Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường Philippines chựng lại, lúa gạo Việt Nam gặp khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường Philippines chựng lại, lúa gạo Việt Nam gặp khó

Trung Chánh

(KTSG Online) – Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam, đang có những động thái hạn chế mua gạo Việt Nam. Điều này có những tác động đáng kể lên thị trường lúa gạo nội địa trong thời điểm hiện nay.

Thị trường Philippines chựng lại, lúa gạo Việt Nam gặp khó
Thị trường lúa gạo Việt Nam gặp khó khi Philippines giảm nhập khẩu. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt khoảng 2,7 triệu tấn với trị giá khoảng 1,48 tỉ đô la Mỹ, giảm 11,3% về lượng và 5% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó, Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn nhất từ Việt Nam khi chiếm đến khoảng 35,6% (tương đương đạt 715,7 ngàn tấn) trong tổng lượng gạo Việt Nam xuất sang các thị trường 4 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Philippines đang có những động thái hạn chế nhập khẩu gạo Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau, trong đó, có lý do từ tình hình tiêu thụ ở quốc gia này đang chậm lại.

Trao đổi với KTSG Online vào hôm nay, 21-6, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV, nhà kinh doanh gạo nội địa và xuất khẩu, cho biết Philippines là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, nhưng tại thị trường này, gạo Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh từ gạo giá rẻ của Ấn Độ. “Mặt khác, việc tiêu thụ gạo ở thị trường Philippines hiện đang khá chậm nên khách hàng họ cũng hạn chế mua tiếp”, ông nói.

Ông Thành cho biết, công ty ông hiện còn hơn 100 container gạo lẽ ra đã giao cho đối tác phía Philippines, nhưng do việc tiêu thụ khó khăn nên đối tác nhập khẩu phải lùi thời gian nhận hàng. “Họ nói bây giờ bán ế quá, nếu nhập về lúc này cũng kẹt, cho nên, mình cũng đồng hành với người ta”, ông Thành giải thích.

Việc doanh nghiệp Việt Nam nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ, ở góc nhìn của một doanh nhân ngành gạo, ông Thành cho rằng sẽ gây tác động đến xuất khẩu gạo Việt Nam. “Bởi, tâm lý của bên nhập khẩu họ băn khoăn tại sao Việt Nam nhập gạo Ấn Độ, từ đó, người ta cũng không muốn mua gạo Việt Nam”, ông giải thích.

Mặt khác, giá gạo Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh cũng chính là lý do khiến xuất khẩu gạo Việt Nam bị tác động không nhỏ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm của Việt Nam vào ngày 17-6 được chào bán với mức giá là 478-482 đô la Mỹ/tấn, trong khi đó, chủng loại này của Ấn Độ chỉ 388-392 đô la Mỹ/tấn và của Thái Lan là 434-438 đô la Mỹ/tấn (tất cả đều được tính theo giá FOB).

Còn với chủng loại gạo 25% tấm, Việt Nam chào bán với giá 458-462 đô la Mỹ/tấn, trong khi Ấn Độ chỉ 358-362 đô la Mỹ/tấn và Thái Lan là 414-418 đô la Mỹ/tấn (giá FOB).

“Từ đầu năm 2020 đến nay, giá gạo Việt Nam lúc nào cũng cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan”, ông Thành nói và cho biết gạo Việt Nam cao hơn Ấn Độ khoảng 100 đô la Mỹ/tấn và cao hơn Thái Lan từ 15-20 đô la Mỹ/tấn.

Xuất khẩu gạo gặp khó đã tác động đáng kể đến tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nội địa. “Bây giờ, hàng tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều nên đâu thể mua vào tiếp, trong khi hàng hoá bên ngoài không ai mua; thương lái mua về bán cũng không được nên bỏ cọc rất nhiều”, ông Thành nói.

Trong khi đó, lúa của nông dân đến ngày thu hoạch vẫn phải diễn ra càng khiến giá lúa, gạo rớt mạnh. “Trong vòng một tháng qua, giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm hơn 1.000 đồng/kg”, ông Thành cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới