Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường ngoại hối sẽ đối mặt với nhiều áp lực?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Xu hướng tăng mạnh trở lại của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế nếu tiếp tục duy trì, tất yếu sẽ đặt thị trường ngoại hối trong nước đối mặt thêm thách thức, nhất là khi hoạt động thương mại và đầu tư thời gian tới có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trú ẩn an toàn ở đô la Mỹ trên toàn cầu

Sau khi tăng 41 đồng trong tháng 2, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng thêm 19 đồng trong bảy ngày đầu tháng 3, lên mức 23.159 tính đến đầu tuần này (ngày 7-3). Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng tiếp tục tăng thêm 40-50 đồng từ đầu tháng 3 đến nay, tiếp nối đà tăng mạnh 170-180 đồng trong tháng 2.

Xu hướng tăng trở lại của đô la Mỹ ở thị trường trong nước là hệ quả tất yếu khi nhìn vào diễn biến đô la Mỹ cũng đang tăng vọt trên thị trường thế giới trong hơn một tháng trở lại đây. Chỉ số USD Index trong ngày 7-3 đã có lúc vượt mốc 99 điểm, tăng xấp xỉ 2,5% chỉ trong bảy ngày đầu tháng 3 và cũng tăng hơn 4% so với đầu tháng 2-2022. Mốc 99 điểm cũng là mức cao nhất kể từ tháng 5-2020 đến nay.

Xung đột quân sự tại Ukraine được xem là động lực chính cho đà tăng của đô la Mỹ trong những ngày gần đây, khi thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào những đồng tiền có tính an toàn cao như yen (Nhật), franc (Thụy Sỹ) và đô la Mỹ. Ngoài ra, trước kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ trong thời gian tới, gần nhất là vào cuộc họp tháng 3 này, giới đầu tư càng có thêm lý do để lướt sóng ở đô la Mỹ.

Dù một số ý kiến cho rằng tình hình chiến sự tại Ukraine gần đây có thể ngăn cản quyết định tăng lãi suất của Fed trong tháng 3 này, nhưng trước tình hình lạm phát leo thang liên tục thời gian qua, khả năng Fed tăng lãi suất là khá chắc chắn. Chính Chủ tịch Fed Jerome Powell trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ hôm 2-3 cũng khẳng định Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách “cẩn trọng” tại cuộc họp tháng 3 này, song cũng sẵn sàng điều chỉnh lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát không “hạ nhiệt” nhanh như mong đợi.

Thị trường ngoại hối trong nước sẽ đối mặt nhiều thách thức?

Xu hướng tăng mạnh trở lại của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế nếu tiếp tục duy trì, tất yếu sẽ đặt thị trường ngoại hối trong nước đối mặt thêm thách thức, nhất là khi hoạt động thương mại và đầu tư thời gian tới có thể bị ảnh hưởng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine.

Khi Nga bị cấm vận hoặc chủ động ngưng xuất khẩu một số mặt hàng để trả đũa, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể lại rơi vào tình trạng đứt gãy khiến các ngành sản xuất khác lao đao, mà những nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Thống kê cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam – Nga trong năm 2021 là 7,14 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,9% so với năm trước, nhưng chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với Ukraine còn thấp hơn khi kim ngạch của Việt Nam với nước này năm 2021 chỉ đạt 720,5 triệu đô la Mỹ.

Trong hai tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của hai thị trường này cũng chỉ chiếm quanh mốc 1%, và Việt Nam đang xuất siêu hơn 109 triệu đô la Mỹ ở thị trường Nga và xuất siêu hơn 49 triệu đô la Mỹ ở thị trường Ukraine.

Chính vì tỷ trọng khiêm tốn như thế mà nhiều ý kiến cho rằng hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ không chịu tác động quá lớn trước tình hình chiến sự hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng Nga đang là quốc gia xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng chủ chốt, từ năng lượng như dầu khí, khí đốt tự nhiên, cho đến các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các nguyên vật liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác như nhôm, nickel, palladium và khí neon được dùng trong sản xuất chip bán dẫn.

Khi Nga bị cấm vận hoặc chủ động ngưng xuất khẩu các mặt hàng này để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể lại rơi vào tình trạng đứt gãy khiến các ngành sản xuất khác lao đao, mà những nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Khi các ngành sản xuất khác đối mặt với sự khan hiếm nguyên vật liệu hoặc chi phí đầu vào bị đẩy lên quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh, từ đó kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khác cũng có thể chịu tác động tiêu cực.

Đó là chưa nói đến giá nhiên liệu tăng cộng với việc phải đi vòng, tránh không phận Nga, Ukraine càng đẩy chi phí vận tải, logistics đội giá. Yếu tố này cũng tác động tiêu cực lên các hoạt động thương mại. Thống kê cho thấy trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam cũng đã ghi nhận nhập siêu trở lại ở mức 937 triệu đô la Mỹ.

Cuộc xung đột quân sự hiện nay cũng có thể ảnh hưởng lên hoạt động đầu tư toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 2-2022, Nga đứng vị trí thứ 24 trong các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 151 dự án, tổng giá trị 953 triệu đô la Mỹ, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, Ukraine đứng ở vị trí thứ 69 với 26 dự án, tổng giá trị 30,03 triệu đô la Mỹ.

Tuy dòng vốn đầu tư từ Nga cũng chỉ chiếm tỷ trọng tương đối, nhưng như đã nói, trong tình hình chiến sự khó lường như hiện nay, dòng vốn đầu tư từ các nước khác vào Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng, nhất là khi nhìn vào nguy cơ chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chính sách thắt chặt tiền tệ trở lại khắp toàn cầu, cũng như tâm lý e ngại rủi ro.

Đáng lưu ý là tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới/điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm nay cũng đang ghi nhận giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 5 tỉ đô la Mỹ.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây như loại Nga khỏi hệ thống SWIFT hay quy định cấm chuyển ngoại tệ ra nước ngoài của Chính phủ Nga gần đây nhằm giữ giá đồng rup, cũng có thể ảnh hưởng lên nguồn kiều hối truyền thống từ người Việt tại Nga trong thời gian tới. Cũng cần lưu ý rằng việc đồng rup giảm giá mạnh về bản chất cũng có khả năng làm suy yếu lượng kiều hối từ Nga.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá nhiều loại hàng hóa, năng lượng toàn cầu tăng phi mã đang gây ra lạm phát khắp nơi, cộng thêm lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp để ứng phó với đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua, các nền kinh tế cũng sẽ phải đối mặt với áp lực đồng nội tệ bị mất giá, nhất là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Cuối cùng, với việc giá vàng trong nước tăng vọt trong những ngày gần đây và mở rộng chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi lên đến hơn chục triệu đồng/lượng như hiện nay, không loại trừ khả năng cũng sẽ làm tăng nhu cầu gom đô la Mỹ để nhập lậu vàng ăn chênh lệch giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới