Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường liên ngân hàng: Lãi suất đang nằm trong “mục tiêu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường liên ngân hàng: Lãi suất đang nằm trong “mục tiêu”

Trọng Nghĩa

(TBKTSG Online) – Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (LNH) đang duy trì khá ổn định. Lãi suất tiền đồng kỳ hạn qua đêm đến một tuần phổ biến ở mức 3,1-3,3%, trong khi lãi suất đô la Mỹ trong khoảng 2,5-2,6% cùng kỳ hạn trên.

Có lẽ đây là thời điểm lãi suất ổn định và nằm trong mức “mục tiêu” của nhà điều hành nhất kể từ đầu năm. Lãi suất các kỳ hạn đều nằm trên mức 3% – lãi suất tín phiếu mà NHNN phát hành với kỳ hạn 7 ngày. Lãi suất không tăng cao, không giảm sâu, thanh khoản ổn định, cùng các đợt bơm hút tiền nhịp nhàng từ phía NHNN.

Những thời điểm trước đó, lãi suất thường có hai xu hướng, nếu thanh khoản dồi dào, lãi suất giảm sâu, kỳ hạn qua đêm của tiền đồng thường có lãi suất dưới 3%, thậm chí thấp hơn cả lãi suất đô la Mỹ. Còn khi thanh khoản eo hẹp, lãi suất lại tăng mạnh, cao hơn 4%. Điều này làm hạn chế vai trò định hướng lãi suất của nhà điều hành.

Thị trường liên ngân hàng: Lãi suất đang nằm trong
Biểu đồ lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm. Nguồn: Reuters

Lãi suất hiện tại duy trì khá ổn định. Lãi suất kỳ hạn qua đêm đến một tuần của tiền đồng vào khoảng 3,1-3,3%; cao hơn 10-30 điểm so với lãi suất tín phiếu. Đây là khoảng chênh phù hợp, đã bao hàm rủi ro tín dụng giữa việc cho vay các ngân hàng và việc mua tín phiếu do NHNN phát hành. Trong khi lãi suất đô la ổn định trong khoảng 2,5-2,6% kỳ hạn qua đêm đến một tuần bất chấp căng thẳng thương mại không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Lãi suất ổn định đi kèm các đợt bơm hút nội tệ nhịp nhàng từ phía nhà điều hành. Kỳ hạn 7 ngày là vừa đủ để duy trì thanh khoản cho thị trường. Còn nhớ, trước đó NHNN đã phát hành tín phiếu kỳ hạn 14 ngày, khiến thị trường rơi vào tình trạng eo hẹp khi phải mất hai tuần để tín phiếu đáo hạn, trong khi kho bạc đi tiền khiến tâm lý thị trường hoang mang. Nhiều ngân hàng phải vay NHNN qua thị trường mở.

Thời gian gần đây, thanh khoản thị trường khá dồi dào, NHNN thường phát hành tín phiếu khối lượng lớn trong một ngày. Khối lượng trúng thầu vào khoảng 10-17 ngàn tỉ đồng/phiên và khoảng 70-80 ngàn tỉ đồng/tuần. Đây là mức rất lớn so với đợt rút ròng cao nhất trong năm 2018 chỉ với khoảng trên 50 ngàn tỉ đồng.

Tuy nhiên, kỳ hạn 1 tuần khiến tín phiếu đáo hạn nhanh, dòng tiền sớm quay trở lại hệ thống.

Khối lượng tiền tệ lớn được hút khỏi hệ thống trong khi lãi suất vẫn ổn định cho thấy thanh khoản thị trường vẫn khá dồi dào. Đây có thể là hệ quả từ việc NHNN mua ròng được khoảng 8,3 tỉ đô la và bơm ròng lượng tiền đồng lớn, tương ứng với gần 200 ngàn tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm.

Một vấn đề khác đó là việc Việt Nam mua ròng đô la trên thị trường ngoại hối có thể ảnh hưởng tới khả năng Việt Nam bị Mỹ liệt vào danh sách các quốc gia “thao túng tỷ giá” với ngưỡng tối đa là 2% trên GDP nước đó (trích trong báo cáo của Mỹ về “Tình hình vĩ mô và chính sách tỷ giá các Quốc gia là đối tác thương mại với Mỹ”).

Trong báo cáo, tỷ lệ này của Việt Nam là 1,7%; khá sát ngưỡng 2%. Việc Mỹ đặt ra các tiêu chí này nhằm giảm bớt việc mua ngoại tệ của NHNN, góp phần làm giảm sức mua của đồng đô la so với tiền đồng, hạn chế thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ so với Việt Nam như những năm qua (năm 2018 thặng dư thương mại Việt Nam so với Mỹ là 40 tỉ đô la).

Song theo các báo cáo từ IMF thì dự trữ ngoại hối Việt Nam vẫn khá mỏng và có lẽ nhà điều hành vẫn nên tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung cho dự trữ khi có cơ hội. Thay vào đó, cần cân đối tổng thể các tiêu chí mà phía Mỹ đề ra để tránh bị gán tên “thao túng tỷ giá” mà hệ quả có thể là các lệnh trừng phạt về thuế quan từ Tổng thống Trump.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới