Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường thế giới sụt giảm trọn tuần

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường thế giới sụt giảm trọn tuần

Sàn chứng khoán New York đã chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh hôm thứ Sáu (27-2), sau thông tin về việc Chính phủ Mỹ muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu tại Citigroup – Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Thị trường chứng khoán, dầu thô và vàng thế giới đã có một tuần sôi động nhưng tiếp tục ghi nhận những mức giảm kỷ lục mới.

>> Thế giới tuần qua – Những kỷ lục buồn

Các thị trường này đều bị ảnh hưởng mạnh từ những biến động kinh tế tại Mỹ. Đồng đô la Mỹ tăng giá sau khi chính phủ Mỹ lần thứ 3 liên tiếp ra tay cứu giúp Citigroup thông qua việc chuyển đổi 25 tỉ đô la cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu phổ thông. Tổng kết lại, đồng đô la Mỹ đã tăng 1,7% trong tuần này.

Trong khi đô la Mỹ lên giá thì giá vàng tại New York đã có một tuần sụt giảm mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch của tuần hôm thứ Sáu (27-2) cũng là phiên thứ 5 liên tiếp giá vàng đi xuống và đánh dấu tuần giảm giá đầu tiên trong ba tuần qua. Giá vàng giao tháng 4 tại sàn  giao dịch hàng hóa NewYork giảm 10 xu Mỹ, xuống còn 942,5 đô la Mỹ/ounce. Đây cũng là tuần có biên độ giảm mạnh nhất kể từ tháng 12-2008 với mức giảm 6%.

Sau thông tin Chính phủ Mỹ giảm cổ phần nắm giữ của các cổ đông tại tập đoàn tài chính này xuống 74% và GDP của Mỹ trong quí 4-2008 đạt mức âm 6,2% – mức thấp nhất từ năm 1982, giá dầu đã sụt giảm và thị trường chứng khoán Mỹ cũng tụt dốc.

Các thông tin trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ngày càng yếu kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến giới đầu tư lo ngại nhu cầu sử dụng năng lượng của nước tiêu thụ lớn nhất thế giới này sẽ giảm mạnh. Giá dầu thô giao tháng 4 giảm 46 xu Mỹ, tương đương 1%, dừng ở mức 44,76 đô la Mỹ/thùng trên sàn NewYork.

Cũng trong tuần này, chỉ số Standard & Poor 500 rơi xuống mức thấp nhất trong 12 năm. Các chỉ số chứng khoán khác như Dow Jones, Russell đều giảm điểm…

Tại thị trường châu Á, chỉ số chính của thị trường chứng khoán là MSCI cũng rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm. Chỉ số này đã có phiên được ghi nhận hạ 1,8% – cũng là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này từ ngày 28-8-2003.

Trong tuần này, cùng với sự biến động của các thị trường chính, các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp nhằm vực dậy nền tài chính toàn cầu.

Trong một nỗ lực chung, Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu, Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng Thế giới cam kết dành 31 tỉ đô la Mỹ trong 2 năm để hỗ trợ các ngân hàng khu vực Đông Âu. Anh cũng đưa ra chương trình bảo đảm tài sản xấu cho các ngân hàng với tổng số tài sản được đảm bảo trị giá 712 tỉ đô la Mỹ.

Còn tại châu Á, các nhà lãnh đạo đến từ 10 nước thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài từ ngày 27-2 đến 1-3-2009 bàn về nỗ lực giúp các nền kinh tế hướng đến xuất khẩu trong khu vực thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó bao gồm cả nguy cơ trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Hội nghị thượng đỉnh với tên gọi ASEAN 14 lần này cũng ghi nhận thành công trong thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN và Úc, New Zealand.

Bên cạnh dòng thông tin lạc quan trên, kết thúc tuần lễ này lại là một tin tức không mấy tốt đẹp khi 3 nước của khu vực Bắc Âu là  Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Điển tuyên bố rơi vào suy thoái.

MAI TRANG (Tổng hợp từ AFP, Reuters và Bloomberg)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới