Thiệt hại do nCoV, nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn khoanh nợ
Lê Anh
(TBKTSG Online) – Do tác động rất lớn của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCov), nhiều doanh nghiệp bất động sản đề xuất Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản khoanh nợ; giãn nợ; giảm lãi suất … để doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh.
![]() |
Kế hoạch bán hàng của nhiều doanh nghiệp bất động sản bị đình trệ vì dịch bệnh do virus Corona gây ra – Ảnh minh họa: Anh Quân |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, tại TPHCM nhiều doanh nghiệp bất động sản phải đương đầu với nhiều khó khăn khi dự án bị tạm dừng triển khai để thanh tra. Nguồn cung nhà ở bị sụt giảm mạnh dẫn đến giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018.
Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Số liệu thống kê của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, năm 2019, lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TPHCM, hiện nay, 70% vốn của các doanh nghiệp bất động sản là nguồn vốn vay ngân hàng. Tính đến hết năm 2019 dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM khoảng 288.000 tỉ đồng, chỉ tăng 10% so với cuối năm 2018.
Trước tác động của dịch nCov gây ra, từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều công ty bất động sản phải hủy các sự kiện khởi công, động thổ, bán hàng vì dịch bệnh. Một nhân viên kinh doanh của Công ty DKRA cho biết, công ty phải hủy kế hoạch bán các dự án bất động sản sau Tết vì tình hình dịch bệnh, người dân được khuyến cáo không đến chỗ đông người nên các kế hoạch bán hàng của công ty đang bị hoãn vô thời hạn.
Thiệt hại nặng nhất có lẽ là bất động sản nghỉ dưỡng khi lượng khách du lịch sụt giảm mạnh dẫn đến nguồn thu từ việc cho thuê phòng bị giảm theo, kéo theo hoạt động kinh doanh, phát triển các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bị đình trệ, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.
Sau khi tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TPHCM hôm 6-2 đã gửi văn bản lên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản bằng các hình thức khoanh nợ; giãn nợ; giảm lãi suất vay; cơ cấu lại các khoản vay; giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho doanh nghiệp khôi phục kinh doanh trước tác động của dịch nCoV.
Đồng thời với tình hình hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Hôm 6-2, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố sẽ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona. Còn Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) công bố sẽ xem xét với từng đơn vị trong lĩnh vực cụ thể, có thể ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%/năm so với lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường và từ 3%/năm so với lãi suất cho vay trung dài hạn.
Mời xem thêm:
Bất động sản du lịch sẽ thêm khó khăn vì virus corona