Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường xuất khẩu lao động: cầu nhiều nhưng nguồn cung còn ít

Minh Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hiện nay, nhiều thị trường bắt đầu mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc. Song song đó, các công ty cung ứng nhân lực cũng đang phỏng vấn, đào tạo và làm hồ sơ xuất cảnh cho các lao động có nhu cầu. Tuy nhiên, tâm lý e ngại dịch bệnh vẫn còn hiện hữu dẫn đến tình trạng cầu nhiều hơn cung.

Ngày 17/3/2022, Hàn Quốc tiếp nhận gần 100 lao động Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là lao động EPS) nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Incheon.
Ngày 17-3, Hàn Quốc tiếp nhận gần 100 lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Incheon. Ảnh: TTXVN

Nhiều thị trường tiếp nhận lao động trở lại

Năm ngoái, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động nước ngoài, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2021 chỉ đạt khoảng 50,06% chỉ tiêu với 45.058 lao động.

Đến nay, những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã bắt đầu mở cửa đón lao động người Việt Nam.

Từ giữa tháng 2, Đài Loan phát đi thông báo tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc cũng đã công bố chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài theo chương trình tại nước này trong năm 2022 ở mức 59.000 người (tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021) với nhiều ngành nghề như sản xuất chế tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ…

Tương tự, Chính phủ Nhật Bản vừa công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh nhập cảnh, trong đó có thực tập sinh Việt Nam, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người từ tháng 3.

Ngoài ra, tại khu vực châu Âu đã có 9 quốc gia tiếp nhận lao động phổ thông Việt Nam gồm Ba Lan, Lithuania, Hungary, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovakia, Belarus và Bồ Đào Nha.

Vẫn còn e ngại dịch bệnh

Nhiều công ty cung ứng lao động xuất khẩu đang tuyển dụng từ vài trăm đến vài ngàn lao động cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan với hơn 20 ngành nghề. Mức thu nhập cho lao động trong khoảng từ 35-45 triệu đồng/tháng. Theo thông tin được niêm yết trên trang chủ của công ty cung ứng lao động tại TPHCM, số tiền người lao động phải đóng trước khi xuất cảnh là 17 triệu đồng/người cho chương trình lao động 1 năm và 72 triệu đồng/người cho chương trình 3 năm.

Ông Nguyễn Thế Đại, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động và Dịch vụ thương mại Biển Đông, cho biết hiện nay thị trường tuyển dụng lao động nước ngoài đã mở cửa, tuy nhiên nhiều lao động Việt Nam hiện vẫn còn tâm lý e ngại về tình hình dịch bệnh nên có sự giảm sút về số lượng lao động đăng ký, dẫn đến tình trạng cầu nhiều hơn cung tại thị trường xuất khẩu lao động.

Ông Đại chia sẻ, thị trường Nhật Bản hiện đang có nhiều ngành nghề cần tuyển dụng lao động với số lượng lớn như điện tử, cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, nhân viên bán hàng, chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, các lao động chỉ cần có trình độ học vấn từ lớp 9 trở lên, từ 19- 32 tuổi, điều kiện sức khỏe đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế là đã có thể làm việc tại nước ngoài.

“Hiện công ty đang cần 500 lao động cho thị trường tại Nhật Bản nhưng hiện chỉ đạt khoảng 20% chỉ tiêu tuyển dụng. Đối với Đài Loan cũng chỉ đạt được khoảng 10% trong chỉ tiêu 1.000 lao động”, ông Đạt nói.

Các lao động được đào tạo kỹ càng trước khi xuất cảnh. Ảnh: DNCC

Theo ông Đại, quá trình tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện với 3 tiêu chuẩn chính như có trình độ ngoại ngữ cần thiết đủ để giao tiếp tại nước ngoài, có kỹ năng, tay nghề đáp ứng được yêu cầu công việc của chủ sử dụng lao động và hiểu biết văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen của nước mà người lao động đến làm việc.

“Các ứng viên lao động sẽ được đào tạo trong vòng 4 tháng trước khi sang làm việc tại Nhật Bản và đào tạo trong 2 tháng với các lao động sẽ làm việc tại Đài Loan”, ông Đại cho biết.

Một vấn đề được ông Đại lưu ý thêm, thời gian qua, không ít người lao động do chưa tìm hiểu kỹ về thị trường xuất khẩu lao động nên dẫn đến tình trạng “tiền mất tật mang” khi bị các cò môi giới, trung tâm giới thiệu việc làm lừa.

Tại miền Nam nhiều người phải tốn từ 500-1.000 đô la Mỹ, và tại miền Bắc khoảng 2.000 đô la Mỹ để nhờ các cò lao động tư vấn, môi giới việc làm tại nước ngoài. Do đó, người lao động khi có nhu cầu muốn làm việc tại nước ngoài cần đến trực tiếp các công ty xuất khẩu lao động để tìm hiểu hoặc đến các trung tâm giới thiệu việc làm tại địa phương để được tư vấn kỹ càng, tránh gặp tình huống đáng tiếc.

Chiều 23-3, Cục Quản lý lao động nước ngoài, cho biết Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc – KCDC thông báo Việt Nam được xếp vào diện quốc gia cần tăng cường kiểm dịch tính từ ngày 1-4. Do đó, người xuất phát từ Việt Nam (bao gồm cả người mang quốc tịch Hàn Quốc) khi nhập cảnh vào Hàn Quốc sẽ phải thực hiện cách ly y tế 7 ngày bất kể đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hay chưa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới