Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu một “đầu tàu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu một “đầu tàu”

Nguyễn Hoàng Ly (*)

Tại thị trường Việt Nam, những cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng vẫn chưa nhiều. Ảnh: Lê Toàn.

(TBVTSG) – Các chuyên gia ngành tài chính đánh giá rằng với những lợi thế hiện có như dân số trẻ, hạ tầng công nghệ thông tin (Internet và Mobile) sẵn sàng, dịch vụ ngân hàng đa dạng, người dân đang dần có thói quen sử dụng thẻ ATM trong đời sống hằng ngày… thì sự phát triển của giao dịch điện tử ở Việt Nam sẽ khá thuận lợi. Thế nhưng thương mại điện tử dù đã ra đời gần 10 năm đến nay vẫn chưa có những sự phát triển đột phá; vậy đâu là nguyên nhân của sự “trễ hẹn” này?

Các mô hình kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam được đánh giá là khá đa dạng và theo sát xu hướng phát triển trên thế giới. Người tiêu dùng có thể tìm được rất nhiều mặt hàng, từ thời trang (http://todayfashion.com.vn/eshop/) đến những mặt hàng đặc thù như thiết bị cơ khí (http://tudonghoa24.com/index.php), từ sản phẩm giải trí (http://www.ephim24g.net/) đến dịch vụ đào tạo (http://www.bom.edu.vn/portal/)… nhưng lượng giao dịch vẫn chưa cao.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang chờ đợi sự tiếp nhận của người tiêu dùng rồi mới phát triển mạnh, ngược lại người tiêu dùng cũng chờ đợi các doanh nghiệp giải quyết những bài toán cốt lõi để tạo lòng tin cho họ.

Câu chuyện “con gà và quả trứng” này đã tồn tại suốt một thời gian dài và góp phần làm nên sự bất tương xứng giữa tiềm năng thị trường lớn với thực trạng thương mại điện tử hiện nay.

Đâu là bài toán cốt lõi?

Thương mại điện tử được hình thành đầu tiên tại Mỹ và lan tỏa khắp thế giới nhằm giải quyết nhu cầu cốt lõi của người tiêu dùng: tìm kiếm nhanh chóng hàng hóa từ khắp mọi nơi, mua ngay lập tức và giá rẻ. eBay là nơi mà một người sống tại New York có thể tìm thấy, đấu giá và mua lại một món đồ cổ của một người khác ở tận London, cách nhau nửa vòng trái đất. Amazon là nơi khách hàng có thể luôn yên tâm là họ sẽ mua được bất kỳ thứ gì với giá rẻ hơn 10-20% giá họ sẽ phải trả tại các siêu thị.

Bạn có thể được giới thiệu một trang web thương mại điện tử qua tất cả các phương tiện truyền thông, thế nhưng khi bạn vào đó, điều kiện gì là tiên quyết để bạn mua hàng tại đó? Có lẽ cũng không ngoài các yếu tố: hàng hóa đa dạng, mua bán ngay và giá rẻ bất ngờ.

Thế nhưng tại Việt Nam, việc giải quyết bài toán cơ bản này còn gặp nhiều trắc trở, không đơn giản chút nào. Nhiều trang web thương mại điện tử kết nối người mua và người bán, nhưng sau đó họ lại phải hẹn gặp nhau trực tiếp để thanh toán giao dịch, do đó phương thức kinh doanh này vẫn bị giới hạn về địa lý, không gian và thời gian. Một trong những nguyên nhân là hạ tầng thanh toán chưa phát triển hoàn thiện để đáp ứng được nhu cầu của thương mại điện tử.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thương mại điện tử chưa có doanh số cao nên ngại khuyến mãi và đầu tư đầy đủ, bài bản cho hệ thống giao nhận, xử lý khiếu kiện, cam kết với khách hàng. Việc đầu tư không đầy đủ cũng làm chất lượng dịch vụ giảm đi, giá cả cao lên, và do đó lại càng không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, doanh số lại giảm xuống. Cái vòng luẩn quẩn này đã, đang và sẽ còn tiếp diễn cho đến khi có sự thay đổi thật sự trong chiến lược tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Do lịch sử hình thành và những yếu tố đặc thù mà thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang gặp khó khăn khi giải quyết bài toán nói trên. Hạ tầng thanh toán điện tử tại Việt Nam đang được phát triển đồng loạt nhưng chưa đồng bộ.

Tại Mỹ, từ thập niên 1970, hệ thống ngân hàng đã phát triển và hoàn thiện qua nhiều giai đoạn: séc, ATM, POS…. Đến thập niên 1980 thì hệ thống thẻ tín dụng bắt đầu phát triển mạnh. Những năm 1990 là giai đoạn của Internet Banking, điểm chấp nhận thẻ tín dụng qua mạng và các công ty trung gian thanh toán điện tử như PayPal, C2it, PayDirect… Như vậy, hạ tầng thanh toán ở Mỹ có thể nói đã phát triển theo giai đoạn và trải qua thời gian ba thập kỷ mới đến giai đoạn hoàn thiện như hiện nay.

Cần một doanh nghiệp “đầu tàu”

Tại Việt Nam, hệ thống chuyển mạch liên ngân hàng bắt đầu phát triển từ năm 2004 và đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đến nay, BankNet đã liên thông với Smartlink và VNBC để trở thành hệ thống chuyển mạch quốc gia. Tuy nhiên, xét theo góc độ phát triển thì có thể nói hạ tầng ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn phát triển, đến nay số ngân hàng có Internet Banking chưa nhiều.

Song song đó, hệ thống chấp nhận thẻ tín dụng cũng như các công ty trung gian thanh toán điện tử đang ở giai đoạn khởi đầu. Như vậy, chúng ta đang đồng loạt phát triển cả ba giai đoạn: ngân hàng điện tử, tín dụng điện tử và trung gian thanh toán điện tử. Đây cũng là một xu hướng tất yếu vì chúng ta không có thời gian 30 năm như Mỹ để phát triển theo từng giai đoạn. Đổi lại, sự phát triển đồng loạt này cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định trong việc đồng bộ hóa các hệ thống đang phát triển song song.

Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp đầu tàu nào có thể cam kết mang lại sản phẩm đa dạng với giá rẻ hơn nhiều so với thị trường truyền thống. Tại Trung Quốc, Alibaba đã ra đời để giải quyết bài toán B2B, kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp sản xuất để tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ nhất. Vì Trung Quốc là nhà máy của cả thế giới và cam kết hàng hóa giá rẻ là chiến lược hàng đầu nên Alibaba nhanh chóng trở thành nơi người ta có thể tìm được mọi mặt hàng với giá rẻ nhất. Qua đó, Alibaba đã phát triển vượt bậc và trở thành đầu tàu của thương mại điện tử tại Trung Quốc.

Ngày nay, Trung Quốc còn đang có ước mơ kết nối trực tiếp người sử dụng đến nhà sản xuất (thương mại điện tử hiện đang kết nối người sử dụng và người bán, xóa bớt trung gian). Nếu mô hình này có thể phát triển thì hàng hóa trong thương mại điện tử sẽ cực kỳ rẻ vì đi thẳng từ người sản xuất đến người sử dụng, xóa tuyệt đối tất cả trung gian.

Giải pháp từ việc liên minh

Thương mại điện tử không thể thật sự bùng nổ nếu chỉ đơn thuần dựa vào hoạt động giao tiếp công chúng và tiếp thị (PR/Marketing) của doanh nghiệp, hoặc do những kế hoạch thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thói quen tiêu dùng của chính phủ và các cơ quan chức năng đem lại. Tất cả những việc đó có thể giúp người dân làm quen với thương mại điện tử, nhưng có lẽ họ sẽ chỉ chính thức trở thành một online shopper (người mua hàng trên mạng) khi nào nhu cầu cốt lõi – cụ thể là tìm được hàng hóa đa dạng, chất lượng tốt, mua bán ngay và giá rẻ – được đáp ứng.

Điều mà thị trường đang cần, người tiêu dùng đang cần và doanh nghiệp đang cần chính là những liên minh nhằm phối hợp cùng nhau để tìm ra lời giải cho bài toán cốt lõi của thương mại điện tử: nhiều – rẻ – nhanh (nhiều hàng, giá rẻ, thanh toán nhanh).

Các hệ thống thanh toán điện tử đang phát triển song song nếu có thể liên minh thì sẽ nhanh chóng đồng bộ hóa để cung cấp cho thị trường một hạ tầng thanh toán điện tử hoàn thiện và xuyên suốt. Hạ tầng này sẽ kết nối tốt khách hàng, doanh nghiệp và ngân hàng để toàn bộ các giao dịch thương mại điện tử được thanh toán ngay lập tức và an toàn.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử liên minh sẽ tạo ra những chương trình khuyến mãi đa doanh nghiệp, mang lại quyền lợi lớn hơn cho khách hàng (cùng một lúc hưởng nhiều khoản khuyến mãi từ các doanh nghiệp khác nhau) và cũng chia sẻ chi phí khuyến mãi. Khi đó, giấc mơ “giá luôn luôn rẻ bất ngờ trên mạng” sẽ thành hiện thực và người tiêu dùng sẽ đến với thương mại điện tử một cách tự nhiên và đương nhiên.

_______________________________________

(*) Ông Nguyễn Hoàng Ly hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), chủ sở hữu ví điện tử Payoo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới