(KTSG Online) – Từng bị xem là chuyện khoa học viễn tưởng nhưng thịt nuôi trồng trong phòng thí nghiệm có thể trở thành hiện thực vào đầu năm nay, khi được đưa vào thực đơn của một số nhà hàng ở Mỹ.
- Singapore cấp phép bán thịt gà sản xuất từ phòng thí nghiệm
- Vĩnh Hoàn lấn sâu vào thực phẩm nhân tạo
Thịt nuôi trồng trong các thùng thép khổng lồ có thể được đưa vào thực đơn của các nhà hàng ở Mỹ trong vài tháng tới sau khi một công ty trong ngành nhận được sự chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Thịt nuôi trồng được sản xuất bắt đầu từ một mẫu tế bào nhỏ lấy từ vật nuôi. Mẫu tế bào này được nuôi bằng chất dinh dưỡng trong các thùng thép khổng lồ gọi là lò phản ứng sinh học và được xử lý thành một sản phẩm như miếng thịt thật.
Singapore hiện là nước duy nhất cấp phép bán lẻ đối với thịt nuôi trồng và Mỹ sẵn sàng là nước tiếp theo. Hồi tháng 11 năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chứng nhận ức gà do Công ty công nghệ thực phẩm Upside Foods nuôi trồng trong phòng thí nghiệm là an toàn để tiêu thụ.
Upside Foods hy vọng sẽ đưa sản phẩm đến các nhà hàng vào năm 2023 và đến các cửa hàng thực phẩm vào năm 2028. Tuy nhiên, sản phẩm ức gà nuôi trồng của công ty này vẫn cần được Cục Thanh tra và an toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra và chứng nhận trên nhãn hàng.
Tại cơ sở sản xuất của công ty ở Emeryville, bang California, những nhân viên mặc áo khoác phòng thí nghiệm nhìn vào các màn hình cảm ứng để theo dõi những thùng thép khổng lồ chứa nước được hòa trộn các chất dinh dưỡng để nuôi tế bào ức gà.
Sau khi đạt đủ độ dày, thịt ức gà được thu hoạch và chế biến trong một căn phòng mà Giám đốc điều hành Uma Valeti gọi là “ngôi nhà không giết mổ”, nơi thịt được kiểm tra và thử nghiệm. Thịt gà nuôi trồng của công ty này có vị giống như thịt gà thông thường khi nấu chín nhưng có độ dày mỏng hơn một chút.
Upside Foods đã làm việc với FDA trong 4 năm trước khi được cơ quan này cấp chứng nhận an toàn vào tháng 11. “Đó là một thời điểm bước ngoặt đối với ngành công nghiệp thịt nuôi trồng”, Uma Valeti nói.
GOOD Meat, một công ty thịt nuôi trồng có trụ sở tại California cũng đã nộp đơn xin cấp chứng nhận an toàn và đang chờ FDA xử lý. Hai đối thủ khác là Mosa Meat (Hà Lan) và Believer Meats (Israel) cũng cho biết là đang đàm phán với FDA.
Các lãnh đạo của Upside Foods, Mosa Meat, Believer Meats và GOOD Meat cho biết, thủ tục xin cấp chứng nhận an toàn từ FDA chỉ là rào cản đầu tiên để thịt nuôi trồng có thể tiếp cận được với đông đảo người tiêu dùng.
Những doanh nghiệp này lưu ý, thách thức lớn nhất là phát triển chuỗi cung ứng về hỗn hợp dinh dưỡng mới để nuôi tế bào thịt cũng như lò phản ứng sinh học khổng lồ cần thiết để sản xuất thịt nuôi trồng với khối lượng lớn.
Hiện tại, năng lực sản xuất của doanh nghiệp có hạn. Cơ sở của Upside Foods có khả năng sản xuất 181 tấn thịt nuôi trồng mỗi năm, chỉ là một phần nhỏ so với 48 triệu tấn thịt gia súc và gia cầm thông thường được sản xuất tại Mỹ trong năm 2021, theo Viện thịt Bắc Mỹ.
Josh Tetrick, đồng sáng lập của GOOD Meat, cho biết nếu các công ty không thể có được nguồn vốn cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất thì sản phẩm sẽ không đạt được mức giá có thể cạnh tranh với thịt thông thường.
Theo dữ liệu của Viện Thực phẩm tốt (GFI), cho đến nay, lĩnh vực thịt nuôi trồng đã huy động được gần 2 tỉ đô la đầu tư trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tetrick cho biết chỉ riêng công ty ông là GOOD Meat sẽ cần đến hàng trăm triệu đô la Mỹ để xây dựng các lò phản ứng sinh học có kích thước khổng lồ nhằm sản xuất thịt nuôi trồng ở quy mô lớn.
Vốn đầu tư rót vào ngành cho đến nay chủ yếu đến từ các công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty thực phẩm lớn như JBS, Tyson Foods và Archer-Daniels-Midland.
Jordan Bar Am, đối tác tại hãng tư vấn quản lý McKinsey & Company, cho biết phần lớn số tiền đó đã được chuyển đến Mỹ, mục tiêu số một của các nhà sản xuất thịt nuôi trồng. Một số công ty đang mở rộng quy mô sản xuất tại Mỹ ngay cả trước khi sản phẩm được các cơ quan quản lý phê duyệt.
Giám đốc điều hành Believer Meats Nicole Johnson-Hoffman cho biết, công ty có kế hoạch xây dựng một cơ sở ở bang Bắc Carolina. Dự kiến, cơ sở này sẽ hoạt động vào đầu năm 2024, có thể sản xuất gần 10.000 tấn thịt mỗi năm. Trong khi đó, GOOD Meat có kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ở bang California và Singapore với tổng công suất lên tới 13.600 tấn thịt mỗi năm.
Liên minh châu Âu (EU) cùng với Israel và các nước khác cũng đang nghiên cứu các khung pháp lý đối với thịt nuôi trồng nhưng chưa phê duyệt bất cứ sản phẩm nào.
Các công ty thịt nuôi trồng dự định thuyết phục người tiêu dùng rằng sản phẩm này “xanh” hơn và đạo đức hơn so với vật nuôi thông thường, đồng thời cố gắng vượt qua ác cảm của một số người tiêu dùng đối với thịt nuôi trồng. Nhà sản xuất cho rằng, thịt nuôi trồng không liên quan đến giết mổ động vật, điều có thể giúp sản phẩm hấp dẫn những người tránh ăn thịt vì lý do đạo đức.
Một điểm thu hút khác là việc nuôi trồng thịt trong thùng thép thay vì trên cánh đồng có thể làm giảm tác động môi trường của vật nuôi, vốn chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải nhà kính của thế giới thông qua hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, phá rừng, quản lý phân thải và lên men đường ruột (ợ hơi của động vật), theo Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO).
Các công ty thịt nuôi trồng có lợi thế hơn so với các công ty thịt giả (làm từ các thành phần thực vật) ở chỗ là có thể khẳng định sản phẩm này là thịt thật.
Tuy nhiên, theo Janet Tomiyama, nhà tâm lý học sức khỏe tại Đại học California ở Los Angeles, người nghiên cứu chế độ ăn uống của con người, vẫn còn rất nhiều người “dị ứng” với thịt nuôi trồng.
Trong một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên Tạp chí Tâm lý môi trường, bà phát hiện, 35% người ăn thịt và 55% người ăn chay cho biết không muốn thử thịt nuôi trồng vì cảm thấy “ghê sợ”. Một số người có thể cho rằng thịt nuôi trồng là “không tự nhiên” và có thái độ tiêu cực về loại thịt này trước khi ăn thử.
Theo Reuters