Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường Myanmar: “Đóng” nhưng “mở”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường Myanmar: “Đóng” nhưng “mở”

Thu Nguyệt

Ông Chu Công Phùng (phải), Đại sứ Việt Nam tại Myanmar cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam thông tin về thị trường Myanmar hôm 13-7- Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Cách đây hơn 10 năm, Công ty TNHH Điện Quang tham gia một hội chợ thương mại tổ chức tại Myanmar. Theo ông Phan Ngọc Huy, Giám đốc thương mại của Công ty Điện Quang, tại hội chợ này công ty đã tìm được đối tác tốt làm đại lý phân phối bóng đèn compact.

Cho đến nay, Myanmar đã trở thành một trong ba thị trường chính của công ty ở Đông Nam Á, cùng với Campuchia và Lào, với doanh số tăng trưởng hàng năm là 20%.

Nhiều doanh nghiệp chưa thâm nhập thị trường Myanmar vì thiếu thông tin và cho rằng đây là thị trường đóng; nhưng Myanmar cũng đã trở thành thị trường chính đối với không ít doanh nghiệp Việt Nam trong gần chục năm qua, trong đó điển hình như Điện Quang đã nói ở trên.

Một trường hợp khác là Công ty dược phẩm Hậu Giang. Vào năm 2007-2008, dược Hậu Giang cũng tìm được khách hàng Myanmar tại một hội chợ ở Việt Nam, sau đó đối tác này đã trở thành mối bán hàng đầu tiên của công ty sang thị trường này. Hiện dược Hậu Giang đã xuất được 10 mặt hàng dược phẩm sang Myanmar và dự kiến đăng ký thêm 15 mặt hàng dược phẩm khác với Bộ Y tế Myanmar để tiếp tục xuất qua thị trường này.

Không quá khó, nhưng chưa tới nơi

Theo đánh giá của Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng, Myanmar là thị trường “màu mỡ cuối cùng” của châu Á chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Hiện ngành công nghiệp Myanmar chỉ đáp ứng được hơn 10% nhu cầu thực tế của người dân, nên đây là cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào thị trường này.

Ông Phùng cho biết Myanmar là thị trường dễ tính và người dân ở đây rất hài lòng về chất lượng sản phẩm của Việt Nam. Theo nhiều doanh nghiệp, việc xuất hàng vào Myanmar không khó dù có một số vấn đề nhỏ về thủ tục hành chính, quy định về hạn ngạch nhập hàng và việc thiếu đô la Mỹ để thanh toán.

Về vấn đề hạn ngạch và thanh toán, các doanh nghiệp Myanmar đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu được quyền nhập khẩu và thanh toán bằng số ngoại tệ mà họ thu được khi tham gia xuất khẩu. “Do đó, một khi doanh nghiệp Myanmar tìm kiếm đối tác và ký kết hợp đồng, có nghĩa là họ đã có đủ ngoại tệ để chi trả và đã xin được đủ hạn ngạch để nhập hàng”, theo ông Phùng. “Và nếu họ có không đủ tiền thì cũng có thể thực hiện theo hình thức hàng đổi hàng”, ông Phùng cho biết thêm.

Hình thức thanh toán các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng khi làm ăn với khách hàng Myanmar là qua thư tín dụng (L/C), chủ yếu thông qua một số ngân hàng ở Singapore, như Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) và Ngân hàng HSBC tại Singapore hoặc chi nhánh của hai ngân hàng này tại TPHCM. Hai ngân hàng trên đều có quan hệ kinh doanh, hợp tác với ba ngân hàng thương mại nhà nước mà các doanh nghiệp Myanmar thường thanh toán các đơn hàng.

Hiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang trong quá trình xin thành lập công ty đầu tư phát triển ở Myanmar. Theo ông Hoàng Huy Hà, Phó tổng giám đốc BIDV, dự kiến công ty này được thành lập vào cuối năm nay. Tiếp theo đó, một ngân hàng thương mại của BIDV sẽ được thành lập tại Myanmar để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vay vốn cũng như thanh toán khi làm ăn với thị trường Myanmar.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Myanmar phải xin giấy phép kinh doanh xuất – nhập khẩu, giấy phép xuất – nhập khẩu cho từng chuyến hàng. Nên, sau khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp bên bán và mua phải chờ từ 2 – 3 tháng để có được các thủ tục hành chính của cơ quan chức năng Myanmar. Theo ông Phan Ngọc Huy của Công ty Điện Quang, việc này có ảnh hưởng đến kế hoạch xuất nhập hàng, nhưng nhìn chung không cản trở việc xuất hàng qua thị trường này.

Điều được xem là quan trọng khi thâm nhập thị trường Myanmar là tìm được đối tác lớn và việc này cũng không khó, nhưng có một số đặc thù. Doanh nhân Myanmar thường có thói quen gặp gỡ và trao đổi trực tiếp trước khi ký kết hợp đồng kinh tế, do đó nếu chỉ liên hệ qua điện thoại, fax và email thì rất khó thành công. Doanh nhân Myanmar cũng có thói quen đi thăm trụ sở, nhà máy và xem xét quy trình công nghệ rồi mới đàm phán, thương thảo, quyết định ký kết hợp đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp nước này cũng rất thích được tặng quà, và sẽ rất ưu đãi cho đối tác nếu được đối đãi tốt.

Theo thông tin tổng hợp từ một số cơ quan thương mại Myanmar, hiện Mỹ và EU điều chỉnh chính sách với Myanmar theo hướng mềm mỏng hơn, triển khai cả hai biện pháp là trừng phạt và tiếp cận. Theo đó, có khả năng Mỹ sẽ từng bước dỡ bỏ cấm vận và cải thiện quan hệ nếu Myanmar đáp ứng yêu cầu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh của ITPC cho rằng, nếu khả năng trên xảy ra và Chính phủ Myanmar tiến hành các chính sách đẩy mạnh thương mại và đầu tư trong khoảng hai năm tới, thì khi ấy hàng Việt Nam sẽ khó thâm nhập thị trường này hơn bây giờ.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất hàng qua Myanmar đều tìm được đối tác qua các cuộc gặp gỡ trong các phiên hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar.

Hiện đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu hàng thành công qua Myanmar, như Lioa, tôn Hoa Sen,… Một số doanh nghiệp cũng đầu tư vào thị trường này, như Viettel đã hợp tác mở vùng viễn thông ở Myanmar. Vietnam Airlines cũng mở chuyến bay thẳng Hà Nội – Yangon từ tháng 3 năm nay. BIDV hiện cũng có văn phòng đại diện ở đây.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, thuộc Phòng xúc tiến thương mại của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập chưa sâu thị trường này, vẫn chỉ ở mức nhỏ lẻ, manh mún. Có một số doanh nghiệp đưa hàng đến biên giới Thái Lan – Myanmar và tiến hành mua bán kiểu giao hàng nhận tiền, chứ chưa có chiến lược thâm nhập. Còn một số doanh nghiệp được xem là làm ăn thành công với thị trường này thì hiện chỉ có từ một đến hai đối tác.

Cạnh tranh không kém

Vì bị phương Tây cấm vận từ năm 1990, nên thương mại và đầu tư của Myanmar với các nước đều khá khiêm tốn. Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, trong năm 2008, kim ngạch nhập khẩu của nước này chỉ khoảng 3,8 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu các sản phẩm sợi, dầu lửa, nhựa, vật liệu xây dựng, thiết bị vận tải, máy móc và thực phẩm. Tuy nhiên, Trung Quốc và Thái Lan đã xuất được nhiều hàng hóa qua thị trường này, một phần nhờ giá rẻ và thuận lợi về địa lý. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước này đã có cơ sở sản xuất tại đây.

Theo bà Trịnh Thị Hải Yến, phụ trách xuất khẩu của Công ty Dược Hậu Giang sang thị trường Myanmar, hiện tại thị trường này có đủ các sản phẩm dược của các nước, như Pháp, Ấn Độ. “Gần như ở thị trường Việt Nam có sản phẩm thuốc của nước nào thì ở họ cũng có”, bà Yến cho biết. Điều đó nói lên thị trường này tuy “đóng” mà “mở”.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, phụ trách kinh doanh tiếp thị của Công ty nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết Myanmar là thị trường nhỏ nhưng sự cạnh tranh ở đây cũng không kém khốc liệt về giá, với các mặt hàng của Thái Lan và Trung Quốc.

Cạnh tranh về giá được xem là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng khi thâm nhập thị trường Myanmar. “Nhiều đối tác lớn bảo là giầy dép Biti’s tốt và sẵn sàng nhập về. Nhưng họ than là giá cao quá và đòi giảm chất lượng để giá nhẹ hơn một chút”, ông Phùng nói.

Ông Phùng cho biết thêm, bài toán về giá rất quan trọng, vì thế doanh nghiệp Việt Nam phải cân nhắc đến yếu tố này khi thâm nhập thị trường Myanmar vốn đang tràn ngập hàng Trung Quốc và Thái Lan. Ông Phùng cũng đề xuất doanh nghiệp Việt Nam nên xuất hàng bằng đường thủy qua cảng TPHCM và Hải Phòng đi đến cảng Yangon vì đây là cách vận chuyển hàng tiết kiệm nhất.

Theo ông Phùng, cách tốt nhất là doanh nghiệp thử sang thị trường Myanmar để khảo sát, tìm hiểu cụ thể nhóm ngành hàng mình quan tâm. Và, việc đi theo từng nhóm lớn sẽ thuận tiện hơn để Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar tổ chức các cuộc gặp gỡ với các đối tác lớn có tầm ảnh hưởng và các quan chức ở nước này.

Theo số liệu của Hải quan Myanmar, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch giao dịch hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 56 triệu đô la Mỹ, tăng gần 87% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar đạt 16 triệu đô la Mỹ, tăng 53%. Con số này chỉ chiếm 1-3% tỷ trọng nhập khẩu của Myanmar. Hiện hàng hóa Việt Nam sang Myanmar vẫn còn qua nước thứ ba. Cụ thể, các công ty Ấn Độ, Singapore đấu thầu mua hàng của Việt Nam rồi xuất sang Myanmar.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2009 giữa Việt Nam và Myanmar đạt 74 triệu đô la Mỹ, giảm 6,2% so với 2008, trong đó Việt Nam xuất khẩu ước đạt 24 triệu đô la Mỹ. Hiện nhiều mặt hàng Việt Nam có tiềm năng nhưng chưa phát huy được tối đa ở Myanmar, như các sản phẩm điện và điện tử, nguyên phụ liệu may mặc, thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế.

Ngoài ra, còn có một số hàng hóa khác như săm lốp các loại, thép các loại, đồng hồ đo điện, chất dẻo và sản phẩm nhựa, nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, thực phẩm chế biến, hạt điều, cà phê, bánh kẹo… có khả năng thâm nhập ở thị trường này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới