Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu trầm trọng nhân lực du lịch trình độ đại học

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu trầm trọng nhân lực du lịch trình độ đại học

Thoa Nguyễn

(TBKTSG Online) – Nguồn lao động có trình độ đại học và sau đại học làm việc trong ngành du lịch chỉ chiếm hơn 3% tổng số lao động toàn ngành; trong khi đó số lao động chưa tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm 30%.

Đó là một trong những bất cập lớn nhất về nguồn lực lao động trong ngành du lịch Việt Nam, dù mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ luôn được các trường đào tạo và doanh nghiệp đặt trong chỉ tiêu phát triển của mình – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho biết như vậy tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo nhu cầu xã hội” được tổ chức mới đây.

Tuy nhiên, ông Trần Chiến Thắng cũng cho rằng, số lượng lao động du lịch phải đào tạo lại và bồi dưỡng rất lớn nhưng các trung tâm đào tạo ở doanh nghiệp, các lớp đào tạo lại chưa theo kịp nhu cầu. Một số khoá đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ công chức thiên về đào tạo chứng chỉ, nhằm mục tiêu có chứng chỉ xét bổ nhiệm vào ngạch lương, nâng ngạch, chứ chưa chú trọng đến chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là các khách sạn nhà hàng, thường xuyên tuyển lao động phổ thông vào làm việc, chưa có kỹ năng nghề, nhưng không quan tâm đào tạo tại chỗ.

Ông Mai Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Du lịch Hà Nội cho biết, một khảo sát cho thấy có tới 45% hướng dẫn viên du lịch và điều hành tour không đạt chuẩn tiếng Anh cần thiết cho nghề nghiệp của mình. Tỷ lệ này ở nhân viên lễ tân là gần 70%, và 85% là ở nhân viên nhà hàng.

Tại TPHCM, con số này cũng không khả quan. Nguồn nhân lực hoạt động trong ngành cũng không có nhiều vượt trội khi phần lớn chưa thông qua đào tạo chính quy trong nghiệp vụ chuyên môn lẫn trong quản lý điều hành, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM cho biết.

Trong kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành du lịch sắp tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ cho phép các cơ sở đào tạo về du lịch mở một số chuyên ngành phù hợp, đáp ứng đòi hỏi thực tế với các mã ngành ngoài mã ngành đào tạo Việt Nam học. Chương trình đào tạo của các chuyên ngành có thể linh hoạt thay đổi yêu cầu theo xã hội.; đưa mã ngành Du lịch vào các cấp đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học sau đại học…

Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, năm 2010, ngành du lịch cần khoảng 1,4 triệu lao động. Trong đó, lao động trực tiếp khoảng 350.000 người; lao động nghiệp vụ (lễ tân, hướng dẫn viên, nhân viên bàn – bar – buồng…) chiếm số lượng lớn nhất, khoảng hơn 308.000 người vào năm 2010 và hơn 467.000 người vào năm 2015. Giai đoạn 2010-2015, nhân lực du lịch tăng bình quân mỗi năm khoảng 8%. Đến 2020, sẽ cần 870.000 lao động trực tiếp; giai đoạn 2016-2020, nhân lực ngành này tăng bình quân khoảng 7%.

Về lực lượng lao động gián tiếp, tính đến năm 2015 cần đến 1,5 đến 1,7 triệu lao động. Đến 2020, theo nhu cầu xã hội sẽ cần khoảng 2,2 – 2,5 triệu người.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới