Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường vốn nợ: cuốn sách cho người làm tài chính và luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường vốn nợ: cuốn sách cho người làm tài chính và luật

Hồng Phúc

Thị trường vốn nợ: cuốn sách cho người làm tài chính và luật
Sách “Thị trường vốn nợ: Luật và Hợp đồng”.

(TBKTSG Online) – Thị trường vốn nợ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị trường vốn của bất kỳ nền kinh tế nào, là nơi các kỹ thuật tài chính được vận dụng với cấu trúc ngày càng tinh vi. Việc sáng tạo ra các công cụ tài chính mới đồng thời cũng làm phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp. Có lẽ vì thế mà cho tới hôm nay, chúng ta mới có một cuốn sách luật chuyên khảo đầu tiên và duy nhất về thị trường vốn nợ Việt Nam.

“Thị trường vốn nợ: Luật và Hợp đồng” là cuốn sách vừa được xuất bản của luật sư Nguyễn Hồng Năng, người hành nghề luật sư nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, và hiện là Giám đốc pháp chế của Ngân hàng ANZ Việt Nam.

Nội dung cuốn sách tập trung vào hai loại giao dịch chủ yếu của thị trường vốn nợ là khoản vay hợp vốn và phát hành trái phiếu. Đây là những công cụ huy động vốn chủ yếu trên thị trường tài chính.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đề cập tới các vấn đề cốt yếu về hợp đồng, giao dịch bảo đảm, ý kiến pháp lý – là những nội dung cốt yếu trong các giao dịch tài chính nói chung và hầu hết các giao dịch vay hợp vốn và phát hành trái phiếu. Ngoài ra, một số nội dung căn bản khác về thị trường tài chính và các sản phẩm của thị trường này, các kiến thức về tín dụng và quản lý rủi ro cũng được cung cấp nhằm mang lại một bức tranh toàn diện hơn cho người đọc…

Các nội dung pháp lý được cập nhật theo quy định của pháp luật Việt Nam và các tập quán phổ biến của thị trường thế giới. Các liên hệ với pháp luật và so sánh với bối cảnh của Việt Nam được đưa ra với mong muốn nêu lên các điểm khác biệt để người đọc có thể lưu ý khi vận dụng vào thực tế. Nhiều khái niệm và thuật ngữ của thị trường từ xưa đến nay vẫn được hiểu theo cụm từ gốc nguyên bản tiếng Anh (vì tiếng Anh là ngôn ngữ chung duy nhất cho các giao dịch trên thị trường tài chính quốc tế) lần đầu tiên được Việt hóa và giải thích thêm trong sách.

Vì sao thị trường vốn nợ quan trọng? Vì thông qua thị trường này, các doanh nghiệp và chính phủ có thể thực hiện vay vốn từ, hoặc qua các trung gian tài chính như ngân hàng, công ty tài chính cũng như quỹ đầu tư hoặc công ty bảo hiểm (thị trường sơ cấp). Thị trường vốn nợ còn là một nơi các chủ nợ có thể mua bán các khoản nợ (thị trường thứ cấp), qua đó giúp tái phân bổ rủi ro phát sinh từ các giao dịch cho vay vốn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Luật sư thành viên – Mayer Brown JSM, “Ngoài việc nghiên cứu và tổng hợp trong cuốn sách những vấn đề pháp lý cơ bản của thị trường vốn nợ, tôi cho rằng điểm độc đáo mà cuốn sách này có được là không chỉ phân tích khía cạnh pháp lý của các giao dịch tài chính (từ giao dịch huy động vốn, mua bán nợ đến phái sinh tài chính) mà còn giúp người đọc nắm được lịch sử phát triển các khái niệm cơ bản cũng như vấn đề cấu trúc của thị trường vốn nợ. Sách có thể được dùng như một cuốn sổ tay cho những ai muốn tìm hiểu các vấn đề pháp lý về thị trường vốn nợ.”

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Hồng Năng nói: “Từ lâu tôi đã ấp ủ việc biên soạn một cuốn sách về luật vừa mang tính thực tiễn, vừa cung cấp các kiến thức chung, đồng thời như một cuốn sổ tay cho những luật sư mới vào nghề, muốn tìm hiểu về lĩnh vực tài chính, ngân hàng và các vấn đề pháp lý liên quan”.

Ông cho biết thêm: “Cuốn sách này là một sản phẩm của quá trình tìm kiếm đó. Nó còn có thể hữu dụng cho cả các cán bộ ngân hàng, những người cũng cần hiểu các vấn đề pháp lý trong công việc hàng ngày của mình”.

Luật sư Lê Nết, Luật sư thành viên, LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận xét rằng cuốn sách đã hệ thống hóa những kiến thức một cách dễ hiểu cho người đọc ở cả hai lĩnh vực cho vay và phát hành trái phiếu; đồng thời trình bày và lý giải một cách chi tiết từng điều khoản của các bộ hợp đồng vay cũng như bộ tài liệu phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu bật được những khó khăn cũng như các lưu ý khi áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế vào thị trường trong nước và gợi ý những phương hướng để ngành ngân hàng và thị trường vốn ở Việt Nam mau chóng hội nhập với thị trường toàn cầu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới