ép đối với kinh tế và xã hội. Mục tiêu tăng năng suất lao động năm 2015 đạt 1,5 lần so với năm 2010 lại đang được đặt ra, theo Viện Khoa học lao động và xã hội.
Điều này có làm được không khi xu hướng chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp đang ngày càng phổ biến trong khi trình độ, chất lượng lao động lại chưa nâng lên kịp.
Giảm chi phí sản xuất, trong đó có chi phí lao động, để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh là đòi hỏi hàng đầu mà doanh nghiệp và người lao động phải thích ứng. Nó sẽ được đến qua con đường tiếp thu các phương pháp quản lý tiên tiến và nâng cao trình độ kỹ thuật của người lao động.
Việc nâng cao này phải thông qua cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nghề hướng tới thị trường và nâng cao các cơ sở đào tạo nghề bám sát nhu cầu, thay cho đào tạo hàng loạt nhưng chất lượng không cao hoặc đào tạo ít theo “đơn đặt hàng” mà doanh nghiệp yêu cầu.
Các tổ chức quốc tế, thông qua các chương trình hỗ trợ hướng Việt Nam đến tăng cường hạ tầng cơ sở và mạng lưới hệ thống dạy nghề, khả năng tiếp cận với phụ nữ và thanh niên nông thôn, hai đối tượng có thể dẫn đến nguy cơ di dân để kiếm việc làm cao nhất ở Việt Nam hiện nay. Và đòi hỏi trước mắt, về phía doanh nghiệp là phải giải quyết bài toán thâm dụng lao động bằng cách hạn chế sử dụng công nghệ, máy móc lỗi thời và năng lực quản trị yếu kém để buộc người lao động phải nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới.
Năng suất lao động tăng nhưng vẫn còn rất thấp So với các nước khác trong khu vực, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam từ năm 2000-2008 là rất nổi bật và vượt tất cả các nước thành viên ASEAN, nhưng lại chưa bằng một nửa mức tăng năng suất lao động của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tăng năng suất lao động tuyệt đối lại rất thấp. Đo lường bằng đồng đô la Mỹ giá năm 1990, sản lượng trung bình của Việt Nam trên mỗi lao động là 5.702 đô la Mỹ trong năm 2008, chỉ bằng 61,4% mức trung bình của ASEAN, 22% của Malaysia và 12,4% của Singapore. Tiền lương và thu nhập
Số liệu tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam cho thấy có xu hướng gia tăng liên tục trong giai đoạn từ năm 1998-2006 (xem bảng). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng tiền lương nhanh nhất, đạt mức 8,6%/năm, trong khi tiền lương của các doanh nghiệp hộ gia đình chỉ tăng ở mức khiêm tốn 2,3%/năm. Với mức lạm phát giá tiêu dùng trung bình 4,1% trong giai đoạn này, lao động trong các doanh nghiệp hộ gia đình (phần lớn doanh nghiệp trong số đó không đăng ký và hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức), thậm chí còn bị sụt giảm tiền lương thực tế. |