Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiết bị chống dịch cần khẩn cấp nhưng không ai dám mua

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiết bị chống dịch cần khẩn cấp nhưng không ai dám mua

Hoàng Nhung

(TBKTSG) – Để giải quyết tình trạng thiếu thiết bị y tế và sinh phẩm phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “mở lối” để các cơ sở y tế mạnh dạn mua sắm, đấu thầu công khai, minh bạch về giá cả trên tinh thần “cứ thế mà mua miễn sao không tham nhũng, tiêu cực…”. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế vẫn không dám mua và nhiều doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, sinh phẩm y tế không đủ tự tin để tham gia đấu thầu.

Thiết bị chống dịch cần khẩn cấp nhưng không ai dám mua
Ngay cả khi đã có giá trần thiết bị xét nghiệm, nhiều doanh nghiệp không dám tham gia dự thầu vì họ sợ bị thanh tra, phanh phui những thương vụ làm ăn trước đây. Ảnh: T.M

Có tiền nhưng cũng có nhiều nỗi sợ

Dịch Covid-19 trở lại diễn biến ngày càng phức tạp. 25 người đã tử vong và gần 1.000 người nhiễm bệnh tại Việt Nam đã khiến nhiều cơ sở y tế trở tay không kịp vì không đủ thiết bị y tế, sinh phẩm để xét nghiệm.

Viện Pasteur Nha Trang, ngày 5-8 đã phải gửi công văn khẩn trình Bộ Y tế, nhờ các viện khác hỗ trợ hoặc cho mượn sinh phẩm và vật tư xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, mặc dù trước đó viện đã có kế hoạch đấu thầu mua các thiết bị này.

Đây là thực trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành không mua được thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm bởi những khó khăn của việc đấu thầu, mặc dù Bộ Y tế đã dẫn ra đầy đủ các quy định đấu thầu, tiền ngân sách cũng sẵn sàng giải ngân, nhưng nhiều tỉnh vẫn không dám mua. Kít xét nghiệm và sinh phẩm là hàng nhập khẩu, số lượng nhà cung cấp ít, cung không đủ cầu, ít cạnh tranh nên dễ gây nhiễu loạn giá cả thị trường, giá thành cao (5-6 triệu đồng/bộ).

Nguyên viện phó của một viện Pasteur cho rằng, khi nhà cung cấp ít, cung không đủ cầu, đấu thầu trở nên một trò hề, tính cạnh tranh không cao nên tỉnh nào, bệnh viện nào cũng sợ đấu thầu. Do đó không mấy bệnh viện muốn tổ chức đấu thầu trong bối cảnh như vậy, khi Bộ Y tế không đưa ra giá tham khảo.

Với các nhà cung cấp, việc chi hoa hồng cho một lãnh đạo của bệnh viện hay những người có liên quan khác dường như đã thành nếp. Nếu không chi, doanh nghiệp dù có sản phẩm chất lượng đến đâu cũng khó có cơ hội chen chân vào y tế công, nên những doanh nghiệp vốn lâu nay vẫn là người “ngoài cuộc” cũng không dám mạnh dạn tham gia.

Lãnh đạo một tỉnh miền Trung cho biết, tỉnh không thiếu kinh phí để mua sắm thiết bị và sinh phẩm chống dịch. Toàn tỉnh đang quyết liệt phòng, chống dịch nhưng lại gặp khó khăn trong việc đấu thầu các thiết bị, sinh phẩm này. Bởi vì dịch bệnh hiện nay trên thế giới đang còn phức tạp, ít nhà cung ứng, các sản phẩm tăng giá rất bất chợt, không có khung giá nào ổn định. Hơn nữa, giá của các vật tư rất khác nhau do hãng sản xuất khác nhau, thương hiệu khác nhau, chi phí lưu kho bãi, vận chuyển khác nhau. Chính vì thế, mặc dù tỉnh có tiền nhưng vẫn không dám mua vì có thể gặp rủi ro cao như các tỉnh/thành phố đang chờ xử lý vì mua sắm giá cao từ đợt dịch trước.

Dù đưa ra được giá trần cũng không dễ

Nhiều người cho rằng, khi doanh nghiệp ngại, không dám tham gia đấu thầu, các bệnh viện không mặn mà mua máy móc, sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế cần có hướng dẫn rất cụ thể, nếu không thì việc đấu thầu khó có thể thành công. Nhất là khi bài học về giá mua máy xét nghiệm của các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, mỗi nơi một kiểu giá, đã khiến dư luận xã hội bức xúc, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra… vẫn còn đó, khiến các cơ sở y tế càng rụt rè hơn. Một số doanh nghiệp đã báo giá, nộp hồ sơ thầu, ký hợp đồng cung cấp thiết bị, sinh phẩm cho các cơ sở y tế, nhưng đã chủ động xin hủy vì lo sợ có quá nhiều rủi ro.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế… để chốt mức giá trần rồi thông báo đến 63 tỉnh, thành phố. Nhưng ngay cả khi đã có giá trần này, nhiều doanh nghiệp không dám tham gia dự thầu vì họ sợ bị thanh tra, phanh phui những thương vụ làm ăn trước đây.

Thực tế hiện nay, máy xét nghiệm, sinh phẩm y tế là mặt hàng đặc thù, không có nhiều hãng sản xuất. Khi nhập khẩu vào Việt Nam có hãng muốn độc quyền, ủy quyền cho một doanh nghiệp Việt Nam bán, có hãng cho hai hoặc ba doanh nghiệp bán. Cơ sở y tế muốn mua máy móc, bộ xét nghiệm cần có ba báo giá để làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu. Trong khi đó, bộ xét nghiệm hay thiết bị y tế đặc thù có khi chỉ có một đơn vị cung cấp độc quyền được Bộ Y tế công nhận.

Đại diện Hội Thiết bị y tế TPHCM cho rằng, Bộ Y tế nên thành lập tổ tư vấn để làm rõ và công bố thương hiệu, cấu hình của từng loại máy vì có thể máy móc có chức năng giống nhau nhưng thương hiệu và nhà sản xuất khác nhau. Bên cạnh đó, Vụ Trang thiết bị y tế nên tổ chức buổi tập huấn cho các doanh nghiệp, các kế toán địa phương, hội đồng thầu để giải đáp những vướng mắc liên quan đến những văn bản pháp luật mới được ban hành và cung cấp những thông tin cần thiết, chẳng hạn như công ty nào được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu, vào trang web nào để biết được những thông tin trên.

Các tỉnh/thành phố cũng mong muốn Bộ Y tế công bố bảng giá các thiết bị phòng, chống dịch để địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch mua, tránh sai phạm gây lãng phí nặng nề tiền thuế của nhân dân. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới