Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường thế giới kết thúc một tuần u ám

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường thế giới kết thúc một tuần u ám

Thái Bình

(TBKTSG Online) – Các thị trường chứng khoán và dầu mỏ toàn cầu vừa kết thúc một tuần giao dịch u ám do ảnh hưởng sự chao đảo của thị trường Trung Quốc và nỗi hoài nghi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất vào tháng tới.

Thị trường thế giới kết thúc một tuần u ám
Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một tuần giảm giá mạnh, báo hiệu một giai đoạn khó khăn của kinh tế thế giới. Ảnh Getty.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (vào sáng sớm hôm nay thứ Bảy 22/8 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán Wall Street của Mỹ chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ; tất cả các chỉ số đều giảm hơn 3%.

Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp, hôm qua giảm hơn 530 điểm, tương đương 3,12%, còn 16.459 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 64,84 điểm, tương đương 3,19%, còn 1.970 điểm và chỉ số Nasdaq mất 171,45 điểm, tương đương 3,52%, còn 4.706 điểm. So với mức đỉnh của năm nay, đạt được hồi tháng 5-2015, các chỉ số Dow Jones và Nasdaq đã mất hơn 10%.

Không chỉ chứng khoán Mỹ mà cả chứng khoán châu Âu và toàn cầu đều lao dốc mạnh do ảnh hưởng của việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng tiền và thị trường chứng khoán Thượng Hải mất 30% giá trị trong vài tuần qua.

Sau 3 ngày giảm liên tục, hôm qua chỉ số toàn châu Âu FTSEurofirst giảm thêm 3,4%; còn 1.427 điểm – mức giảm trong một ngày tệ nhất từ tháng 11-2011 do nhà đầu tư hết hy vọng vào tình hình sản xuất và dịch vụ của khu vực đồng euro.

Chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi MSCI Index đang ở điểm yếu nhất trong vòng bốn năm, giảm 2,16% trong khi chỉ số chứng khoán trung bình toàn cầu giảm 2,7% trong phiên giao dịch cuối tuần.

Nhìn lại một tuần, báo Wall Street Journal ghi nhận trong tuần qua, thị trường chứng khoán Tokyo mất tổng cộng 5,3%, Thượng Hải mất 12%, London mất 5,5% và Frankfurt mất 7,8%; chỉ số S&P 500 mất 5,8%, Nasdaq mất 6,8%

Nỗi hoài nghi không biết liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thực hiện nâng lãi suất cơ bản của Mỹ lên trong tháng 9 tới như dự báo hay không, cộng với số liệu về chỉ số nhà mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 8-2015, do tạp chí Tài Kinh và Công ty tư vấn Markit thực hiện vừa công bố cho thấy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc bị co lại, giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi qua, đã khiến tâm lý nhà đầu tư thêm bi quan về khả năng sinh lợi của cổ phiếu.

Trên thị trường dầu mỏ, trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô Mỹ WTI có lúc xuống dưới mức 40 đô la Mỹ/thùng, sau đó gượng lên mức 40,45 đô la, giảm 87 xu Mỹ mỗi thùng so với phiên trước; giá dầu thô Brent giảm mạnh hơn, khoảng 1,16 đô la Mỹ/thùng, còn 45,46 đô la Mỹ/thùng. Giới quan sát ghi nhận, tuần qua là tuần dầu thô mất giá mạnh nhất trong vòng 30 năm qua; từ năm 1986.

Nguyên nhân vẫn là do cung vượt cầu trên thị trường dầu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC vẫn không giảm sản lượng khai thác, triển vọng Iran sắp gia tăng sản lượng sau khi được bỏ cấm vận trong lúc Nhật Bản tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc giảm càng khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh hơn nữa.

Và giống như mọi cuộc suy thoái kinh tế, khi cổ phiếu và dầu mỏ giảm giá, nhà đầu tư lại đổ tiền vào vàng và trái phiếu chính phủ Mỹ, coi vàng là nơi trú ẩn an toàn tạm thời cho đồng vốn kinh doanh. Giá vàng hiện đang ở mức cao nhất trong vòng một tháng qua; giá vàng giao tháng 12-2015 tại thị trường New York hiện ở mức 1.159,6 đô la Mỹ/ounce, tăng 0,6 đô la Mỹ/ounce so với phiên trước. Giá trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tăng nhẹ 10/32 điểm, lợi suất giảm chỉ còn 2,0487%.

Đồng đô la Mỹ giảm nhẹ so với các ngoại tệ chính vì chưa biết Fed có nâng lãi suất hay không. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, đô la Mỹ giảm 1,01 so với đồng yen Nhật và 1,17% so với đồng euro; 1 đô la Mỹ hiện đổi được 122,14 yen và 1 euro đổi được 1,137 đô la Mỹ.

Đáng chú ý là trong lúc này các nền kinh tế đang phát triển vẫn tiếp tục phá giá đồng tiền rất mạnh để giành lợi thế cho hàng xuất khẩu. Đồng ringgit Malaysia hiện ở mức thấp nhất trong 17 năm qua, bằng mức giá trước khi đồng tiền này được neo vào đô la Mỹ; đồng won của Hàn quốc giảm giá thêm 1,8% trong ngày hôm qua; đồng peso Mexico và đồng real Brazil đều giảm thêm 1% so với đô la Mỹ.

(tổng hợp)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới