Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu cơ chế để chống hàng giả hiệu quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu cơ chế để chống hàng giả hiệu quả

Minh Tâm

Kiểm tra và phát hiện nhiều quần áo hàng hiệu “dỏm” tại Trung tâm thương mại An Đông Plaza. Ảnh: Ngọc Ánh

(TBKTSG Online) – Hoạt động sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn ra phức tạp với nhiểu thủ đoạn tinh vi nhưng công tác đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều trở ngại, thiếu những chế tài xử phạt có tác dụng răn đe.

Đây là phản ánh của đại diện các chi cục quản lý thị trường (QLTT) một số tỉnh được nêu ra tại buổi sơ kết 6 tháng thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa 19 tỉnh thành phía Nam vừa diễn ra tại TPHCM .

Theo ông Lý Ngọc Thắng, Đội trưởng đội QLTT 3A, đơn vị chuyên chống hàng giả của Chi cục QLTT TPHCM, một trong những vấn đề đội này gặp phải khi làm nghiệp vụ là các chủ thể có hàng bị làm giả rất e ngại việc công bố thông tin cơ quan chức năng kiểm tra hàng giả hàng nhái vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

“Các chủ thể này khi liên hệ với chúng tôi để yêu cầu kiểm tra hàng giả hàng nhái bao giờ cũng nói thêm rằng, không đưa thông tin này lên báo”, ông Thắng nói.

Cũng liên quan đến chủ thể có hàng bị làm giả, ông Thắng cho hay lực lượng chức năng trong nhiều trường hợp rất khó tìm kiếm người sở hữu nhãn hàng. Ví dụ ở mặt hàng giày dép, có đến hàng chục nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới bày bán trên thị trường Việt Nam, không ít số này bị làm giả và không dễ để phân biệt thật giả. Cơ quan chức năng muốn liên hệ với chủ sở hữu của nhãn hàng thật để nhờ chỉ cách phân biệt nhưng không tìm được. Nhiều đơn vị không có đại diện, một số lại ủy quyền cho luật sư nhưng theo từng vụ cụ thể hoặc theo thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xác định cách xử lý hàng giả lại cũng gặp khó khăn vì mỗi cơ quan chuyên ngành lại có một hướng giải quyết khác nhau. Điển hình là vụ nước giải khát “Arabao và hình” mà Chi cục QLTT TPHCM phát hiện. Đây là mặt hàng đã được bảo hộ tại Việt Nam nhưng có đối tượng từ nước ngoài vào thuê sản xuất và xuất đi nước ngoài. Ngành Hải quan xác nhận đã có 26 chuyến hàng xuất đi các nước Trung Đông. “Tuy nhiên, khi tìm hướng xử lý thì đơn vị này nói xử được, đơn vị khác lại nói không” , ông Thắng cho hay.

Cũng theo ông Thắng, việc xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả trên thực tế chưa phát huy hiệu quả, bằng chứng là nhiều trường hợp buôn bán tại các trung tâm thương mại tái phạm nhiều lần, bắt, phạt rồi lại bắt, phạt. Theo ông Thắng, nguyên nhân của tình trạng trên là ngoài xử lý hành chính thì chưa có chế tài bổ sung, chưa có tòa chuyên ngành nên không có tác dụng răn đe.

Điển hình như ở mặt hàng mũ bảo hiểm. Tình trạng mũ bảo hiểm giả, không đạt tiêu chuẩn được bày bán tràn lan nhưng thiếu các biện pháp xử lý hiệu quả. Hàng bắt được không được tiêu hủy mà tái chế, thay đổi hình thức sử dụng. Việc xử lý với người bán gần như không có gì.

Ông Thắng nhận định: “Các doanh nghiệp đang lợi dụng các kẽ hở của văn bản pháp luật hiện hành, sử dụng các thủ đoạn tinh vi để sản xuất, buôn bán hàng giả. Hiện nay đang nổi lên chuyện nhiều người móc nối với thương nhân làm về xuất khẩu để sản xuất hàng vi phạm nhãn hiệu rồi xuất khẩu đi nước ngoài”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới