Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu nước làm sao có lúa!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu nước làm sao có lúa!

Thiếu nước thì sẽ không còn những cánh đồng lúa xanh mát như thế này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG) – Hôm nay (28-7), tại Cần Thơ, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam và trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo “Thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông đến sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long” (*) . Chủ trì hội thảo này, TS. DƯƠNG VĂN NI, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Hòa An (Đại học Cần Thơ), đã gửi TBKTSG suy nghĩ của mình về nguồn nước trong nền kinh tế lúa nước.

Lớp người tuổi sồn sồn hiện nay khi có dịp ngồi lại với nhau thường hay nhắc đến những kỷ niệm đi làm thủy lợi. Mà đúng vậy, khi nói đến phát triển nông nghiệp thì nước là thứ cần phải tính đến trước tiên. Chẳng phải ông bà ngày xưa đã từng dặn dò “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đó sao?

Nhìn lại quãng thời gian gần hai chục năm sau ngày giải phóng đất nước, cả xã hội gần như dốc hết sức lực cho việc làm thủy lợi. Phát triển thủy lợi lúc này là tập trung cho việc đào mương, xẻ kênh, xây trạm bơm. Nhiều công trình kênh mương vẫn còn phát huy tác dụng tưới – tiêu cho đến ngày hôm nay. Mặc dù phần lớn hệ thống kênh mương này đã được lấp lại để lấy đất trồng lúa.

Nhưng cũng gần hai chục năm tiếp theo sau đó thì việc phát triển thủy lợi lại chuyển thành một hướng khác, đó là đắp đê và xây cống – đập. Ở vùng ven biển thì đó là những hệ thống đê – cống ngăn nước mặn; ở vùng ngập sâu là đê lửng hay đê bao khép kín để ngăn nước nổi.

Dù kênh, mương, trạm bơm hay đê, đập, cống bọng thì tất cả việc đầu tư này đều có mục tiêu chung là để sản xuất lúa.

Người dân vẫn còn xem nước là thứ “trời cho” và không bao giờ thiếu; các cấp chính quyền thì quan tâm nhiều hơn khi thấy nước quá nhiều gây ra lụt lội, sạt lở cầu đường. Vì vậy, nguồn nước đã bị mọi người hắt hủi và đối xử thậm tệ trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu.

Công sức của toàn xã hội cũng đã được đền đáp xứng đáng. Sản lượng lúa của Việt Nam không ngừng tăng lên, biến một quốc gia ngấp nghé thiếu ăn thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới.

Khi nông dân trúng mùa lại được giá lúa thì cũng là lúc mà tất cả các hoạt động của xã hội bắt đầu khởi sắc, từ người làm ăn nhỏ lẻ như đan đệm, dệt chiếu đến các nhà máy chế tạo máy bơm, máy cày, phân bón, thuốc trừ sâu.

Ngay cả những người buôn bán trôi nổi trên những chiếc ghe “chà vải” cho đến các siêu thị trong thành phố, đâu đâu cũng thấy cảnh mua bán nhộn nhịp do nông dân bán lúa nên có “đồng vô, đồng ra”. Nhà cửa cũng được sửa sang xây mới, thậm chí những cái mả ngoài đồng cũng được quét vôi hay ốp mới gạch men. Ngân hàng nông nghiệp cũng thở phào nhẹ nhõm vì không có nhiều “nợ khó đòi”. Quả là một nền kinh tế nhờ vào cây lúa.

Nói ra điều này để chúng ta cùng nhìn lại xem mình đã “lo” được gì cho cây lúa trước tình hình nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng hiện nay? Vì nếu thiếu nước thì làm sao có lúa?

Người dân vẫn còn xem nước là thứ “trời cho” và không bao giờ thiếu; các cấp chính quyền thì quan tâm nhiều hơn khi thấy nước quá nhiều gây ra lụt lội, sạt lở cầu đường. Chỉ trong khu vực ĐBSCL, có tỉnh thì đang nỗ lực ngăn chặn nước để thâm canh tăng vụ lúa – màu trong mùa mưa; có tỉnh lại dốc sức cho việc xả nước nhằm tiêu úng, xổ phèn. Nhiều cơ quan ở trung ương còn xem nước là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL.

Vì vậy, nguồn nước đã bị mọi người hắt hủi và đối xử thậm tệ trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. Người dân thì tuồn rác rưởi, phân heo gà, súc vật chết xuống sông; doanh nghiệp thì tìm mọi cách đặt ống chìm ống giả để lén xả thải ra sông; hệ thống cống thu gom nước thải của các thành phố và khu dân cư cũng xả thẳng ra sông; những nơi mà nguồn nước vốn được “đi”, được “ở” trước đây thì nay đã bị “cấm” bằng vô vàn cống – đập, đê bao, thủy điện lớn nhỏ.

Là quốc gia nằm ở cuối nguồn, chuyện con người “sống chung với nước” là điều tất nhiên. Vậy mà chúng ta còn đối xử tàn tệ với “người bạn đời nước” như vậy thì trách sao được với mấy ông láng giềng? Họ chỉ biết “xài” nước chứ chưa bao giờ quan tâm chuyện “sống” với nước.

Có lẽ chúng ta cần bắt đầu từ chuyện giảm dần khoảng cách khác biệt trong cách nhìn nhận vai trò và chức năng của nguồn nước bằng những cuộc đối thoại như cuộc đối thoại đầu tiên mang tên “Thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông đến sinh thái của đồng bằng sông Cửu Long” tại Cần Thơ. Để dù miền Bắc gọi là “nước lũ” hay miền Nam gọi là “nước nổi” thì nó cũng chỉ là nguồn nước, nó cần được gìn giữ và khai thác hợp lý; để cái “sợ” của người dân khi không có nước cũng lớn như các cấp chính quyền “sợ” có quá nhiều nước; để mọi người hiểu là lượng nước chúng ta dùng để tẩy rửa đồng ruộng, ao hồ nhiều hơn và quan trọng hơn gấp hàng chục lần lượng nước dùng để sản xuất, nếu không có nước để tẩy rửa môi trường hàng năm thì nông sản không thể có chất lượng cạnh tranh. Và trên hết, mọi người cần xem nguồn nước như là dòng máu nóng đang nuôi dưỡng nền kinh tế của chúng ta.

Kỳ vọng của chúng ta qua những cuộc đối thoại này, là dù ở góc quán cà phê hay trên những diễn đàn quốc tế, mọi người Việt Nam đều xem nước là quan trọng nhất, vì trong ngôn ngữ của mình, nước còn có nghĩa là quốc gia.

_______________________________________

(*) Mời xem thêm bài tường thuật về hội thảo này trên www.thesaigontimes.vn.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tạm dừng xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông

* Lào thông báo hoãn xây đập

Ngày 22-7, tại Bali, Indonesia, bộ trưởng các quốc gia ở vùng hạ lưu vực Mêkông gồm Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam họp với ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong Sáng kiến Hạ lưu Mêkông. Sáng kiến này bắt đầu từ hai năm trước để tạo điều kiện hợp tác thường xuyên và hiệu quả hơn giữa các quốc gia vùng hạ lưu Mêkông và Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Clinton nhấn mạnh về các đập mới trên dòng chính Mêkông. Bà nói: “Đây là một vấn đề hệ trọng đối với tất cả các quốc gia chia sẻ dòng sông Mêkông, bởi vì nếu bất cứ quốc gia nào xây một đập thì tất cả các quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái môi trường, các thách thức về an ninh lương thực, và các tác động lên cộng đồng. Tôi muốn đề xuất tất cả các bên hãy tạm dừng bất cứ dự định nào về việc xây dựng các đập mới cho đến khi chúng ta có một đánh giá tốt hơn về các hệ quả có thể có”.

* Trong cuộc họp báo ngày 22-7 tại Bali, ông Kurt M. Campbell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, thông báo với các bộ trưởng các quốc gia vùng hạ lưu Mêkông là Lào đã thông báo vào cùng ngày là họ sẽ hoãn các hoạt động xây dựng đập. Ông Campbell cho rằng đó là một thành công lớn của cuộc họp. Cũng theo ông Campbell, bà Clinton và tất cả các bên chính trong cuộc họp đã hoan nghênh Lào về động thái này. Và ông nói rằng Mỹ sẽ tiến hành một loạt các dự án với Lào để xác định những hệ quả của công trình trên dòng chính Mêkông ở vùng hạ lưu.

Hữu Thiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới