Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thở dài nhìn vốn ngoại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thở dài nhìn vốn ngoại

Hồng Phúc

Thở dài nhìn vốn ngoại
Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 50 triệu đô la Mỹ nên chưa thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư quốc tế. Ảnh T.L

(TBKTSG) – Có nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn giải ngân 100-300 triệu đô la Mỹ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam trong 1-2 tháng nhưng chúng tôi đành từ chối vì chợ chứng khoán không có đủ hàng ngấm hết chừng đó tiền, kinh tế trưởng của Dragon Capital, ông Lê Anh Tuấn, nói.

Vì sao? Với room nước ngoài ở mức 49% thì tổng giá trị cổ phiếu (bất chấp tốt xấu) mà nhà đầu tư nước ngoài có thể mua trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện chỉ khoảng gần 6 tỉ đô la Mỹ (giá thị trường). Nếu chỉ xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa và thanh khoản để được vào VN30 thì nước ngoài chỉ có thể mua được tối đa là 3,1 tỉ đô la Mỹ.

Không riêng Dragon Capital, nhiều quỹ, công ty chứng khoán, tổ chức tư vấn và môi giới trên thị trường cổ phiếu Việt Nam rất sốt ruột vì thị trường thì thiếu tiền mà đành tiếc ngẩn ngơ nhìn các quỹ, nhà đầu tư lớn ngó nghiêng rồi đem tiền đi mất.

Thị trường cổ phiếu sao mãi tí hon?

Tại hội thảo “Vai trò của thị trường vốn trong tái cấu trúc nền kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức tại Quy Nhơn ngày 18-4, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch HOSE, cũng bày tỏ những băn khoăn nhiều năm của mình: “Năm 2013, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm gần 16% giá trị toàn thị trường. Đây chưa phải là mức cao nhất mà thị trường chứng khoán (TCCK) từng đạt được. Năm 2008, tỷ lệ này là 25% và những năm trước đó ở mức trên dưới 30%”. Việt Nam cần kéo đầu tư gián tiếp nước ngoài lại nhằm đạt được cơ cấu đầu tư bền vững, giữa trong nước và nước ngoài, giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.
Giai đoạn 2008-2013, tỷ trọng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài trong tổng số tài khoản nhà đầu tư chỉ từ 1-2% nhưng lại đóng góp khá lớn về giá trị giao dịch so với toàn thị trường, từ 15-18%. Tính chung trong các năm, nhà đầu tư nước ngoài đều ở trạng thái mua ròng, thể hiện mức độ quan tâm nhất định đến thị trường Việt Nam.

Các tổ chức đầu tư quốc tế lớn chỉ quan tâm và đầu tư khi thị trường có quy mô vốn hóa đủ lớn và giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên, trong khi giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ khoảng 50 triệu đô la Mỹ.

Sau giai đoạn phát triển nóng những năm 2006-2007, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK chững lại. Lý do lớn nhất theo ông Sinh là khả năng tiếp nhận đầu tư của TTCK còn yếu. Quy mô thị trường nhỏ đối với các nhà đầu tư quốc tế. Giá trị vốn hóa tại cả hai sàn giao dịch chứng khoán là hơn 45 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn nhiều so với các thị trường chứng khoán trong khu vực như Thái Lan (460 tỉ đô la Mỹ), Indonesia (427 tỉ đô la Mỹ), Philippines (186 tỉ đô la Mỹ). Các công ty lớn nhất của Việt Nam tại thời điểm hiện tại cũng chưa có vốn hóa vượt quá 5 tỉ đô la Mỹ so với mức trung bình khoảng 30 tỉ đô la Mỹ trong khu vực. Số lượng các công ty có vốn hóa lớn hơn 1 tỉ đô la Mỹ niêm yết tại HOSE là tám công ty trong khi Thái Lan có 23 công ty.

Giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cộng với việc tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp (trên HOSE tháng 6-2013 chỉ 44,6%) càng làm cho TTCK kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Với mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp trung bình là  24% như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài không còn nhiều room để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

“Các tổ chức đầu tư quốc tế lớn chỉ quan tâm và đầu tư khi thị trường có quy mô vốn hóa đủ lớn và giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày từ 1 tỉ đô la Mỹ trở lên”, ông Sinh nói. Hiện nay, giá trị giao dịch hàng ngày của TTCK nước ta trung bình hơn 1.000 tỉ đồng (tức mới khoảng 50 triệu đô la Mỹ). Trong nhóm cổ phiếu VN30, chỉ có hai công ty có giao dịch trên 2 triệu đô la Mỹ/ngày, 13 công ty từ 1-2 triệu đô la Mỹ/ngày. Với tình hình này, theo tính toán của các nhà giao dịch quốc tế, họ chỉ có thể đặt lệnh với quy mô khoảng 5 triệu đô la Mỹ/ngày (hay 100 tỉ đồng) để không làm giá cả trên thị trường biến động”.

“Cây kẹo nới room” chưa đủ

Cần làm gì để thu hút vốn nước ngoài? Nới room được ví như một cây kẹo chìa ra cho nhà đầu tư nước ngoài , dù được bàn tới đã hai năm nay nhưng vẫn chưa diễn ra. Nhưng không chỉ vậy, ông Sinh cho rằng cần đẩy nhanh việc tái cấu trúc các sở giao dịch chứng khoán, đa dạng hóa các công cụ cho nhà đầu tư giao dịch, đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường hàng hóa có chất lượng và gia tăng số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng tại các công ty lớn, giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài một cách bền vững chứ không phải nới một ít room.

Thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu) và thị trường tiền tệ là hai chân hình thành nên thị trường tài chính, giá đỡ của nền kinh tế. Trên thị trường tiền tệ, các ngân hàng đang “ôm” 90% trái phiếu chính phủ bằng vốn tiền gửi của người dân. Bộ phận cốt lõi tạo giá trị cho nền kinh tế là doanh nghiệp và sản xuất không huy động được vốn trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu cũng như hấp thu vốn từ ngân hàng.

Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà, nói chuyện này “không bình thường”. TTCK chưa phải hàn thử biểu của kinh tế. TTCK không thể chỉ là vật trang trí. Cái chân chứng khoán cần phải vững vàng hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới