Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu lao động có thể cản bước Nhật Bản trên con đường phục hồi tăng trưởng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Với số lượng vị trí cần tuyển dụng nhiều hơn người nộp đơn, thị trường lao động Nhật Bản trở thành một nơi tuyệt vời để săn việc làm. Nhưng tình trạng thiếu lao động kinh niên, ở một đất nước có dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, đang kìm hãm triển vọng phục hồi kinh tế sau cơn suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.

Lực lượng lao động trong nước của Nhật Bản được dự báo giảm hơn 10% trong hai thập niên tới do dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp. Ảnh: Bloomberg

Dữ liệu của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản công bố hôm 29-7 cho thấy trong tháng 6, trung bình có 1,27 vị trí tuyển dụng được mở cho mỗi người tìm việc ở Nhật Bản, tỷ lệ cao nhất trong khoảng hai năm. Tỷ lệ này đã tăng lên trong bảy tháng qua, cho thấy hoạt động tuyển dụng đang tăng lên trong nhiều ngành, đặc biệt là lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất.

Người mua sắm đang dần quay trở lại các cửa hàng truyền thống khi chính phủ chuyển sang chiến lược chung sống với dịch bệnh Covid-19. Ngay cả khi số ca nhiễm trên toàn quốc hiện lên mức cao kỷ lục, giới chức trách cũng không triển khai các biện pháp hạn chế di chuyển hoặc giới hạn giờ hoạt động của nhà hàng. Trong tuần trước, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Nhật Bản chiếm 20% tổng số ca nhiễm trên thế giới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng Nhật Bản có thể không có đủ lao động để duy trì động lực phục hồi kinh tế. Nhiều người muốn làm việc đã có việc làm, chỉ còn rất ít người thất nghiệp. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ và nam giới lớn tuổi, thành phân nhân khẩu học tích cực tham gia lực lượng lao động trong thập niên qua, cũng đã có việc làm.

Vấn đề thiếu lao động trong nước khó thể nhanh chóng được giải quyết bằng nguồn lao động nước ngoài, bao gồm cả sinh viên quốc tế, do Nhật Bản vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến Covid-19.

Hiromichi Shirakawa, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Credit Suisse Securities, cho rằng tình trạng thiếu lao động kinh niên của Nhật Bản sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong bối cảnh thị trường lao động đang thắt chặt dù nền kinh tế vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.

Một cuộc khảo sát hồi tháng 5 với hơn 1.100 công ty của Công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank, có trụ sở tại Tokyo, cho thấy 45,9% số công ty được hỏi cho biết họ đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Teikoku Databank cho biết do dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp, lực lượng lao động trong nước của Nhật Bản sẽ giảm hơn 10% trong hai thập niên tới. Vì vậy, Nhật Bản cần phải tăng lao động nước ngoài lên 6,74 triệu người vào năm 2040 để duy trì mức tăng trưởng kinh tế trung bình 1,24% mỗi năm.

Theo dự báo của Văn phòng nội các Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 2% sau khi điều chỉnh theo lạm phát, trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023, giảm 3,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Để cạnh tranh săn lùng nhân tài, một số công ty Nhật Bản đã tăng lương. Fast Retailing, chủ sở hữu của thương hiệu thời trang Uniqlo, sẽ tăng lương theo giờ lên tới 30% kể từ mùa thu này. Giám đốc tài chính Fast Retailing Takeshi Okazaki nói: “Khi tình trạng thiếu lao động ngày càng trở nên nghiêm trọng, rất khó để thuê được nhân sự giỏi”.

Nhà kinh tế trưởng Hiromichi Shirakawa của Credit Suisse Securities dự báo nhiều công ty khác cuối cùng cũng sẽ tăng lương để giữ chân người lao động khi tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tiếp cận mức mà ông coi là giới hạn thấp của biên độ 2,1- 2,6% hiện nay. Mức lương trong các ngành dịch vụ ở Nhật Bản đang tăng mạnh, có thể kích hoạt các gói lương tăng lên ở tất cả các ngành còn lại.

“Kể từ giữa năm 2023, chúng ta có thể sẽ chứng kiến lương tăng mạnh mà không cần chính phủ phải kêu gọi các công ty làm như vậy”, Shirakawa nói. Điều này có nghĩa là các công ty, vốn đã chịu tổn thương vì đồng yên suy yếu và lạm phát tăng, phải chịu thêm áp lực chi phí nhân sự.

Báo cáo thường niên mới nhất của Văn phòng nội các Nhật Bản về nền kinh tế và tình hình tài chính công của đất nước chỉ ra rằng điều cần thiết là lạm phát và tiền lương phải tăng ổn định để thúc đẩy nền kinh tế.

Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng tình trạng thiếu hụt lao động sẽ kéo dài dai dẳng. Viện nghiên cứu Nomura ước tính Nhật Bản sẽ thiếu 10,47 triệu lao động, tương đương 15% lực lượng lao động tổng thể vào năm 2030.

Shinichiro Umeya, chuyên gia tư vấn của Trung tâm Quản lý chiến lược và đổi mới tại Viện Nghiên cứu Nomura, nói: “Việc các doanh nghiệp thành lập một mô hình kinh doanh mới dựa trên thực tế lao động thiếu hụt là điều không thể tránh khỏi”.

Theo Nikkei Asia, Mainichi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới