Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu đất, thiếu bác sĩ để xã hội hóa y tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu đất, thiếu bác sĩ để xã hội hóa y tế

Phó chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng đang phát biểu tại buổi giám sát – Ảnh: THU HIỀN

(TBKTSG Online) – TPHCM là nơi đi tiên phong trong lĩnh vực xã hội hóa y tế với mạng lưới y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn như thiếu quỹ đất cho bệnh viện, thiếu nhân lực…

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tại phiên họp giám sát của Quốc hội về vấn đề xã hội hóa y tế, ngày 10-3.

Không có đất để xây bệnh viện

Ông Châu cho biết khối y tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân khi thành phố có khoảng 12.467 cơ sở y tế ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 1/3 so với cả nước, trong đó có 22 bệnh viện tư nhân, 4 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, tổng số vốn đầu tư ban đầu cho các cơ sở y tế tư nhân, không tính giá trị đất, ước tính khoảng 1.770 tỉ đồng.

“Đây thực sự là một mạng lưới y tế ngoài công lập lớn nhất nước, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân tại thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long và góp phần giải quyết tình trạng quá tải tại bệnh viện công lập”, ông Châu nhấn mạnh.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM thì người dân từ các tỉnh đến khám và điều trị bệnh tại các bệnh viện của thành phố chiếm tỷ lệ 30-50%. Định mức ngân sách cấp cho mỗi giường bệnh chỉ đáp ứng 20% tổng chi phí.

Hiện tại thành phố có 24 dự án bệnh viện, phòng khám đa khoa chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ y tế cho bệnh nhân trong và ngoài nước, răng hàm mặt, giải phẩu thẩm mỹ. Các dự án chủ yếu huy động nguốn vốn ngoài nhà nước. Ông Châu cho biết những dự án này đang gặp phải một vấn đề lớn là không có đất để xây dựng.

Vừa qua, thành phố đã phê duyệt dự án xây dựng 4 bệnh viện tại 4 cửa ngõ thành phố và cũng đang tíến hành tìm quỹ đất cho dự án. Các chuyên gia y tế cho rằng các dự án này sẽ vấp phải khó khăn lớn trong việc tìm đất và giải phóng mặt bằng.

Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND thành phố, cũng thừa nhận một trong những bất cập của xã hội hóa y tế là thiếu quỹ đất để xây thêm bệnh viện và các trung tâm y tế tại thành phố. Bà Thảo cho rằng nên giải phóng mặt bằng sạch cho các dự án y tế và kêu gọi đầu tư như các dự án sản xuất khác. Đây là hình thức đã làm đối với việc xây dựng các khu công nghiệp.

Chỉ có 8,8 bác sĩ/10.000 dân

Bài toán về nguồn nhân lực cũng là một khó khăn đối với ngành y tế. Theo thống kê của ngành y tế thành phố, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân là 8,8. Hiện thành phố có khoảng 3.654 dược sĩ, với tỷ lệ 4,5 dược sĩ/1.000 dân. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với tỷ lệ chung của cả nước nhưng vẫn còn thấp so với tiêu chuẩn chung của thế giới về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Ông Châu nhận định, hiện nay số lượng bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân tăng nhanh và cùng tồn tại song song với hệ thống bệnh viện công lập trong khi số lượng y, bác sĩ, dược sĩ lại không theo kịp sự phát triển này. Do thiếu nhân lực nên tồn tại tình trạng bác sĩ chạy sô giữa các bệnh viện công và tư, chảy máu chất xám tại bệnh viện công và thiếu bác sĩ ở tuyến quận và huyện.

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện có 53 trạm y tế tại các quận, huyện không có bác sĩ làm việc. Năm 2007, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ cho khối y tế công lập là 1.741 và y tế ngoài công lập là 6.902 nhưng đến nay các bệnh viện vẫn không tuyển dụng đủ con số này.

Sau chuyến khảo sát huyện Cần Giờ, giáo sư Trần Đông A, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, kể lại, bệnh viện huyện Cần Giờ chỉ có duy nhất 1 bác sĩ biết mổ, nhưng lại không có bác sĩ gây mê. Đây là một thực tế đáng buồn tại một huyện của TPHCM. Do thiếu bác sĩ ở tuyến dưới, nên bệnh nhân tại các quận, huyện lại đổ dồn về bệnh viện chuyên khoa tại trung tâm gây nên tình trạng quá tải.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, ông Châu đề xuất nên đẩy mạnh mô hình viện trường tại TPHCM sau khi Thủ tướng cho phép chuyển trường Đào tạo cán bộ y tế thành Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ông Châu đề nghị, trường nên phối hợp với bệnh viện Nhân Dân 115 trong việc đào tạo, lập thêm các chuyên khoa mới.

Sở Y tế cũng đang kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước cho dự án xây dựng viện trường Củ Chi (100 héc ta tại huyện Củ Chi) nhằm cung ứng nhân lực kỹ thuật cao cho thành phố và các tỉnh phía Nam. Mô hình viện trường Củ Chi cũng sẽ phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa trong thành phố để đào tạo nhân lực.

THU HIỀN

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới