Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu than, công nghiệp kim loại Ấn Độ tăng tốc chuyển sang năng lượng xanh

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các nhà sản xuất kim loại của Ấn Độ đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo trong bối cảnh cuộc khủng hoảng than dẫn đến nguồn cung bị hạn chế và giá nhiên liệu hóa thạch tăng lên mức cao ngất ngưởng, theo Công ty đầu tư năng lượng tái tạo Greenko Energy Holdings, có trụ sở ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ.

Greenko Energy Holdings (gọi tắt là Greenko), được Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC hậu thuẫn, là một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ. Đầu tháng này, Greenko đã ký thỏa thuận với Công ty Hindalco Industries, một nhà luyện nhôm và đồng lớn, để cung cấp điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, cho nhà máy luyện nhôm ở bang Odisha của công ty này trong thời gian 25 năm.

Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác để phát triển dự án điện tái tạo (năng lượng mặt trời và gió) với công suất khoảng 350-400 MW. Dự án sẽ giúp Hindalco Industries giảm phát thải carbon 680.000 tấn mỗi năm.

Greenko đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Hindalco Industries, một nhà luyện nhôm và đồng lớn ở Ấn Độ, để phát triển dự án điện gió và điện mặt trời cung cấp năng lượng sạch cho nhà máy luyện nhôm của Hindalco Industries. Ảnh: biznewsodisha

Trước đó, hồi tháng 3, Greenko đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với ArcelorMittal (Luxembourg), nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, để phát triển dự án cung cấp năng lượng phi carbon cho Công ty thép ArcelorMittal Nippon Steel India (AM/NS India), liên doanh của ArcelorMittal ở Ấn Độ.

Hai bên sẽ hợp tác để xây dựng một dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió có công suất 975 MW ở bang Andhra Pradesh. Dự án có vốn đầu tư 600 triệu đô la sẽ do ArcelorMittal sở hữu và tài trợ.

Đây là dự án có thể cung cấp năng lượng tái tạo liên tục nhờ công nghệ bơm thủy điện trữ năng lượng của Greenko. Công nghệ bơm thủy điện, hay còn gọi là thủy điện tích năng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo dư thừa vào thời gian thấp điểm để bơm nước từ bể thấp lên bể cao, sau đó, xả nước xuống qua các tuốc-bin để phát điện vào thời điểm nhu cầu cao. AM / NS India sẽ ký thỏa thuận thời hạn 25 năm với ArcelorMittal để mua 250 MW điện tái tạo hàng năm từ dự án trên.

Nhờ dự án này, hơn 20% nhu cầu điện tại nhà máy Hazira thép của AM / NS India sẽ đến từ các nguồn tái tạo, giúp giảm lượng khí thải carbon khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm.

Dự án mang lại cho AM / NS India lợi ích kép là chi phí điện thấp hơn và lượng khí thải carbon thấp hơn, đồng thời nó cũng mang lại lợi tức đầu tư hấp dẫn cho ArcelorMittal.

Mahesh Kolli, người đồng sáng lập Greenko tiết lộ hiện công ty ông đang đàm phán với một số nhà sản xuất kim loại khác ở Ấn Độ để cung cấp năng lượng sạch liên tục cho họ.

Cuộc khủng hoảng than là một yếu tố lớn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Kolli cho biết trong một cuộc phỏng vấn. Ông nói, ngành công nghiệp kim loại ở Ấn Độ sẵn sàng đầu tư vào năng lượng tái tạo và xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời, cung cấp thêm một nguồn vốn đầu tư lớn cho năng lượng sạch.

Ấn Độ đang thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng thiếu điện nghiệm trọng sau một mùa hè nóng gay gắt nhưng sự hồi sinh của ngành công nghiệp sau đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhu cầu điện, khiến nguồn cung than trong nước không đáp ứng đủ. Vì vậy, một số nhà sản xuất kim loại đang lùng sục các thị trường toàn cầu để tìm nguồn cung than, vốn đang giao dịch với giá cao gần mức kỷ lục.

Chi phí than tăng đã làm giảm lợi nhuận của một số nhà máy lớn nhất ở Ấn Độ vào thời điểm giá hàng hóa nguyên liệu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Hiện, các nhà máy này đang tìm các phương án để giảm thiểu sự phụ thuộc vào than đá và họ nhận thấy năng lượng tái tạo là sự thay thế hấp dẫn.

“Chúng tôi đang bán nguồn năng lượng không có carbon với giá cố định trong 25 năm tới. Vì vậy, khi giá năng lượng tái tạo tăng lên, khách hàng của chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều”, Kolli nói.

Được thành lập vào năm 2004, Greenko đã phát triển các dự án năng lượng mặt trời, gió và thủy điện với công suất hoạt động 7,5 GW trên khắp 15 bang của Ấn Độ. Ngoài GIC, các nhà đầu tư lớn của Greenko còn bao gồm Cơ quan đầu tư Abu Dhabi (quỹ đầu tư của quyền của Tiểu vương quốc Abu Dhabi thuộc Các Tiểu vương quốc Arab thông nhất) và Tập đoàn Orix của Nhật Bản.

Greenko sử dụng công nghệ lưu trữ điện dựa vào bơm thủy điện để đảm bảo cung cấp năng lượng tái tạo suốt ngày đêm cho các nhà máy. Không giống như châu Âu và Mỹ, nơi có chi phí lưu trữ điện năng cao, các nhà phát triển năng lượng tại ở Ấn Độ đã đi theo mô hình trữ năng lượng tương tự như Trung Quốc.

Greenko kỳ vọng sẽ được hưởng lợi khi thị trường năng lượng tái tạo của Ấn Độ phát triển hơn nữa nhờ tiến trình phi carbon hóa trong ngành công nghiệp diễn ra nhanh chóng. Hiện tại, thị trường năng lượng tái tạo của Ấn Độ bị chi phối bởi các công ty điện lực do nhà nước điều hành vì chính phủ yêu cầu họ phải mua một tỷ lệ điện sạch nhất định.

Để thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải carbon trong ngành công nghiệp, Bộ Điện lực Ấn Độ đã thay đổi các quy tắc để cho phép những khách hàng công nghiệp tiêu thụ nhiều điện mua điện sạch trực tiếp từ nhà cung cấp mà họ lựa chọn, thay vì phải trả phí cao khi mua từ các công ty điện lực nhà nước.

Kolli cho biết: “Quá trình phi carbon hóa trong công nghiệp không đặt các nghĩa vụ mua điện sạch lên các công ty điện lực nhà nước sẽ mở ra cơ hội có quy mô lớn gấp 4-5 lần đối với năng lượng tái tạo”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới