Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường ngoại hối nín thở chờ trưng cầu dân ý tại Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường ngoại hối nín thở chờ trưng cầu dân ý tại Anh

Phúc Minh

Thị trường ngoại hối nín thở chờ trưng cầu dân ý tại Anh
Brexit sẽ để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho EU. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Còn 7 ngày nữa, cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra tại Anh để quyết định nước này đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Kịch bản Anh rời EU (Brexit) có thể khiến Anh, EU, thậm chí là nền kinh tế thế giới gánh chịu những hậu quả lớn về kinh tế, chính trị và xã hội.

Theo trang mạng IBTimes, tuần qua, thị trường thế giới bất ổn do những lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu khi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh sắp diễn ra.

Thị trường ngoại hối nín thở

Trong tuần đầu tháng 6-2016, bảng Anh so với đô la Mỹ đã giảm 0,3%. 

Một cuộc khảo sát các nhà chiến lược ngoại hối của Reuters cho thấy nếu trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6, đa số người Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, bảng Anh/đô la Mỹ sẽ giảm mạnh đến 9%.

Theo kết quả nghiên cứu dự báo của các nhà kinh tế của Bloomberg, hầu hết nhà kinh tế dự báo bảng Anh so với đô la Mỹ trong tuần xảy ra sự kiện Brexit sẽ ở mức 1 bảng Anh đổi 1,35 đô la Mỹ hoặc thấp hơn – đây sẽ là mức thấp nhất kể từ năm 1985 đến nay mà bảng Anh chưa chạm vào. Ngày 15-6, 1 bảng Anh đổi được 1,4204 đô la Mỹ.

“Do tâm lý bất an trước cuộc trưng dân ý tại Anh, thị trường sẵn sàng buông nắm giữ bảng Anh” – Chuyên gia Ipek Ozkardeskaya của London Capital Group cho biết.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs ngày 15-6 cho biết nếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 quyết định Brexit, bảng Anh và euro sẽ giảm mạnh. Nếu bán tháo bảng Anh và euro do Brexit, sau đó các nhà đầu tư có thể mua ngoại tệ có rủi ro thấp hơn.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo đồng yen, franc Thụy Sĩ, krone Na Uy – những đồng tiền được xem là kênh trú ẩn an toàn – sẽ tăng mạnh trong tuần trước Brexit. Các nhà phân tích của Goldman Sachs viết: "Trong thời điểm không ổn định, biểu hiện của những đồng tiền này sẽ nổi bật, trong khi các đồng tiền khác (chẳng hạn như euro) sẽ biểu hiện kém hơn".

BoJ giữ nguyên chính sách tiền tệ

Sau cuộc họp 2 ngày, ngày 16-6, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) thông báo quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại. BoJ đánh giá nền kinh tế Nhật Bản “tiếp tục xu hướng phục hồi vừa phải”, mặc dù kim ngạch xuất khẩu và sản xuất vẫn trì trệ do các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm.

Sau quyết định trên của BoJ, đồng yen so với đô la Mỹ tăng giá hơn 1%, 104,53 yen đổi được 1 đô la Mỹ – mức cao nhất kể từ tháng 9-2014.

Sau khi BoJ đưa ra quyết định trên, đồng euro cũng giảm giá so với đồng yen, 1 eoro đổi 117,84 yen – giảm so với mức 1 euro đổi 119,17 yen trước khi có quyết định của BoJ và là mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.

Động thái của BoJ được đưa ra sau khi ngày 15-6, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh khả năng Anh rời EU gây quan ngại.

Châu Á thiệt hại lớn nếu Brexit

Báo Wall Street Journal cho hay một số thị trường châu Á – đặc biệt là Campuchia, Việt Nam và Hồng Kông (Trung Quốc) – sẽ chịu thiệt hại nếu xảy ra Brexit do xuất khẩu lớn sang Anh và đang có quan hệ thương mại chặt chẽ với nước này.

Theo Capital Economics, xuất khẩu từ châu Á sang Anh đóng góp 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn khu vực. Capital Economics ước tính nếu nhu cầu tại Anh giảm 25%, GDP châu Á sẽ mất gần 0,2%.

Nguy cơ Brexit đã khiến các thị trường châu Á rối loạn. Trong ngày đầu tuần này, chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm mạnh nhất khu vực với mức giảm 3,5%. Nhà đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro – trong đó có tài sản rủi ro tại các thị trường mới nổi – và đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn như trái phiếu chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đức, Pháp cảnh báo Brexit có thể dẫn đến sự tan rã của EU

Tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 15-6, Ngoại trưởng Đức và Pháp cảnh báo Brexit có thể làm chao đảo và dẫn đến sự tan rã của EU.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh Brexit không chỉ là việc EU mất đi một thành viên mà là mối đe dọa thực sự cho những gì mà EU dày công gây dựng từ nhiều thập kỷ qua. Theo ông Steinmeier, người dân Anh đang phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn nhưng Đức, Pháp và cả EU đều mong muốn cử tri Anh đưa ra quyết định đúng và sáng suốt vào ngày 23-6, là ở lại mái nhà chung châu Âu.

Ngoại trưởng Pháp Jean Marc Ayrault cho rằng trong hoàn cảnh hiện nay, châu Âu không tránh khỏi những mâu thuẫn, thăng trầm, lo âu và sợ hãi. Tuy nhiên, Đức và Pháp cam kết sẽ cung cấp cho châu Âu động lực mới, cố gắng đảm bảo sự tồn tại và thành công cho EU, ngay cả khi Anh quyết định ra đi.

Theo cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ cử tri ủng hộ Brexit đang tạm cao hơn tỷ lệ cử tri muốn Anh ở lại EU, bất chấp những cảnh báo của Thủ tướng Anh David Cameron về những hậu quả không thể lường hết về mọi mặt.

Quốc hội Thụy Sĩ tán thành việc rút đơn xin gia nhập EU

Ngày 15-6, Hội đồng Nhà nước (Thượng viện) Thụy Sĩ thông qua quyết định rút lại đơn xin gia nhập EU mà nước này đệ trình năm 1992, tán thành quyết định tương tự mà Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) đưa ra vào tháng 3-2016.

Thụy Sĩ đệ đơn xin gia nhập EU vào tháng 5-1992. Nhưng khi tiến hành trưng cầu ý dân vào tháng 12-1992, người dân Thụy Sĩ đã phản đối gia nhập EU. Vấn đề rút hay không rút lại đơn xin gia nhập EU đã gây tranh cãi tại nước này.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận thường niên "An ninh-2016" công bố vào cuối tháng 5-2016, đa số công dân Thụy Sĩ (đến 95%) đánh giá cao phương hướng phát triển kinh tế độc lập của nước này và không muốn Thụy Sĩ gia nhập EU.

Có ý kiến cho rằng quyết định trên của Quốc hội Thụy Sĩ sẽ phần nào tác động đến tâm lý cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU ngày 23-6.

Đọc thêm:

>> Lo ngại Brexit

>> Brexit xa mà gần

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới