Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nguồn chứ đâu phải… trái chôm chôm!

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Gần đây, phát biểu về định hướng thị trường nguồn trong giai đoạn mở cửa, một vài quan chức đầu ngành du lịch cho rằng, ngành du lịch cần tập trung vào các thị trường có khả năng phục hồi nhanh, mạnh và bền vững như châu Âu, Úc, Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông cùng thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng định hướng theo kiểu tiếp cận ồ ạt và đồng loạt quá nhiều thị trường sau đại dịch Covid-19 như vậy… là điều không thể.

Mới tuần rồi, Thượng Hải (Trung Quốc) còn phải tách đôi để dập dịch; Hàn Quốc còn chưa biết Omicron đã lên đỉnh để xuống dần hay chưa, theo Tuổi Trẻ ngày 29-3. Có thể nói vào thời điểm này khi dịch bệnh chưa yên, cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết và những hệ lụy kéo theo chưa được thấy hết, nhiều thị trường du lịch quốc tế vẫn đóng cửa, khách hàng chưa muốn hoặc chưa có điều kiện để lên đường… thì cần có kịch bản phát triển cụ thể, theo từng giai đoạn.

Để thu hút du khách sau dịch, không phải cứ thấy nơi có lượng khách lớn, từng có nhiều người đến Việt Nam là có thể xếp vào thị trường nguồn cần tập trung mà phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó phải xem xét việc khách du lịch sau Covid-19 sẽ thích những sản phẩm du lịch mới nào, có phù hợp với các sản phẩm du lịch thế mạnh Việt Nam đang có hay không? Có cần điều chỉnh hay xây dựng các gói dịch vụ du lịch mới theo “bình thường mới”. Rồi với mục tiêu phát triển của Việt Nam sau dịch, chẳng hạn phát triển du lịch xanh, thì việc xác định thị trường nguồn nào phù hợp để đưa đến đó những thông tin tiếp thị rõ ràng và hấp dẫn.

Theo một chuyên gia về du lịch, trước hết cần xác định thị trường nguồn sau dịch dựa trên ba yếu tố, gồm tình hình dịch bệnh, các phản ứng về du lịch của chính phủ nơi thị trường đó cũng như vị trí địa lý của nó so với điểm đến. Sau đó, kết hợp các thông tin có được với chỉ số sẵn sàng của du khách (Sentiment Index) từng thị trường, thứ hạng ưu tiên thị trường trong danh sách nguồn đã có để làm cơ sở xây dựng các kịch bản phát triển thị trường mục tiêu trong các giai đoạn tiếp theo với các mục tiêu cụ thể, phù hợp khả năng phục hồi, năng lực tiếp cận của điểm đến, hướng tới mục tiêu phục hồi chung.

Những người am hiểu thị trường du lịch còn cho rằng, sau dịch Covid-19, thay vì xác định thị trường mục tiêu dựa trên quốc tịch và vị trí địa lý như trước đây cần nhắm đến các phân khúc khách hàng dựa trên đặc điểm của từng nhóm khách, như nhóm khách hàng nữ giới, người thích mạo hiểm, khách MICE (du lịch kết hợp tham gia sự kiện), người thích du lịch năng động, du lịch gia đình, nhóm nhỏ và thiết kế theo yêu cầu riêng. Điều này cũng đặt ra một yêu cầu mới: cơ quan quản lý và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ngồi cùng nhau để bàn cách tiếp cận và đưa ra các gói sản phẩm thích hợp.

Tóm lại, việc xác định thị trường nguồn sau đại dịch Covid-19 đòi hỏi cơ quan quản lý và các nhà tiếp thị điểm đến phải nghiên cứu dữ liệu thông tin mới từ những thị trường tiềm năng từng có nhằm thu thập dữ liệu thực tế, có giá trị và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu đó. Thị trường nguồn du lịch sau dịch chứ đâu phải… trái chôm chôm vào mùa, dễ mua mà ăn không ngọt thì bỏ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới