Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiên tai trách trời – nhân tai trách ai?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiên tai trách trời – nhân tai trách ai?

Đặng Văn Thuận

(TBKTSG) – TBKTSG số 41-2013 có bài Sao lại hành xử như thế! đặt vấn đề về cách hành xử không thỏa đáng, không hợp lý hợp tình của các cơ quan công quyền, các nhà quản lý. Bài báo có nói đến việc đổ lỗi cho quy trình mà ta thường nghe các cơ quan chức trách biện minh sau sự cố gì đấy, như vụ việc “quy chuẩn đối với sữa” và “quy trình xả lũ” mới đây, gây bức xúc và thiệt hại cho người dân. Nhưng trên hết, đó là sự vô trách nhiệm cần bị lên án. Vô trách nhiệm cũng có thể nói là một “nhân tai” đang hoành hành tại nước ta.

Sau nhiều vụ việc như bão lũ bị dự báo sai, xả lũ không báo trước gây thiệt hại về người và của, đến những chuyện như ăn bớt vaccin, gian lận, lừa gạt bệnh nhân… gần đây được phản ánh hàng loạt, tất cả đều có liên quan đến sự vô trách nhiệm của người quản lý hoặc quy trình, cơ chế có vấn đề. Nhưng những gì chúng ta đã nghe những người có chức trách liên quan nói sau những sự việc ấy là “do lỗi không kiểm tra đôn đốc”, “do sơ suất”, “do không lường trước diễn biến bất thường”… Tất cả đều là những lời biện minh chối bỏ trách nhiệm.

Tôi lại liên tưởng đến một phiên tòa rất đặc biệt đã diễn ra ở Ý năm 2012, xét xử một vụ án mà có người gọi đó là “phán xử khoa học”. Những người đứng trước vành móng ngựa là bảy nhà khoa học thuộc Cơ quan Dự báo địa chấn của thành phố L’Aquila, nước Ý. Nguyên nhân là họ đã không có cảnh báo chính xác và kịp thời về một vụ động đất kinh hoàng làm hơn 300 người thiệt mạng, thành phố tan hoang. Trong cáo trạng của tòa cáo buộc các nhà khoa học đó đã “phạm tội giết chết nhiều người”, “cẩu thả và khinh suất”. Kết quả, bảy người phải chịu án tù, bồi thường hàng chục triệu đô la Mỹ cho người bị nạn và thân nhân.

Việc họ bị xét xử là thể hiện ý chí của nhà nước, của thân nhân người bị nạn, thể hiện thái độ dứt khoát và mạnh mẽ cảnh tỉnh giới khoa học không làm tròn trách nhiệm, và thể hiện người dân muốn tước đi những quyền lực, nhiệm vụ mà họ ủy thác cho cơ quan đó.

Chúng ta có cần những phiên tòa đó không? Chung quy lại, tòa án là nơi phán xét và truy tìm công lý bằng sự công tâm. Dù không ai thực sự mong muốn nó xảy ra nhưng có những phiên tòa như thế thì chúng ta mới có lý lẽ để tin vào Nhà nước, vào những cơ quan công quyền đã được người dân chỉ định để thay mặt cho họ quản lý, điều hành xã hội. Có như thế, chúng ta mới có thể tiếp tục ủy thác số phận xã hội, trong đó có chính tính mạng, quyền lợi của chúng ta cho họ. Và trên hết, người dân mới tin rằng công lý vẫn còn đây.

Khi vẫn chấp nhận nó là lỗi quy trình, là làm đúng kịch bản, không sai quy định, thì đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận ngụy biện, dung dưỡng cho sai trái. Hoặc bó tay trước những thực trạng đến nỗi có người đã cảm thán “thiên tai trách trời, nhân tai trách ai?”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới