Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thỏa thuận mới về dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thỏa thuận mới về dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng

Phúc Minh

Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng là một diễn đàn cho sự hợp tác thường xuyên về các vấn đề liên quan đến giám sát hoạt động ngân hàng, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Ảnh: TL

(TBKTSG Online) – Các nhà quản lý ngân hàng các nước thuộc Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng ngày 12-9 tại Basel (Thụy Sĩ) đã đạt thỏa thuận về quy định mới đối với ngân hàng nhằm xây dựng hệ thống tài chính toàn cầu ổn định hơn.

Quy định mới buộc các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên 7%, cao hơn tỷ lệ dự trữ bắt buộc 4% của các ngân hàng Mỹ áp dụng sau khi kiểm tra sức chịu đựng của ngân hàng vào năm 2009. Tỷ lệ này được cho là sẽ giúp các ngân hàng tránh tích tụ quá mức nợ và rủi ro như cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Tuy nhiên, dự trữ bắt buộc tăng có thể làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, nhiều ngân hàng cảnh báo hành động này sẽ làm tăng chi phí đi vay của khách hàng và hạn chế cho vay.

Các nhà quản lý cho biết quy định mới sẽ đảm bảo kết nối hệ thống ngân hàng toàn cầu để tránh đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính không cần thiết. Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009 khiến các chính phủ phải sử dụng tiền của người đóng thuế để cứu ngành ngân hàng.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu dự kiến sẽ phê duyệt thỏa thuận trên tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 20-11. Sau đó, các nước tham gia Basel sẽ tự động áp dụng quy định mới cho các ngân hàng trong nước.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng nhận thấy nhiều nền kinh tế đang suy yếu và cố gắng giải quyết mối lo ngại quy định mới sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Các nhà quản lý của một số nước có thể sẽ cho phép các ngân hàng trong nước vài năm nữa để thực hiện quy định mới.

Với các ngân hàng, quy định mới yêu cầu họ từ bỏ các nghiệp vụ rủi ro cao và dự trữ nhiều hơn để đối phó với các rủi ro tiềm năng. Theo cách này, lợi nhuận của nhà đầu tư và lương của người lao động trong ngành ngân hàng sẽ ít hơn.

Với người tiêu dùng, quy định mới vừa có lợi vừa có hại – khi lãi suất tiền gửi tăng lên thì chi phí đi vay cũng tăng và các khoản vay khó khăn hơn.

Phó chủ tịch phụ trách chính sách của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ Mary Frances Monroe nói mỗi người sẽ thấy tác động khác nhau nhưng chắc chắn có tác động.

Quy định mới sẽ tác động những mức độ khác nhau đến ngành ngân hàng toàn cầu. Các ngân hàng tại Mỹ, Canada, Anh phải tăng một số lượng lớn dự trữ bắt buộc, nguồn dự trữ này sẽ làm giảm mức nợ của họ và do đó làm giảm rủi ro.

(theo WSJ)

Ủy ban Basel

Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng là một diễn đàn cho sự hợp tác thường xuyên về các vấn đề liên quan đến giám sát hoạt động ngân hàng, có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Mục tiêu của ủy ban là hiểu rõ hơn các vấn đề mấu chốt trong việc giám sát hoạt động ngân hàng và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động ngân hàng trên toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu đó, ủy ban trao đổi thông tin về các vấn đề giám sát hoạt động ngân hàng của các nước, các phương pháp và kỹ thuật với phương châm là để có một sự hiểu biết đồng nhất về các vấn đề.

Trên cơ sở đó, ủy ban dùng sự hiểu biết đồng nhất để xây dựng các văn bản hướng dẫn và tiêu chuẩn trong các lĩnh vực mà họ cho là cần thiết.

Ủy ban Basel được biết đến khắp thế giới về các thông lệ quốc tế mà họ đưa ra về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hiệu quả; và thỏa ước về giám sát hoạt động ngân hàng xuyên biên giới.

Thành viên của ủy ban là ngân hàng trung ương hoặc cơ quan giám sát ngân hàng của các nước, gồm Argentina, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Luxembourg, Mexico, Hà Lan, Nga, Ả Rập Xê Út, Singapore, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới