Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường trái phiếu 2010: Hai mảng sáng tối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường trái phiếu 2010: Hai mảng sáng tối

Quỳnh Như – Hồng Phúc

(TBKTSG) – Năm 2009 được xem là năm không thành công trong việc phát hành các loại trái phiếu chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh. Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm qua lại khá thu hút các nhà đầu tư, nhất là loại trái phiếu thả nổi.

>> Đã bán được trái phiếu!

>> Dư địa cho thị trường trái phiếu phát triển còn nhiều

Trái phiếu chính phủ: cả sơ cấp lẫn thứ cấp đều ảm đạm

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2009, nhu cầu huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ cho ngân sách vào khoảng 200.000 tỉ đồng. Song, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành trong năm chỉ được khoảng 20.000 tỉ đồng, đạt 14% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã huy động được 470 triệu đô la Mỹ trái phiếu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước. Ngoài ra, tổng khối lượng trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành khoảng 2.700 tỉ đồng.

Còn theo một nguồn tin khác, báo cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, cho biết khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành thành công trong năm qua là 15.000 tỉ đồng, tính cả giá trị quy đổi của đợt phát hành bằng ngoại tệ.Cũng theo báo cáo này, năm 2009 có khoảng 15.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ đến hạn, như vậy về cơ bản Chính phủ không huy động thêm được vốn trong năm qua.

Một điều dễ nhận thấy là năm qua việc phát hành các loại trái phiếu chính phủ và được Chính phủ bảo lãnh trên thị trường sơ cấp khá ảm đạm. Báo cáo này cho biết tính chung trong năm 2009 có khoảng 70 đợt phát hành bao gồm trái phiếu Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội và trái phiếu TPHCM, tuy nhiên chỉ có khoảng 5.000 tỉ đồng trái phiếu huy động được trên tổng số 71.400 tỉ đồng đưa ra gọi thầu.

Loại trái phiếu phát hành thành công nhất trong năm qua là trái phiếu Kho bạc nhưng tỷ lệ bán được cũng chỉ ở mức 15%, còn đa số các loại trái phiếu chỉ bán được dưới 7% so với kế hoạch. Đặc biệt trái phiếu chính quyền địa phương hoàn toàn không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, còn trái phiếu của Ngân hàng Phát triển cũng chỉ bán được 2% so với tổng khối lượng chào bán.

Sở dĩ có tình trạng này là do sự chênh lệch quá lớn về lãi suất giữa hai thị trường sơ cấp và thứ cấp, trung bình từ 100-200 điểm. Ngoài ra, báo cáo này còn lý giải rằng do Chính phủ không phải chịu áp lực lớn trong việc huy động vốn vì một phần trái phiếu phát hành thành công trong các năm trước được chuyển sang giải ngân trong năm nay (khoảng 8.000 tỉ đồng), đồng thời bản thân các dự án sử dụng vốn trái phiếu cũng có tiến độ giải ngân chậm.Với thị trường thứ cấp, tình hình cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu, thanh khoản luôn ở mức thấp thể hiện qua các con số thống kê như sau: tổng giá trị trái phiếu được chuyển nhượng qua sàn trong năm 2009 vào khoảng 77.500 tỉ đồng, chỉ bằng 40% so với mức 195.600 tỉ đồng của năm 2008. Giá trị trái phiếu được chuyển nhượng trong một phiên giao dịch trung bình là 300 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 800 tỉ đồng của năm 2008.

Thực tế lợi suất trái phiếu của Việt Nam trong quí 1-2009 giảm mạnh, từ mức 12-15% xuống còn 8-9% do chịu tác động trực tiếp từ chính sách tiền tệ nới lỏng cũng như trần lãi suất trên thị trường sơ cấp giảm mạnh từ mức 17,5% xuống còn 8%. Tuy nhiên, kể từ quí 2, do các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, lợi suất trái phiếu lại đảo chiều, tăng trở lại ở mức 11,5-12% và duy trì xu hướng tăng đến cuối năm. Tình hình này cũng phần nào lý giải vì sao thị trường ảm đạm trong thời gian qua.

Về mặt kỹ thuật, việc có quá nhiều mã trái phiếu, số lượng manh mún, thiếu chuẩn mực về kỳ hạn,… cũng là nguyên nhân khiến mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu Việt Nam kém hơn các nước trong khu vực.Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam nhìn chung còn khá nhỏ, khoảng 15% GDP. Tỷ trọng giá trị thị trường trái phiếu chính phủ còn lớn (gấp hơn 15 lần) so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Philippines là 9 lần; Indonesia 11 lần; Malaysia 1,25 lần…).

Trái phiếu doanh nghiệp: chớp thời cơ

Năm 2009, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại khá sôi động với nhiều đợt phát hành thành công, trong đó chủ yếu là hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi. Do lo ngại rủi ro biến động lãi suất ở mức cao mà cả nhà phát hành lẫn đầu tư đều tập trung vào loại hình trái phiếu này. Ước tính đã có khoảng 18.000 tỉ đồng giá trị trái phiếu có lãi suất thả nổi được bán ra, chiếm 77% trong tổng giá trị trái phiếu huy động được (hơn 26.000 tỉ đồng).Bên cạnh đó, trái phiếu chuyển đổi cũng là kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp sử dụng trong năm 2009, nhất là từ quí 3 trở đi, khi mà thị trường chứng khoán có sự phục hồi rõ rệt.

Doanh nghiệp bất động sản là những nhà phát hành khá nhanh nhạy khi nhìn thấy thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu ấm lên, và được sự hỗ trợ từ thị trường chứng khoán, liền tung ra các đợt phát hành tương đối lớn và khá thành công như Vincom (phát hành 100 triệu đô la Mỹ trái phiếu chuyển đổi quốc tế kỳ hạn năm năm, niêm yết trên thị trường chứng khoán Singapore), Hoàng Anh Gia Lai (1.450 tỉ đồng)…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có cổ phiếu thuộc hàng bluechips trên thị trường chứng khoán như Hòa Phát, FPT và nhiều ngân hàng cũng đã huy động một lượng vốn khá lớn thông qua kênh này.

Chỉ tính riêng ba đợt phát hành của Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai và FPT, thì lượng vốn huy động đã lên đến 4.370 tỉ đồng, chiếm hơn 15% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2009 (theo thống kê của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển – BIDV).

Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính trên thị trường này là Việt Nam chưa có lãi suất chuẩn làm lãi suất tham chiếu trong việc xác định lãi suất thả nổi. Vì vậy, các nhà phát hành thường dùng mức lãi suất bình quân của bốn ngân hàng thương mại lớn là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank làm lãi suất tham chiếu. Ngoài ra, một số ít khác thì dùng lãi suất cơ bản hoặc lãi suất trần của trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương ứng.

Còn với loại trái phiếu chuyển đổi thì việc xác định giá trái phiếu trong giao dịch mua bán trên thị trường thứ cấp cũng gặp nhiều khó khăn.

Năm 2010: vẫn còn cơ hội

Theo nhận định của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi khá tốt. GDP năm nay dự kiến tăng 6,5%, cao hơn mức 5,3% của năm 2009. Vì vậy nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ và doanh nghiệp sẽ có chiều hướng tăng để đáp ứng nhu cầu vốn cho mục tiêu này. Chính phủ cũng đang nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạn chế nhập siêu, tăng tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối… Tất cả những yếu tố này sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trái phiếu phát triển (xem bài “Đã bán được trái phiếu!”, tr.13).

Mặt khác, nhằm tăng tính cạnh tranh cho thị trường trái phiếu, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho thị trường này như sửa đổi Nghị định 52/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 53 về phát hành trái phiếu quốc tế, Nghị định 141/2003 về phát hành trái phiếu chính phủ…

Thế nhưng khó khăn lớn nhất cho thị trường trái phiếu trong năm 2010 chính là xu hướng tăng khá rõ của mặt bằng lãi suất. Giá cả hàng hóa thế giới đang có xu hướng tăng, tác động không ít đến mặt bằng giá cả trong nước, tăng áp lực nhập siêu. Bên cạnh đó, chính sách kích cầu, biện pháp nới lỏng tiền tệ trong năm 2009, do có độ trễ nhất định, sẽ gây hiệu ứng không mong muốn trong năm nay là tạo áp lực lên lạm phát.

Khi mặt bằng lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu chính phủ cũng chịu tác động theo chiều hướng tương tự và ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu trong nước. Hiện nay, theo nhận định của BIDV, dù khối nhà đầu tư nước ngoài đã ít nhiều quan tâm đến trái phiếu Việt Nam nhưng họ vẫn hết sức dè dặt, chủ yếu chờ các chính sách tiền tệ của Chính phủ ngã ngũ. Đặc biệt vấn đề tỷ giá hiện còn là rào cản khá lớn đối với luồng tiền đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Thuật ngữ trái phiếu

Lãi suất coupon (Coupon Rate): Là lãi suất ghi trên trái phiếu, chẳng hạn 7% hay 8,25%. Đây là lãi suất nơi phát hành trái phiếu trả cho người nắm giữ trái phiếu.

Chiết khấu (Discount): Thông thường để dễ tính toán, người ta thường ấn định lãi suất coupon cho trái phiếu ở một mức nào đó, ví dụ 7%. Khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nếu người mua không chấp nhận mức lãi suất này thì nơi phát hành sẽ bán giảm giá trái phiếu. Ví dụ trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng nhưng bán với giá 93.000 đồng thì mức chiết khấu là 7%.

Lợi suất hiện hành (Current Yield): Là mức lợi nhuận thu được từ trái phiếu so với giá hiện hành của nó. Ví dụ trái phiếu có lãi suất coupon là 7%, mệnh giá là 100.000 đồng nhưng giá trên thị trường hiện chỉ còn 80.000 đồng. Lấy lợi nhuận thu được hàng năm (7.000 đồng) chia cho giá hiện hành (80.000 đồng) và nhân cho 100, sẽ có lợi suất hiện hành là 8,75%.

Lợi suất đáo hạn (Yield to Maturity): Là mức lợi nhuận thu được từ trái phiếu nếu giữ cho đến ngày đáo hạn với giả định tiền lãi coupon được tái đầu tư với mức lãi tương ứng. Với loại trái phiếu nói trên, giả sử thời gian đáo hạn là bốn năm thì lợi suất đáo hạn sẽ là 13,8%. Ngày nay thay vì mất công tính toán, người ta có thể sử dụng các trang web tính lợi suất tự động như trang: (www.moneychimp.com/calculator/bond_yield_calculator.htm).

Điểm/Điểm phần trăm (Basic Point/Percentage Point): Lưu ý cách gọi mức tăng, giảm lãi suất. Ví dụ lãi suất từ 8,50% tăng lên 8,62% thì được gọi là tăng 12 điểm hay 0,12 điểm phần trăm.

Đường cong lãi suất(Yield Curve): Là đồ thị biểu diễn mối liên hệ giữa những mức lợi suất được quan sát tại một thời điểm của các loại trái phiếu có nhiều kỳ hạn khác nhau. Đường cong lãi suất đi lên khi trái phiếu dài hạn có lợi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn (bình thường). Đường cong sẽ biến thành đường thẳng nếu tất cả các mức lợi suất đều xấp xỉ ngang nhau (dấu hiệu kinh tế bất ổn). Đường cong đi xuống nếu lợi suất của trái phiếu ngắn hạn cao hơn trái phiếu dài hạn (dấu hiệu kinh tế trì trệ).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới