Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nhà ở Anh suy thoái nhưng người thu nhập thấp không được hưởng lợi

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơn suy thoái của thị trường nhà ở Anh dự kiến còn kéo dài nhưng giá nhà khó có thể giảm sâu do tỷ lệ vay thế chấp thấp, dẫn đến tình trạng đóng băng của thị trường với doanh số bán nhà giảm mạnh.  Sự trì trệ dai dẳng này có thể gây tổn thương lớn cho những người thu nhập thấp vì giấc mơ nhà ở của họ vẫn là điều xa vời.

Thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu cách bấp đối với chính phủ để giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản, mở rộng cơ hội sở hữu nhà ở cho những nhóm thu nhập thấp.

Thị trường nhà ở của Anh đang trong chu kỳ suy thoái nhưng giá nhà trung bình chỉ mới giảm 3,2% so với mức đỉnh được thiết lập năm ngoái. Ảnh: Financial Times

Giá nhà giảm nhẹ, vẫn nằm ngoài tầm với của người thu nhập thấp

Doanh số bán nhà ở trong tháng 1 ở Anh giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu chính thức được công bố trong tuần qua. Nhưng trong số đó, có nhiều thỏa thuận đã được chốt trước khi lãi suất thế chấp tăng vọt. Theo cuộc khảo sát thị trường hàng tháng của hãng khảo sát Rics, nhu cầu của người mua, doanh số đã thỏa thuận và các dự báo doanh số bán nhà mới đều đang giảm.

So với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 8 năm ngoái, giá nhà ở trung bình tại Anh chỉ mới giảm 3,2%. Với chi phí vay thế chấp và lạm phát đang ở mức cao hơn và trải qua nhiều thập niên siết chặt vay thế chấp, thị trường bất động sản Anh đang đối mặt với kịch bản không giảm giá mạnh nhưng gần như tê liệt.

Báo cáo của Joseph Rowntree Foundation (Anh), một tổ chức từ thiện vận động giải quyết vấn đề nghèo đói, cho rằng kịch bản trên tồi tệ chẳng kém gì cú sụp đổ giá nhà. Theo báo cáo, trong kịch bản này, doanh số nhà bị bán giải chấp sẽ ở mức tương đối thấp do tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Anh. Điều này có nghĩa là giá nhà gần như đứng im nhưng số lượng giao dịch chỉ nhỏ giọt, hoạt động xây dựng nhà dừng lại và các nhà đầu tư giàu có sẵn sàng chi tiền mua nhà khi giá giảm, khiến những người có thu nhập không có có cơ hội chờ đợi giá giảm sâu hơn.

Hậu quả là những người thu nhập vẫn không tiếp cận được thị trường nhà ở nhưng những người giàu vẫn dư sức mua nhà và giá thuê nhà tăng lên không ngừng. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều năm mà không có hộ gia đình thu nhập thấp nào được hưởng lợi nhờ chu kỳ suy thoái của thị trường bất động sản.

Nhưng liệu kịch bản này có tồi tệ hơn một cú sụp đổ giá nhà toàn diện? Vào đầu thập niên 1990, nhiều chủ nhà ở Anh điêu đứng khi giá nhà ở một số khu vực giảm đến 36%. Nhưng Toby Lloyd, đồng tác giả của báo cáo của Joseph Rowntree Foundation, cho biết nhiều thứ đã thay đổi từ cú sụp đổ đó.

So với thập niên 1990, hoặc thậm chí là năm 2008, thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, các chủ nhà hiện nay ở Anh ít bị áp lực hơn nếu giá nhà giảm sâu, Trong thập niên qua, rất ít chủ nhà ở Anh vay thế chấp khi mua nhà.

Nếu giảm 20% so với mức đỉnh vào năm ngoái, giá nhà trung bình ở Anh chỉ mới trở về mức của thời kỳ ban đầu đại dịch Covid-19. Neal Hudson, một đồng tác giả khác của báo cáo, nếu điều này xảy ra, sẽ có những chủ nhà bị ảnh hưởng nhưng chỉ là con số nhỏ và chính phủ có thể hỗ trợ họ. Vì vậy, ông cho rằng tình trạng đóng băng hiện nay của thị trường mới là điều đáng lo ngại hơn kịch bản giá nhà sụp đổ.

Cần hạn chế những người mua nhà đầu tư

Báo cáo của Joseph Rowntree Foundation nhận định kỳ suy thoái thị trường nhà ở do lạm phát và lãi suất cao hơn, đã gây ra những hậu quả sâu rộng đối với người dân, hệ thống nhà ở và nền kinh tế quốc gia rộng lớn hơn. Báo cáo cho rằng tình trạng đóng băng của thị truòng nhà ở có khả năng kéo dài nhiều năm, khiến giấc mơ sở hữu nhà của những người thu nhập thấp vẫn xa vời.

Theo Toby Lloyd, giá nhà quá cao trong nhiều thập niên, khiến quyền sở hữu nhà nằm ở ngoài  tầm với của người thu nhập thấp, làm méo mó nền kinh tế và khiến việc cung cấp nhà giá rẻ để cho thuê trở nên khó khăn hơn.

“Trong bối cảnh này, sự can thiệp của chính phủ cần phải bảo đảm giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của cơn suy thoái đồng thời cần phải nắm bắt cơ hội chính trị để cải cách lâu dài mà một cuộc khủng hoảng tạo ra. Khi chúng ta bước vào thời kỳ suy thoái thị trường lần thứ năm trong lịch sử gần đây cùng với áp lực nhà ở tích tụ hàng thập niên, chính phủ cần phải nêu rõ tầm nhìn rõ ràng về một thị trường nhà ở bền vững, giá cả phải chăng và công bằng hơn . Đồng thời, phải đặt ra một lộ trình kiên quyết hướng tới điều này . Bước đầu tiên phải là nắm bắt tình hình và thừa nhận rằng thị trường nhà ở có vấn đề. Việc tiếp theo phải là đề ra các kế hoạch cải cách nhất quán”.

Trên cơ sở đó, báo cáo đề xuất các ý tưởng chính sách để ngăn chặn các công ty phát triển nhà ở lớn trì hoãn các dự án cho đến khi điều kiện thị trường được cải thiện, đồng thời ngăn chặn các nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản dồi dào tiền mặt thu gom bất động sản. Chẳng hạn, chính phủ nên trao các chính quyền địa phương các quyền hạn đặc biệt để hạn chế đối tượng khách hàng mua nhà cửa trong khu vực của họ.

“Những ngôi làng có phong cảnh đẹp và những khu dân cư ven biển là những nơi cần hạn chế các giao dịch mua từ những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài muốn mua căn nhà thứ hai và từ các công ty cho thuê nhà nghỉ dưỡng”, báo cáo cho biết.

Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ hỗ trợ tài chính cho các công ty xây dựng nhà ở giá rẻ để họ mua đất đai và tái thiết kế các dự án bị đình trệ. Chính phủ cũng cần cải cách các quy định nhằm buộc các chủ đầu tư bất động sản hoặc là phải hoàn thành dự án như kế hoạch hoặc phải chuyển giao dự án với giá phù hợp cho cho các chủ đầu tư khác không cần lợi nhuận cao.

Theo Financial Times, jrf.org.uk

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới