Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu may mắn hay thiếu bền vững?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu may mắn hay thiếu bền vững?

Hồ Trung Tú

Thiếu may mắn hay thiếu bền vững?
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đào Loan.

(TBKTSG) – LTS: Đà Nẵng hiện đang gặp khó khăn, ít nhất là trong thu ngân sách. Không khó khăn sao được khi tổng thu ngân sách của thành phố miền Trung này đạt đỉnh cao vào năm 2011, lên gần 20.000 tỉ đồng, đến năm 2013 này, sáu tháng đầu năm mà tổng thu ngân sách chỉ mới thu được 5.250 tỉ đồng. Cách nhau hai năm mà nguồn thu giảm một nửa, chắc chắn việc chi tiêu sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nếu lấy tình hình này để kết luận mô hình phát triển dựa vào đất đai của Đà Nẵng là thiếu bền vững thì sẽ gặp nhiều lập luận không đồng tình, thậm chí tranh cãi gay gắt. Liệu Đà Nẵng thiếu may mắn khi con đường phát triển gặp đúng thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, địa ốc trong nước đóng băng hay Đà Nẵng thiếu tầm nhìn phát triển các ngành sản xuất để có nguồn thu bền vững và chỉ chăm chăm vào cơ sở hạ tầng để phục vụ việc nâng giá đất? Hai bài trên số báo này được TBKTSG đăng tải như những ý kiến ban đầu về đề tài này. Chúng tôi sẵn sàng đăng tải các ý kiến với những góc nhìn khác.

>>> “Mở ngoặc” cho Đà Nẵng

Trong hơn 10 năm qua Đà Nẵng đã làm một cuộc thay đổi diện mạo theo nghĩa đen, khó hình dung hết tầm vóc, kéo theo cả mặt được và không được, của cuộc đổi thay này. Dân số Đà Nẵng chỉ 800.000 người nhưng theo báo cáo chưa đầy đủ thì hơn 10 năm qua Đà Nẵng đã giải tỏa và tái định cư cho gần 150.000 hộ. Cứ mỗi hộ trung bình năm người coi như gần hết người dân Đà Nẵng từ miền biển đến miền núi đều đã thay đổi chỗ ở, mua bán đất, mua bán nhà rồi xây dựng nhà cửa. Bản thân cuộc dịch chuyển vô tiền khoáng hậu này liệu có ích lợi gì và tạo ra thêm của cải nào cho xã hội không? Có thể nói đây là câu hỏi không chỉ của riêng Đà Nẵng mà còn là của nước ta sau cơn say đầu tư vào bất động sản vừa qua.

Nói được hay không được, đều được!

Lúc Đà Nẵng đang phơi phới trên đỉnh cao của giấc mơ khai thác quỹ đất, các địa phương cả nước ùn ùn kéo về học tập và cũng mong muốn làm được như Đà Nẵng. Nhưng hầu như không nơi nào áp dụng được. Đoàn nào về, Đà Nẵng cũng đón tiếp và minh bạch cách làm, nào là đặt lợi ích người dân lên trên, giá đất tái định cư cho hộ giải tỏa thấp hơn thị trường nhiều lần, cho dân bị giải tỏa nợ tiền đất 10 năm; nào là thành lập các ban giải tỏa đền bù cho từng khu vực, đội ngũ cán bộ liêm chính… Năm 2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu khi về thăm Đà Nẵng rằng Đà Nẵng có nhiều kinh nghiệm hay để Hà Nội học; nhưng rồi Hà Nội vẫn không áp dụng được gì. Quả thật cả nước chỉ mỗi mình Đà Nẵng chộp được cơ hội bong bóng bất động sản và đã kịp tận dụng nó để làm được nhiều điều mà nếu không, khi cơ hội qua không biết bao giờ mới có thể lặp lại.

Trong khi Hà Nội, hay TPHCM đất sốt hơn nhiều lần nhưng Nhà nước không khai thác được mấy đồng thì Đà Nẵng làm được khá nhiều việc từ đồng tiền thu từ đất đai.

Cũng sốt đất; đất vườn, đất ngoại ô sình lầy hay cát bãi bỏng chân; qua đêm đến sáng bỗng tăng lên chục lần, rồi hàng trăm lần. Người người lao vào mua bán kinh doanh bất động sản. Trong khi Hà Nội, hay TPHCM đất sốt hơn nhiều lần nhưng Nhà nước không khai thác được mấy đồng thì Đà Nẵng làm được khá nhiều việc từ đồng tiền thu từ đất đai.

Nhờ chính sách khai thác quỹ đất theo vệt 25 mét hai bên những con đường mới; và cũng nhờ vào cơn say bất động sản trên toàn quốc nên đất Đà Nẵng lên giá từng ngày, người dân bị giải tỏa được đền 1-2 lô đến 5-10 lô tùy vào đất bị giải tỏa, tuy được đền thấp nhưng lô đất mới khi có đường chạy qua giá cao ngất ngưởng nên ai cũng thấy lợi. Nói cho chính xác, Đà Nẵng đã gặp may khi khai thác quỹ đất vào đúng lúc đất sốt hầm hập. Thành phố cũng lợi mà dân cũng lãi nên tất cả đều vui vẻ.

Hiệu quả hay không hiệu quả?

Nhiều người bảo Đà Nẵng đã không biết dùng số tiền khai thác quỹ đất một cách hiệu quả, như đưa vào sản xuất chẳng hạn thì sẽ có nguồn thu lâu dài hơn nhiều. Nhưng ai cũng biết những năm qua do lợi nhuận quá cao từ đất đai nên mọi hướng đầu tư vào sản xuất đều rơi vào thua lỗ do không đáp ứng nổi lãi suất ngân hàng. Lẽ ra cùng với những khoản tiền bỏ vào xây dựng cơ sở hạ tầng, Đà Nẵng có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp thâm dụng lao động dịch chuyển cơ sở sản xuất từ TPHCM hay từ Hà Nội về đây, có lẽ tình hình đã khác. Cũng có thể lợi nhuận từ đất đai đã làm các doanh nghiệp địa phương lơ là việc sản xuất kinh doanh vốn không đem lại lợi nhuận nhanh chóng bằng. 

Tuy nhiên, cái còn lại sau những năm sốt đất đó là không nhỏ. Không chỉ những cây cầu, mặc dù chính nhờ những cây cầu mà diện tích đất đô thị Đà Nẵng mở rộng ra gấp nhiều lần so với đô thị cũ; Đà Nẵng còn có những bệnh viện mới, trường học mới và đặc biệt 7.000 căn hộ chung cư như phát không cho người dân vào ở. Theo chúng tôi, công trình to lớn và ý nghĩa nhất của Đà Nẵng chính là chỗ này, 7.000 căn hộ chung cư cho người thu nhập thấp thuê giá rẻ, chỉ hơn 300.000 đồng/tháng. Rồi bệnh viện ung thư đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nhất nhì cả nước, miễn phí 100% cho dân nghèo, bệnh viện 600 giường, chính sách thu hút nhân tài, hỗ trợ trường chuyên Lê Quý Đôn… đâu phải là chuyện dễ mà có được. Tất cả từ đất đai ra chứ đâu! Mặc dù vung tay quá trán, ngân sách để nuôi các công trình này đang là gánh nặng cho địa phương nhưng phải thừa nhận rằng đó là những đầu tư nền tảng, cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ lại chính những người dân đã hy sinh một phần đất đai của mình cho sự phát triển.

Đà Nẵng đã trả giá cho sự phát triển thiếu bền vững chưa?

Chúng ta còn nhớ những năm sau năm 2.000, khi du khách đổ về Hội An, Huế ngày càng nhiều thì Đà Nẵng chỉ có dưới 1.000 phòng khách sạn nhưng không khai thác hết. Nhiều người nói Đà Nẵng như cái cửa ngõ, nhờ có sân bay, để du khách đến Hội An và Huế. Không ai ngủ lại Đà Nẵng và cũng không biết chơi gì ở Đà Nẵng.

Nay thì đã khác, Đà Nẵng trở thành điểm đến, và trở lại, của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê của ngành du lịch Đà Nẵng, tổng số phòng khách sạn của Đà Nẵng đã lên trên con số 11.500 phòng (trong đó 50% phòng thuộc khách sạn 3-5 sao). Hạ tầng du lịch tốt nên lượng du khách đổ về thành phố này cũng tăng cao, nhờ vậy tổng thu nhập từ các hoạt động du lịch của địa phương này trong sáu tháng đầu năm đạt trên 3.600 tỉ đồng. Điều đó nhờ đâu nếu không nói nhờ chính vào những cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị thoáng mát sạch đẹp do khai thác từ quỹ đất? Hãy hình dung một Đà Nẵng mà không có những chiếc cầu, vẫn những làng chài nhà chồ cắm chân trên sông chiếm hết nguyên một bờ sông Hàn, không có khu du lịch Bà Nà, Sơn Trà vẫn là những bãi biển hoang vu thì du khách đến Đà Nẵng làm gì ngoài chuyện tắm biển. Mà biển thì Việt Nam đâu không có?

Tóm lại, để Đà Nẵng phát triển bền vững, thành phố này đã tạo dựng được bước đầu cho một cơ sở hạ tầng tốt, nhất là để phục vụ cho ngành công nghiệp du lịch. Vấn đề là biến khó khăn do đất đai đóng băng gây ra hiện nay để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên nền cơ sở hạ tầng có sẵn. Nhìn như vậy, Đà Nẵng vẫn còn những lợi thế mà địa phương khác chưa làm xong.

Vì sao Đà Nẵng có ít dự án công nghiệp, sản xuất lớn?

Vài năm trước, Đà Nẵng đã từ chối một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp như dự án sản xuất giấy, thép. Các dự án này đều có giá trị đầu tư lên tới hàng tỉ đô la Mỹ với lý do chính là nhằm bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

“Cái dở thứ nhất của du lịch là khi lựa chọn thì anh phải từ chối ngành công nghiệp nặng hay những ngành có ảnh hưởng tới môi trường vì chúng loại trừ lẫn nhau. Cái dở thứ hai của du lịch là nó không hỗ trợ tốt cho ngân sách địa phương. Nó tạo việc làm, nguồn thu thuế nhưng không lớn. Có những nguồn thu từ du lịch nếu chính sách quản lý thuế lỏng lẻo doanh nghiệp có thể lách. Trong khi đó, với một thị trường du lịch chưa đủ lớn, lại tập trung ở phân khúc bình dân, khách đến đông nhưng doanh thu lại không nhiều nên thuế từ du lịch của Đà Nẵng không cao”, Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên nhóm khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Quả thực, nhiều năm qua Đà Nẵng đã dành ưu tiên hàng đầu cho các nhà đầu tư du lịch và bất động sản. Vì vậy, cả về chiến lược và điều hành, những ấn tượng mà Đà Nẵng tạo ra luôn khiến người ta nhớ tới sự gắn bó với đất.

Đó là một trong những lý do khiến Đà Nẵng tuy có danh tiếng về môi trường đầu tư, nhiều năm đứng trong tốp đầu về năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh, nhưng lại ít thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến. Nhắc đến Quảng Nam người ta biết Trường Hải, Khánh Hòa có Yến Sào, Hapaco, Bình Định có cụm doanh nghiệp gỗ, nhưng Đà Nẵng thì chưa có tên tuổi nào nổi bật, dù ở đây cũng có nhà máy dệt may, da giày, bia… Nhìn tổng thể, Đà Nẵng chưa có những sản phẩm công nghiệp đặc thù, doanh nghiệp sản xuất lớn để tạo ra nguồn thu lớn và bền vững cho ngân sách địa phương.

Chia sẻ qua điện thoại, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, lý giải rằng lãnh đạo thành phố đã gặp rất nhiều nhà đầu tư từ mọi nơi chứ không phải không gặp. Song “một nhà đầu tư công nghiệp sản xuất lớn cần hạ tầng, lao động, thị trường, sự tiện lợi trong vận chuyển. Đà Nẵng đã có hạ tầng và lao động, cộng với chính sách cởi mở, nhưng thị trường và vận chuyển quốc tế thì chưa”, ông Minh nói. Và ông cũng giải thích thêm là “chúng tôi đã gặp nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật, Đài Loan, nhưng qua khảo sát cho thấy thị trường địa phương Đà Nẵng và các tỉnh lân cận sức mua khá thấp, còn quá nhỏ. Trong khi việc vận chuyển từ Đà Nẵng đi quốc tế có thể qua cảng nhưng vì hàng hóa còn ít nên doanh nghiệp thường phải đợi đủ hàng mới có thể xuất, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao và doanh nghiệp khó chủ động về kế hoạch”.

Bên cạnh đó, theo một chuyên gia khác, trong thời gian dài, khi nguồn thu từ đất, các dự án du lịch vào quá nhanh và thu quá dễ dàng nên người điều hành đã không chú trọng nhiều đến việc chuẩn bị nguồn thu cho tương lai thông qua nhóm đầu tư sản xuất bền vững. Đà Nẵng thực sự chưa lôi kéo, quy hoạch và mời gọi quyết liệt những nhà đầu tư ngoài lĩnh vực du lịch và bất động sản.

Hồng Phúc

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới