Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường sữa năm 2010: Một năm đầy biến động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường sữa năm 2010: Một năm đầy biến động

Tiến sĩ Tống Xuân Chinh*

Một trang trại chăn nuôi bò sữa ở Thanh Hóa – Ảnh: Tống Xuân Chinh

(TBKTSG Online) – Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa tươi nguyên liệu năm 2010 khoảng 320 ngàn tấn, đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước (bình quân khoảng 14 kg/người/năm). Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sữa ngày càng tăng trong khi sản xuất sữa trong nước còn hạn chế thì nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa là một giải pháp mang tính tình thế.

Sữa nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu ở dưới dạng sữa bột mà nguồn nguyên liệu ban đầu của nó là sữa bột nguyên kem và sữa bột gầy. Nhằm tìm hiểu mối quan hệ và xu hướng thay đổi về giá sữa giữa thị trường quốc tế và thị trường Việt Nam, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích sự biến động giá đối với sữa bột nguyên kem và sữa bột gầy trên thị trường quốc tế (thị trường châu Âu và thị trường châu Đại Dương).

Biến động giá sữa trên thị trường quốc tế trong năm 2010

Trong cả năm 2010, giá FOB trung bình sữa bột gầy trên thị trường châu Âu là 2.920 đô la Mỹ/tấn, thấp nhất vào tháng 2 và tháng 3 là 2.725 đô la/tấn và cao nhất vào tháng 5 là 3.138 đô la/tấn. Trong khi đó với cùng mặt hàng này trên thị trường châu Địa Dương có giá trung bình FOB cả năm là 3.106 đô la/tấn, thấp nhất vào tháng 2 là 2.750 đô la/tấn và cao nhất vào tháng 5 là 3.500 đô la/tấn.

Đồ thị 1. Biến động giá sữa bột năm 2010 trên thị trường quốc tế

Nguồn: Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Tương tự xu hướng biến đổi giá đối với sữa bột gầy, giá sữa bột nguyên kem (sữa bột béo) (giá FOB, trung bình cả năm 2010) trên thị trường châu Âu là 3.556 đô la/tấn, thấp nhất vào tháng 9 là 3.181 đô la/tấn và cao nhất vào tháng 10 là 3.804 đô la/tấn. Giá mặt hàng này trên thị trường châu Đại Dương là 3.451 đô la/tấn, thấp nhất vào tháng 2 là 3.138 đô la/tấn và cao nhất vào tháng 5 là 3.963 đô la/tấn.

Những nhận xét sau có thể rút ra từ đồ thị 1:

– Giá sữa cao nhất là vào tháng 5, cả sữa béo và sữa gầy ở 2 thị trường châu Âu và châu Đại Dương đều trùng vào thời điểm này.

– Đối với giá sữa gầy: Ở thị trường châu Đại Dương luôn cao hơn thị trường châu Âu, trung bình là 6,33%/tháng và 6,39%/năm.

– Yếu tố mùa vụ trong sản xuất sữa và tiêu dùng có ảnh hưởng đến giá sữa, tháng 5 là cao nhất vì đây là thời gian thu gom nguyên liệu chuẩn bị sản xuất sữa và sản phẩm sữa cho tiêu dùng mùa hè. Giá sữa cũng tăng về cuối năm có thể do đây là thời kỳ cuối của chu kỳ vắt sữa ở các nước ôn đới.

– Giá sữa bột gầy và béo ở thị trường châu Âu và châu Đại Dương có sự khác biệt nhưng đều bị chi phối chặt chẽ bởi quy luật cung cầu và chuỗi giá trị sản phẩm ở quy mô toàn cầu.

Biến động giá sữa trên thị trường quốc tế giai đoạn 2006-2010

Trong giai đoạn này giá sữa trên thị trường châu Âu và châu Đại Dương có những thay đổi nhanh chóng, không ổn định, có sự sai khác lớn giữa các năm cho cùng một sản phẩm sữa nhất định.

1) Trên thị trường châu Đại Dương

Đồ thị 2. Giá sữa bột gầy trên thị trường châu Đại dương giai đoạn 2006-2010

Nguồn: Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Trên đồ thị 2 cho thấy giá sữa bột gầy trên thị trường châu Đại Dương tăng cao nhất vào năm 2007 đạt 4.326 đô la/tấn, cao hơn 95,05% so với năm 2006 (2.218 đô la/tấn). Năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá sản phẩm sữa này giảm trung bình 23,70%, từ 4.326 đô la/tấn xuống 3.301 đô la/tấn. Sang năm 2009, giá sản phẩm sữa này tiếp tục giảm 30,04% so với năm 2008 (trung bình là 2.309 đô la/tấn). Nhưng sang năm 2010, khi kinh tế toàn cầu phục hồi dần sau khủng khoảng thì giá sữa này lại tăng lên 34,52% so với năm 2009, trung bình là 3.106 đô la/tấn.

Tương tự như giá sữa gầy, giá sữa béo trên thị trường châu Đại Dương cũng có sự biến đổi tương đồng với giá sữa gầy.

Đồ thị 3. Giá sữa bột béo trên thị trường châu Đại Dương giai đoạn 2006-2010

Nguồn: Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

Trên đồ thị 3 cho thấy giá sữa bột béo trên thị trường châu Đại Dương tăng cao nhất vào năm 2007 đạt 4.182 đô la/tấn, cao hơn 90,92% so với năm 2006 (2.191 đô la/tấn). Năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá sản phẩm sữa béo giảm trung bình 7,45%, từ 4.4182 đô la/tấn xuống 3.871 đô la/tấn. Sang năm 2009, giá sản phẩm sữa béo tiếp tục giảm 28,32% so với năm 2008 (trung bình là 2.775 đô la/tấn). Nhưng sang năm 2010, khi kinh tế toàn cầu phục hồi dần sau khủng khoảng thì giá sữa béo lại tăng lên 24,55%% so với năm 2009, trung bình là 3.451 đô la/tấn.

Về tổng thể, giá sữa bột gầy và giá sữa bột béo trên thị trường châu Đại Dương có chiều hướng biến đổi tương tự, nhưng giá sữa bột gầy có biến độ dao động cao hơn so với giá sữa bột béo. Tuy nhiên, tính trong cả giai đoạn 2006-2010, thì giá sữa bột gầy giảm bình quân là 28,66%/năm, trong khi đó giá sữa bột béo cũng giảm là 35,53%/năm.

2.) Trên thị trường châu Âu

Giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu cũng có xu hướng biến động tương tự như đối với thị trường châu Đại Dương.

Đồ thị 4: Giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu

Đồ thị 4 cho thấy giá sữa bột gầy trên thị trường châu Âu tăng cao nhất vào năm 2007 đạt 4.439 đô la/tấn, cao hơn 76,19% so với năm 2006 (2.519 đô la/tấn). Năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, giá sản phẩm sữa bột gầy giảm trung bình 27,06%, từ 4.439 đô la/tấn xuống 3.238 đô la/tấn. Sang năm 2009, giá sản phẩm sữa này tiếp tục giảm 23,61% so với năm 2008 (trung bình là 2.473 đô la/tấn). Nhưng sang năm 2010, khi kinh tế toàn cầu phục hồi dần sau khủng khoảng thì giá sữa này lại tăng lên 18,04% so với năm 2009, trung bình là 2.920 đô la/tấn.

Tương tự như giá sữa gầy, giá sữa béo trên thị trường châu Âu cũng có sự biến đổi tương đồng với giá sữa gầy.

Về tổng thể, giá sữa bột gầy và giá sữa bột béo trên thị trường châu Âu có chiều hướng biến đổi tương tự như trên thị trường châu Đại Dương, nhưng giá sữa bột gầy có biên độ dao động cao hơn so với giá sữa bột béo. Tuy nhiên, tính trong cả giai đoạn 2006-2010, thì giá sữa bột gầy giảm bình quân là 38,13%/năm, trong khi đó giá sữa bột béo cũng giảm là 35,49%/năm.

Giá sữa nội địa chưa được điều chỉnh phù hợp với thị trường quốc tế

Trên đây chúng tôi đã phân tích biến động giá sữa bột trên thị trường quốc tế để làm cơ sở phân tích, so sánh với giá sữa ở Việt Nam (đặc biệt là giá sữa bột nhập khẩu) để tìm lời giải cho câu hỏi “Tại sao giá sữa ở Việt Nam lại đắt so với nhiều nước, nếu so với thu nhập của người Việt Nam?.

Hiện nay chưa có số liệu đầy đủ về biến động giá sữa và sản phẩm sữa nói chung và sữa bột nhập khẩu nói riêng ở Việt Nam trong năm 2010 và cả giai đoạn 2006-2010 từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể điểm qua một vài thông tin đã được kiểm chứng đăng trên các phương tiện truyền thông để tìm cầu trả lời cho câu hỏi trên.

– Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 3 năm từ 2008-2010, sữa bột ở nước ta đã tăng giá tới 16 lần, mỗi lần tăng từ 3-10%. Giả sử chỉ tăng giá ở mức thấp nhất là 3% thì mỗi năm giá sữa bột cũng đã tăng ít nhất là 16%/năm.

– Năm 2009, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát giá sữa bột nguyên hộp nhập khẩu ở Việt Nam so với các nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Kết quả cho thấy giá sữa bột nhập khẩu ở Việt Nam nhìn chung cao hơn từ 20%-60%, có trường hợp cao hơn từ 100%-150% so với các quốc gia được khảo sát.

– Cơ quan quản lý giá của TPHCM đã kiểm tra giá nhập khẩu và giá bán lẻ một số sản phẩm sữa bột đóng hộp nhập khẩu cho biết chênh lệch giữa giá sữa trên thị trường với giá sữa nhập về có khi lên tới gần 2 lần.

– Tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết giá sữa chỉ ở khoảng 0,5-0,9 đô la/lít ở một số nước Âu – Mỹ và Ấn Độ, tại Trung Quốc là 1,1 đô la/lít so với giá sữa ở Việt Nam là 1,4 đô la/lít. Như vậy, từ 2008-2010, giá sữa bột ở Việt Nam đều tăng liên tiếp trong 3 năm liền, trung bình từ 10-20%/năm tuỳ từng loại sữa.

Giá sữa trong nước tăng liên tục trong khi giá sữa trên thị trường quốc tế như phân tích ở trên đều giảm bình quân từ 35,49% – 38,13%/năm đối với sữa bột béo và từ 28,66 – 38,13%/năm. Hơn nữa, thuế nhập khẩu sữa các loại đang giảm 20%, với lộ trình 5 năm theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Vì vậy, khi giá sữa bột trên thị trường thế giới thay đổi từng ngày thì giá sữa thành phẩm trên thị trường Việt Nam lại chưa thay đổi hoặc thay đổi quá chậm đã để lại nhiều hệ quả cho cả sản xuất, thương mại và tiêu dùng.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy giá sữa ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao và khả năng điều tiết thị trường của ở Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

———————–

* Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới