Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường nội địa hướng về nông dân?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường nội địa hướng về nông dân?

Ông Vũ Đình Ánh – Ảnh: Ngọc Lan

(TBKTSG Online) – Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng theo quan điểm của tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, thì điều quan trọng là phải tìm được đầu ra ở đâu mới kích đầu vào.

Trong buổi trả lời phỏng vấn Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Ánh đề xuất các biện pháp kích cầu nên tập trung vào nông thôn, nơi mà những người nông dân đang chiếm hơn 70% dân số cả nước.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: Thưa ông, nhiều biện pháp của Chính phủ hỗ trợ sản xuất đang được bàn đến nhiều. Liệu rằng, các biện pháp đó đã đúng và đủ để kích thích sản xuất, tạo ra việc làm và sản phẩm trong cơn suy thoái kinh tế hay không?

Ông Vũ Đình Ánh: Vấn đề của kinh tế Việt Nam năm 2008 nghiêm trọng nhất là lạm phát đã được xử lý đúng bằng thắt chặt tiền tệ. Năm nay, sự suy giảm dẫn đến việc phải kích cầu hay nói khác đi là thúc đẩy thị trường hoạt động.

Vấn đề của năm nay là suy giảm do nền kinh tế nhiều năm chỉ chú ý đẩy kim ngạch xuất khẩu, thị trường là xuất khẩu, 70% GDP là xuất khẩu. Nhưng Việt Nam chỉ là nhà cung cấp chứ không phải là người chi phối thị trường nên không chi phối được về giá.

Thị trường thương mại thế giới suy kiệt thế này chắc chắn nước ta gặp khó với nguồn thu chính vì mấy chốt vấn đề năm nay là đầu ra sản phẩm bán cho ai? Các biện pháp hỗ trợ lãi suất, giảm, giãn thuế có hiệu quả nhưng là hướng đến nhà sản xuất chứ không để hướng đến tất cả cuộc vận động trên thị trường vì thị trường phải có cả người bán lẫn người mua. Khi không có nhu cầu thì dù hàng giá rẻ người ta cũng không mua.

Như vậy, biện pháp hỗ trợ đầu vào không sai nhưng chưa thể nói là đủ. Ngay cả cách này là hình thức bơm vốn để giảm giá đầu vào nhưng muốn ra đến thị trường còn phải qua cách làm của doanh nghiệp. Có thể tạo cho họ lợi thế đầu vào nhưng chắc gì doanh nghiệp đã biến thành lợi thế đầu ra, có thể tác động đến thị trường mà mình vốn không kiểm soát được.

Nói khác đi, tôi e ngại biện pháp thì có nhưng đó là các biện pháp gián tiếp. Mà ở nước ta, các quá trình triển khai gián tiếp hiệu quả thường không như mong muốn.

Vậy vấn đề kích đầu ra, đối với ông, đang nằm ở đâu?

– Sức ép thị trường xuất khẩu đang thu hẹp chắc chắn phải quay về thị trường nội địa. Nhưng đó không thể là câu hô khẩu hiệu hay thị trường nước ngoài chê thì bán cho trong nước. Bởi người mua trong nước bây giờ cũng không chấp nhận hàng thừa, hàng thải. Chính phủ cần phải có những chính sách, tuyến bố cụ thể về việc kích cầu thị trường nội địa thế nào, tương tự như các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trong nhiều năm qua và thời gian gần đây.

Chỉ khi nào doanh nghiệp nhìn thấy các biện pháp thiết kế thị trường ở tầm vĩ mô họ mới nhìn thấy cơ hội, lợi nhuận để cần đến vốn, rồi quan tâm đến ưu đãi vốn vay, giá, đến cách nào để đầu tư đầu vào thấp nhất, bán ra có lời nhất. Như thế mới kích ngược lại đầu vào sản xuất. Nếu không nhìn thấy đầu ra thị trường, họ sẽ không vay vốn để làm gì.

Vấn đề quay lại thị trường nội địa đã được đề cập đến. Nhưng thực sự đó là một câu chuyện dài và không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, thưa ông?

– Đúng như vậy, vì lâu nay chúng ta chỉ chăm chú đẩy kim ngạch xuất khẩu để thu về đô la, rồi có đô la lại đi nhập khẩu đầu vào nên không quan tâm đến thị trường nội địa, vốn hẹp về quy mô và không được giá bằng xuất khẩu. Hậu quả là kênh phân phối nội địa hơn 10 năm qua không được chú trọng.

Do vậy, quay về thị trường nội địa là phải làm hệ thống phân phối và phải hướng về thị trường nông thôn, nơi có hơn 70% dân số cả nước. Đây là cầu lớn nhất trong xã hội, dù doanh nghiệp luôn cân nhắc khả năng thanh toán vì đây là thị trường còn nhiều rủi ro về đầu mua và đầu bán.

Thật khó hướng doanh nghiệp vào thị trường này vì bài toán của doanh nghiệp là lợi nhuận. Hơn nữa, còn có thị trường lớn ở các thành phố và việc kích sản xuất công nghiệp, dịch vụ có thể giải bài toán trước mắt nhanh hơn kích qua nông nghiệp, nông thôn. Vậy có cần cân nhắc với lựa chọn này?

– Nói ép buộc thì hơi quá nhưng quả thật muốn có một chiến lược phát triển kinh tế bền vững thì các quốc gia lớn đều chọn cách phát triển thị trường nội địa, kể cả Trung Quốc.

Có thể “ép buộc” doanh nghiệp, người tiêu dùng hướng về nội địa , về nông thôn trong giai đoạn hiện nay để tạo ra chiến lược. Nhà nước cần phải cụ thể hóa chiến lược “ép buộc” ấy bằng những biện pháp hỗ trợ cụ thể. Nếu xác định lấy thị trường nông thôn phát triển được sẽ tạo ra sự phát triển của thị trường công nghiệp, dịch vụ cung cấp cho nông thôn và kích ngược lại tiền tệ cho các thị trường thành thị.

Còn chỉ kích cầu qua các công cụ tiền tệ, hạ lãi suất thấp qua các ngân hàng, tôi e ngại dùng không đúng cách có thể dẫn đến các hình thức như cho vay dưới chuẩn như ở Mỹ thời gian qua hay các hình thức vay đảo nợ, tạo ra các rủi ro tín dụng, vi phạm đạo đức tín dụng, thì rất nguy hiểm.

Vậy ông có gợi ý gì về một biện pháp dẫn đường, đột phá cho thị trường nội địa?

– Doanh nghiệp sẽ tìm thấy các biện pháp của họ. Vấn đề là Chính phủ phải có tuyên bố chính thức qua các chính sách cho thị trường, thống kê và tìm ra các kênh phân phối vĩ mô, chứ không làm thay doanh nghiệp.

NGỌC LAN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới