Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường oi quá thì mưa dông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường oi quá thì mưa dông

TS. Võ Đình Trí (*)

(KTSG) – Lẽ tự nhiên, trời oi nóng quá thì mưa dông phải đến. Và hiện tượng này cũng tồn tại trên thị trường chứng khoán khi lực mua tăng mạnh và nhanh đến từ các nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường oi quá thì mưa dông

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam như có lại cảm giác hưng phấn cuồng nhiệt của giai đoạn cuối năm 2006 đầu năm 2007 hay gần đây là đầu năm 2018. Kinh nghiệm được đúc kết trên thị trường chứng khoán cho thấy khi cậu bé đánh giày cũng bàn về chứng khoán thì lành ít dữ nhiều đang chờ các nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người vừa mới tham gia thị trường. Có điều, bối cảnh thị trường của mỗi thời kỳ là khác nhau, và một sự điều chỉnh (correction) không phải lúc nào cũng khởi đầu cho một cú sập (crash).

Người thấy nóng, người thấy ấm

Kinh nghiệm được đúc kết trên thị trường chứng khoán cho thấy khi cậu bé đánh giày cũng bàn về chứng khoán thì lành ít dữ nhiều đang chờ các nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người vừa mới tham gia thị trường.

Có điều, bối cảnh thị trường của mỗi thời kỳ là khác nhau, và một sự điều chỉnh (correction) không phải lúc nào cũng khởi đầu cho một cú sập (crash).

Trong sáu tháng đầu năm 2021, chỉ số VN-Index tăng 34,51% và Việt Nam là thị trường có mức tăng ấn tượng nhất trên thế giới. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4-6 của tuần trước, chỉ số VN30 thiết lập đỉnh lịch sử khi chạm và vượt mốc 1.500 điểm.

Nhưng còn ấn tượng hơn là ở thanh khoản của thị trường. Nếu như năm trước, giá trị giao dịch trong ngày ở mức 15.000 tỉ đồng đã được xem là quý hóa, thì từ đầu năm nay đã lên mốc 20.000 tỉ đồng, rồi vượt luôn ngưỡng 30.000 tỉ đồng với mốc lịch sử hơn 36.700 tỉ đồng của phiên này 3-6. Nhiều người ví von tiền tươi đang đang cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán.

Một kỷ lục khác cũng xuất hiện trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam là số lượng tài khoản mới mở của nhà đầu tư cá nhân. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong tháng 5 vừa qua có 113.543 tài khoản cá nhân được mở, lũy kế năm tháng đầu năm 2021 các nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng 480.490 tài khoản, hơn hẳn 20% so với cả năm 2020. Như vậy, nếu so với tỷ lệ dân số thì số tài khoản đã chiếm 3,2%, với khoảng 3,25 triệu tài khoản.

Số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng, giá trị giao dịch tăng, chỉ số thị trường tăng, mà cái nào cũng kỷ lục thì có phải là dấu hiệu thị trường đã nóng? Cũng chưa hẳn vì cần đặt trong mối tương quan với một số các yếu tố khác.

Yếu tố đầu tiên là tính chu kỳ của thị trường, mà được biết đến nhiều là “sell in May and go away”. Theo đó, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán tiêu biểu như S&P500 giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 là thấp hơn nhiều so với giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4. Các quỹ đầu tư lớn, các nhà đầu tư có kinh nghiệm thường tái cấu trúc danh mục của mình, chốt lời và chờ tìm cơ hội mới. Vì thế giai đoạn hiện nay, đây là điều bất lợi đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường vì khả năng nhiều cổ phiếu đã vào mức giá cao.

Chủ quan của người viết thấy rằng từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường đã tăng quá nhanh, tốc độ tăng sẽ phải chậm lại, để trở về sát với giá trị lợi nhuận thực hơn của các doanh nghiệp.

Yếu tố thứ hai là sự dịch chuyển của dòng tiền từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác. Nhiều số liệu trong quá khứ của thị trường Mỹ cho thấy, khi dòng tiền dịch chuyển từ các lĩnh vực tăng trưởng mạnh trước đó như công nghệ, tài chính, năng lượng sang các lĩnh vực phòng thủ hơn như tiêu dùng, dịch vụ thiết yếu, và bất động sản thì đó là một dấu hiệu thị trường bắt đầu điều chỉnh. Trong phiên giảm của ngày 7-6 vừa qua, dòng cổ phiếu bị rút mạnh là những cổ phiếu trước đó hừng hực khí thế như ngân hàng, chứng khoán, và thép.

Yếu tố thứ ba là cảm nhận (sentiment) của nhà đầu tư, theo đó nhà đầu tư lạc quan (bullish) hay bi quan (bearish), hay còn gọi là tham lam (greed) hay sợ hãi (fear). Một cái tên khá uy tín trong giới nghiên cứu thị trường chứng khoán là Yardeni Research khảo sát và đo lường tỷ lệ bulls/bears, với hai điểm ngưỡng là trên 3 hay dưới 1. Nếu trên 3 thì là bull, mà dưới 1 thì là bear.

Yếu tố thứ tư là một số chỉ số phân tích kỹ thuật như DeMark, RSI để xem thị trường đã đến ngưỡng chưa và các nhà đầu tư kinh nghiệm thường rút ra xoay quanh mốc này. Lấy ví dụ như chỉ RSI của VN-Index hiện nay đã trên 80, trong khi mặc định trên 70 là dấu hiệu mua quá mạnh. Vượt ngưỡng 80 thì đa phần sau đó đều có điều chỉnh, thậm chí là điều chỉnh mạnh như hồi tháng 4-2006, tháng 2-2007, tháng 3-2018. Tuy nhiên, cũng có trường hợp RSI cao nhưng kéo dài đến vài tháng, trước khi bị gãy nhịp đột ngột.

Yếu tố thứ năm cũng rất quan trọng là lợi nhuận của doanh nghiệp không thuyết phục được sự tăng nóng của giá cổ phiếu. Thông thường thì các thông tin tốt đã được phản ánh vào giá, và rất ít khi thông tin tốt về lợi nhuận có liên tục và kéo dài. Một yếu tố khác nữa là sự tăng giá của cả chỉ số chỉ phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Nếu nhìn qua các dấu hiệu được đề cập ở trên, nhiều người cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đã nóng rồi, và phiên điều chỉnh ngày 7-6 là bắt đầu hạ nhiệt. Nhưng với nhiều nhà đầu tư khác thì thị trường chỉ đang ở mức ấm mà thôi.

Một trong số các luận cứ để bảo vệ luận điểm thị trường chỉ đang ở mức ấm đó là thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới nói chung vẫn chưa đến mức nóng, chỉ số tham lam và sợ hãi của thị trường Mỹ đang ở mức trung bình, và các chỉ số vĩ mô của thị trường Mỹ vẫn ổn, dù theo nhiều chuyên gia thì mặt bằng giá cổ phiếu đã cao, nhất là nhóm cổ phiếu công nghệ. Thị trường Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thị trường Mỹ nên như vậy sức nóng vẫn chưa đến.

Một luận cứ khác là lượng tiền nhàn rỗi trong dân nhiều, lãi suất có xu hướng giảm mà các hình thức đầu tư khác không đa dạng, ngoài bất động sản thì chỉ còn có chứng khoán. Ngoài ra yếu tố tâm lý đám đông rất mạnh ở Việt Nam là một điều không thể bỏ qua. Tâm lý thấy bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh mình kiếm tiền nhanh và dễ từ chứng khoán khiến cho nhiều người rơi vào FOMO, sợ bị lỡ chuyến tàu.

Không ngại mưa dông?

Hiện tượng thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn là rất bình thường và khá phổ biến. Như chỉ số S&P500 giai đoạn 2000-2019 có 11 lần giảm hơn 10%. Nhưng sau đó chỉ số này hồi phục ở mức trung bình là 15%. Nếu quan sát số liệu từ năm 1974, khi thị trường điều chỉnh đến mức cao nhất thì tháng sau đó sẽ phục hồi hơn 8%, và một năm sau sẽ là hơn 24%.

Những chỉ dấu (patterns) này là rất hữu ích cho các nhà đầu tư F0, ở những điểm sau đây.

Thứ nhất là không quá nôn nóng lao vào thị trường với khoản đầu tư lớn, khi thị trường hưng phấn thì cẩn trọng tham gia ở mức độ thăm dò, và luôn duy trì một tỷ lệ tiền mặt cao, để khi thị trường có điều chỉnh thì còn có thể sử dụng chiến thuật trung bình giá.

Hiện tượng này trong đầu tư có một thuật ngữ gọi là “irrational exuberance”, nghĩa là hưng phấn cuồng nhiệt mất lý trí. Hiện tượng này thường xuất hiện ở giai đoạn cuối của chu kỳ kinh tế mở rộng, tức là nền kinh tế đã đạt ở công suất tối đa, hay doanh nghiệp đã đạt hết mức tăng trưởng.

Thứ hai là không nên dễ bị hoảng loạn khi thị trường điều chỉnh. Việc điều chỉnh 2-3% trong một phiên, và sau một tuần hay một tháng có thể giảm hơn 10% là điều có thể xảy ra. Do đó nếu xác định đầu tư trong một khoảng thời gian dài thì không nên nao núng. Vấn đề nguy hiểm là ở chỗ một số F0 chưa đủ kinh nghiệm và hiểu biết về quản trị rủi ro, sử dụng nhiều đòn bẩy, thì khi mức lỗ bị khuếch đại lên thì khó tránh bị choáng váng.

Thứ ba là nếu có được mức lợi nhuận ban đầu, hãy học theo các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm trong việc chốt lời, tái cơ cấu lại danh mục theo hướng phòng vệ trước những cú điều chỉnh mạnh của thị trường, tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục.

Do đó, nhận thức được những đợt điều chỉnh của thị trường là hết sức cần thiết cho các nhà đầu tư. Nếu chọn để trở thành một nhà đầu tư chủ động, thì cần có sự lựa chọn danh mục chu đáo, đặt mục tiêu dài hạn, và đa dạng hóa danh mục.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng, nhiều cổ phiếu vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, chủ quan của người viết thấy rằng từ cuối năm 2020 đến nay, thị trường đã tăng quá nhanh, tốc độ tăng sẽ phải chậm lại, để trở về sát với giá trị lợi nhuận thực hơn của các doanh nghiệp. Với những nhà đầu tư dài hạn, những lần điều chỉnh hóa ra lại là những cơ hội tốt.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM, IPAG Business School Paris, và AVSE Global

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới