Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thời điểm của những tài sản bị lãng quên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời điểm của những tài sản bị lãng quên

Hải Lý thực hiện

Thời điểm của những tài sản bị lãng quên
Ông Lê Hải Trà.

(TBKTSG) – Ông Lê Hải Trà, Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), người trả lời phỏng vấn TBKTSG dưới đây, cho rằng hiện tại là thời điểm của những tài sản bị lãng quên, và việc nới room (tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài) là một cú hích tốt cho thị trường chứng khoán, nhưng không phải là giải pháp bền vững. Giải pháp lâu dài phải tính đến là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (Non-Voting Depository Receipts – NVDR) và cao hơn là cơ chế cổ phiếu vàng mà nhiều nước đã áp dụng.

TBKTSG: Trước Tết Âm lịch, HOSE lập và triển khai ứng dụng vào thực tế bộ chỉ số mới, trong đó có MidCap và SmallCap bên cạnh VN-30 tồn tại đã vài năm. Vì sao lại là thời điểm này? Phải chăng chúng ta đang muốn đón đầu dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài?

Ông Lê Hải Trà: Đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, một trong những chiến lược đầu tư đơn giản và đỡ tốn kém chi phí nghiên cứu, tìm tòi cơ hội giải ngân, là bỏ tiền vào các giỏ chỉ số như VN-30 chẳng hạn. Họ lập quỹ và mua toàn bộ những gì có trong giỏ đó. Bằng cách này họ tạo ra lợi nhuận mang tính tiêu chuẩn cho các nhà đầu tư đã góp vốn vào quỹ của họ.

Các nhà quản lý quỹ ngoại bao giờ cũng so sánh hiệu quả (performance) của quỹ với những chuẩn (benchmark) nhất định, xem chúng tốt hơn hay xấu hơn. Đây là mấu chốt dẫn đến câu chuyện lương, thưởng của họ.

TBKTSG: Có thể hiểu những doanh nghiệp lọt vào các giỏ chỉ số có cơ hội hơn các công ty đứng ngoài vì được quan tâm nhiều hơn?

– Đúng thế. Khi doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chí nhất định để lọt được vào một giỏ chỉ số, nó gần như là sự đảm bảo sẽ có sự quan tâm ở mức cao hơn tới cổ phiếu của họ. Chính vì vậy các nước họ lập nhiều giỏ chỉ số khác nhau, thậm chí họ hàng chỉ số, nhằm thỏa mãn nhu cầu của giới đầu tư.

TBKTSG: VN-30 hiện đang chiếm 80% tổng mức vốn hóa sàn HOSE và những doanh nghiệp trong giỏ này, như ông nói, được nước ngoài quan tâm hơn. Ông có nghĩ điều này tạo lợi thế cho thị trường nói chung không?

– Hãy nói đến khái niệm những cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Trên thị trường có những cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu mà sự biến động của chúng tạo hiệu ứng lan tỏa. Có sự liên quan hữu cơ giữa những doanh nghiệp, ngành nghề đó với nền kinh tế. Khi nó lên, nó kéo những doanh nghiệp khác lên theo và ngược lại. Điều này giải thích vì sao VN-30 là đại diện cho doanh nghiệp và vì sao người ta quan tâm đến nó.

TBKTSG: Tuy nhiên, VN-30 không phải được quan tâm mọi lúc, mọi nơi…

– Năm 2012 là năm khó khăn. Khi khủng hoảng người ta có xu hướng tìm đến những gì tốt nhất trên thị trường để mua, để nắm giữ. Sự khác biệt giữa VN-30 và VN-Index trong năm 2012 phản ánh đúng điều đó. VN-30 có tốc độ tăng trưởng tốt hơn VN-Index. Sang năm 2013, ngược lại, VN-Index tăng trưởng tốt hơn VN-30. Vì sao? Vì các blue-chips đã ở ngưỡng mà kỳ vọng tăng trưởng tiếp theo chậm lại. Khi điều kiện vĩ mô được cải thiện, người ta không muốn bỏ tiền vào đó nữa mà tìm kiếm cơ hội ở những doanh nghiệp mà thời gian vừa rồi bị bỏ qua (vì đã không đáp ứng được tiêu chí tài sản tốt nhất). Bây giờ là thời điểm người ta đến với những tài sản bị lãng quên và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Đấy có thể là những cổ phiếu hạng hai đã từng bị lãng quên.

TBKTSG: Giải ngân vào các cổ phiếu hạng hai (MidCap) lúc này liệu có gặp rủi ro lớn?

– Quy mô vốn cũng như tiêu chí tài chính của các cổ phiếu MidCap hạn chế hơn so với BigCap, kể cả về mặt quản trị công ty. Ở đây vấn đề benchmark rất quan trọng. Nếu một quỹ đã bỏ tiền vào những cổ phiếu BigCap A, B, C, D… thì không có lý do gì những quỹ khác quy mô tương đương lại không giải ngân vào đó. Người ta gọi đây là hiệu ứng benchmark, là thông lệ trong giới đầu tư tài chính.

Song, ở đây cũng vô hình tạo ra cơ hội khác: có những tổ chức nhìn ra cơ hội mà những quỹ bám chặt lấy benchmark không nhận ra. Vừa rồi một số quỹ nước ngoài giải ngân vào MidCap, thậm chí SmallCap.

TBKTSG: Thị trường đang dấy lên câu chuyện nới room. Theo ông nới room có giải quyết được vướng mắc thiếu địa chỉ giải ngân cho dòng vốn ngoại?

– Thử nhìn Vinamilk. Nới room từ 49% lên 60% liệu có cần đến một tuần để khối ngoại lấp đầy khoảng trống này ở Vinamilk? Và khi room lại đầy thì sao? Nới room là một cú hích tốt, nhưng không phải là giải pháp bền vững cho thị trường.

TBKTSG: Ngay cả khi chỉ là cú hích, việc  nới room ba năm qua vẫn trầy trật chưa làm được. Liệu sẽ mất bao lâu để thị trường có được giải pháp phát triển bền vững?

– Một trong những giải pháp bền vững mà HOSE đã đề xuất và nhiều nước đã làm là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). NVDR giải quyết được những lo ngại liên quan đến kiểm soát công ty, quyền bỏ phiếu. Cần phải thừa nhận có một nhu cầu không hề nhỏ của nhà đầu tư tài chính nước ngoài đối với NVDR. Họ không quan tâm đến quyền bỏ phiếu, đến kiểm soát công ty, họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế khi đầu tư vào cổ phiếu đó, như được mua thêm cổ phiếu, được hưởng cổ tức, thế là đủ.

NVDR là giải pháp tạo ra sân chơi hiệu quả cho giới đầu tư tài chính ngoại.

TBKTSG: Ông đã tiếp xúc với nhiều tổ chức nước ngoài. Gần đây mối quan tâm của họ là gì, có thay đổi so với những năm trước?

– Họ quan tâm đầu tiên và trên hết là sự ổn định của đồng tiền, tức tỷ giá. Tỷ giá đang rất ổn và đây là điểm đáng ghi nhận trong việc tạo dựng lòng tin của giới đầu tư ngoại.

Mối quan tâm thứ hai của nước ngoài là nợ xấu. Việt Nam đã có Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cấp quốc gia rồi, nhưng vẫn còn đó câu hỏi về hiệu quả của nó, về chuyện nó tháo gỡ nợ xấu đến đâu.

Kế đó họ quan tâm đến quan điểm của Chính phủ về sử dụng tài chính công, đầu tư công như một trụ cột để chèo lái, thúc đẩy kinh tế khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ì ạch.

TBKTSG: Room không nằm trong mối quan tâm của họ sao, thưa ông?

– Hiện 10 công ty trong VN-30 đã hết room, là trở ngại cho họ. Việt Nam cũng chưa thể phát triển các công cụ mới, sản phẩm mới để cải thiện thanh khoản thị trường. Chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với các tổ chức ngoại phát hành ETF, tạo ra một ETF niêm yết trên thị trường nước ngoài dựa trên chỉ số nền tảng của Việt Nam. Nước ngoài có thêm quỹ ETF, đổi lấy việc dòng tiền ngoại sẽ chảy vào các cổ phiếu nền tảng của chứng khoán Việt Nam.

Khi chúng tôi thảo luận vấn đề này, họ vấp ngay tỷ lệ sở hữu room. Giả sử ETF đó dựa trên VN-30, 10 cổ phiếu đã hết room, làm thế nào họ mua đủ để đảm bảo trạng thái danh mục của họ?

TBKTSG: Liên quan đến room là vấn đề kiểm soát của Nhà nước đối với doanh nghiệp, vốn đang còn nhiều tranh luận…

– Việt Nam nên nghĩ tới cơ chế cổ phiếu vàng. Nhà nước chỉ cần nắm giữ một cổ phiếu, nhưng với cổ phiếu đó Nhà nước có quyền quyết định trong những điều kiện, hoàn cảnh cần thiết, những vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp.

Cổ phiếu vàng có thể phủ quyết, biểu quyết những câu hỏi sống còn của doanh nghiệp như quyền lợi người lao động, chiến lược phát triển, mở rộng đầu tư, danh sách hội đồng quản trị, thuê ban tổng giám đốc… tất cả những gì bảo vệ lợi ích doanh nghiệp. Nhiều nước đã áp dụng cơ chế này, nó đã trở thành thông lệ quốc tế.

Chúng ta có thể áp dụng cơ chế cổ phiếu vàng, Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối về mặt kinh tế, nhưng có thể kiểm soát doanh nghiệp khi cần thiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới