Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thiếu trợ giúp từ Chính phủ, rất khó tăng trưởng xanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thiếu trợ giúp từ Chính phủ, rất khó tăng trưởng xanh

T.Thu

Thiếu trợ giúp từ Chính phủ, rất khó tăng trưởng xanh
Điện gió NInh Thuận mời gọi đầu tư – Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Doanh nghiệp cho rằng, nếu Chính phủ không hỗ trợ, bảo đảm cho khoản đầu tư của họ thì rất khó thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Trong buổi hội thảo góp ý kiến hôm 15-3 cho Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2030 (phát triển carbon thấp) của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn KPMG, cho rằng đầu tư vào tăng trưởng xanh là đầu tư có tính rủi ro cao và có thời gian hoàn vốn dài.

Đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi có sự sáng tạo hoặc tính mới mẻ, vốn và thị trường. Tuy nhiên, khi đầu tư vào tăng trưởng xanh, chẳng hạn như tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường như vật liệu tái chế, thì chưa chắc thị trường đã quen dùng.

Do đó, ông Nam cho rằng Chính phủ nên tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển xanh, và có đảm bảo về hoàn vốn cũng như quyền lợi của nhà đầu tư để họ yên tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần vốn, như từ ngân hàng, các tổ chức,… do đó, Chính phủ cũng phải đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Theo ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành của Vietnam Holding Asset Management, nếu Chính phủ đóng vai trò là nhà cung cấp vốn thì doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia vào đầu tư cho tăng trưởng xanh.

Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp cho rằng, một trong những mô hình có thể khuyến khích phát triển xanh trên quy mô rộng là mô hình hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân (PPP). Mô hình PPP được xem là có thể gắn bó các nguồn lực trong nền kinh tế, như Chính phủ, người tiêu dùng, nhà tài trợ, các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo đảm cho các dự án xanh… Chính phủ có thể tạo điểu kiện cho các dự án PPP qua các hình thức ưu đãi như giảm thuế.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, hiện có một số trở ngại chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam chưa có chính sách đảm bảo đầu tư trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh, và chưa có dự án xanh nào thực hiện một cách hiệu quả. Để giải quyết các rào cản này, phải có chính sách minh bạch rõ ràng và hiệu quả hơn. Chính phủ cũng cần có hệ thống chuẩn để thẩm định và theo dõi để biết trong quá trình triển khai chiến lược để có giải pháp kịp thời.

Hiện có một số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện hoặc có kế hoạch đầu tư cho tăng trưởng xanh. Chẳng hạn như, trong ba năm nữa sẽ có khách sạn xanh của công ty Saigon Tourist, theo ông Nguyễn Quanh Vinh, Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam. Công ty Holcim cũng đưa ra các sản phẩm xanh và thực hiện dự án trạm phát điện tận dụng năng lượng nhiệt thải công suất 6,3 MW tại nhà máy xi măng Hòn Chông, tỉnh Kiên Giang.

Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam được xem là công cụ thúc đẩy quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xoá đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Chiến lược tăng trưởng xanh/phát triển carbon thấp được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành trung ương xây dựng.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới