Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thổi làn gió nội vào ứng dụng di động ngoại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thổi làn gió nội vào ứng dụng di động ngoại

Thu Hiền

Thổi làn gió nội vào ứng dụng di động ngoại
Samsung đã hợp tác với VNG nhằm tích hợp phần mềm Zing trên chiếc Samsung Galaxy Y.

(TBVTSG) – Trong sự kiện công bố việc chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam hồi tháng 7, vị đại diện của hãng RIM – nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerry – đã bày tỏ rằng dù là một công ty toàn cầu nhưng RIM muốn trở thành một công ty am hiểu địa phương thông qua việc đem đến cho người tiêu dùng ở Việt Nam những tiện ích di động có tính địa phương hóa cao.

Ông Dany Bold, Phó chủ tịch của RIM ở Việt Nam, nói rằng người tiêu dùng nơi đây vốn đã quen với các dòng điện thoại BlackBerry nhưng thật khó để khai thác hết tính năng của các thiết bị thông minh. Nguyên nhân là các ứng dụng trên BlackBerry còn khá xa lạ với khách hàng trong nước.

Một trong những rào cản ấy là sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ trong các ứng dụng. Người sử dụng chưa thực sự hiểu và tận dụng hết tính năng của điện thoại. Chính vì vậy, RIM mong muốn tìm cơ hội hợp tác với các nhà lập trình địa phương để phát triển các ứng dụng cho điện thoại di động”, ông Bold nói.

Làn sóng địa phương hóa ứng dụng

Câu chuyện của RIM là một trong những cách thức mà các hãng điện thoại di động đang thực hiện để tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua việc địa phương hóa các ứng dụng trên chiếc điện thoại.

“Ứng dụng có ảnh hưởng lớn tới sự trải nghiệm của người sử dụng và có thể quyết định rằng một thiết bị sẽ thành công hay thất bại trên thị trường”, ông Jonh Stefanac, Chủ tịch Qualcomm tại khu vực Đông Nam Á và Thái Lan, bình luận.

Ông cho rằng doanh số các dòng điện thoại thông minh (smartphone) đang chi phối ngành công nghiệp di động trong khi nhu cầu của người sử dụng ngày càng cao. Họ có thể sử dụng chiếc máy này cho mọi mục đích từ tải nhạc, phim cho tới thực hiện các cuộc gọi video, gửi thư điện tử (e-mail), chơi trò chơi (online game), quản lý công việc kinh doanh… Để đáp ứng tốt các nhu cầu này, mỗi sản phẩm không thể thiếu được hệ điều hành và các ứng dụng tốt.

Ở Việt Nam, làn sóng địa phương hóa này đã thu hút hàng loạt các hãng điện thoại tham gia như Nokia, Samsung, RIM và LG thông qua việc bắt tay các nhà lập trình trong nước để phát triển các ứng dụng đặc thù cho người tiêu dùng trong nước. Samsung có kho ứng dụng cho hệ điều hành Bada, RIM hợp tác TMA Mobile Solutions, LG có kho ứng dụng LG Apps và Nokia với Ovi Store.

Ở góc nhìn toàn diện, hầu hết các ứng dụng địa phương này vẫn chưa chạm sâu đến được yêu cầu của người sử dụng, mới chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí hoặc chuyển ngữ một số ứng dụng đang có sẵn ở nước ngoài.

Với cách làm này, nhiều người cho rằng chiếc điện thoại thông minh hiện nay có quá ít “chất địa phương”, thay vào đó nó mang đậm chất của những nhà sản xuất ra nó.

Ông Trần Phúc Hồng, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Di động TMA Mobile, nói rằng ứng dụng di động tuy nhiều nhưng còn thiếu tính thiết thực. Nhiều người sử dụng vẫn phải tải về các phần mềm và ứng dụng của nước ngoài dù họ muốn thay thế bằng phần mềm và ứng dụng tiếng Việt.

Theo các chuyên gia, đây chính là một trong những nút thắt khiến chiếc điện thoại thông minh hầu như chỉ tiếp cận được với giới trẻ, phân khúc khách hàng có nhiều điều kiện trang bị kiến thức về công nghệ và ngoại ngữ.

Tìm cách làm mới

Đứng trước sự thách thức kể trên, nhiều hãng công nghệ đã tìm cách tiếp cận mới mẻ hơn đến khách hàng. Họ mạnh dạn bắt tay với một đối tác làm nội dung Internet.

Mới đây, hãng sản xuất điện thoại Samsung đã hợp tác với Công ty VNG nhằm tích hợp phần mềm Zing trên chiếc Samsung Galaxy Y, hay còn có tên gọi khác là ZingPhone.

Theo đó, khách hàng được sử dụng các bộ ứng dụng đã khá quen thuộc với một số cư dân mạng Việt Nam, được tích hợp sẵn và chỉ dành riêng cho Galaxy Y là Zing Me, Zing MP3, Zing News, Zing Browser cùng hai trò chơi giải trí Nông trại vui vẻ và Trái cây.

Sự kết hợp giữa Samsung và VNG giúp nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc này tận dụng những ứng dụng mà VNG có sẵn và tích hợp ngay vào điện thoại của mình, đồng thời, cho phép VNG đặt tên thương hiệu dịch vụ Internet (Zing) của công ty vào thiết bị của Samsung.

Ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG, nói rằng với cách làm này, chiếc điện thoại thương hiệu ZingPhone sẽ được khẳng định và phổ biến hơn với các ứng dụng vốn đã quen với nhiều người sử dụng ở Việt Nam.

Cũng theo ông Khải, trong vòng ba năm tới VNG sẽ đem toàn bộ các phần mềm và ứng dụng của họ lên các nền tảng di động và đích ngắm là Android, một nền tảng mở đang có thế mạnh trên thị trường Việt Nam.

Chưa kỳ vọng vào doanh thu

Giới chuyên gia công nghệ phân tích rằng cái bắt tay giữa Samsung và VNG sẽ giúp hãng điện thoại tiết kiệm được thời gian và công sức để tìm kiếm những ứng dụng địa phương phù hợp. Đồng thời, quyết định này cũng giúp Samsung tận dụng được cộng đồng mạng có sẵn của VNG khi công ty này có khoảng 1 triệu người truy cập ứng dụng Zing Me, Zing News và Zing MP3 trên thiết bị di động. Và phía VNG cũng được hưởng lợi khi họ thu hút thêm người sử dụng thông qua các thiết bị di động. Mặc dù vậy, doanh thu từ việc hợp tác này được kỳ vọng từ lĩnh vực phần cứng nhiều hơn là phần mềm ứng dụng.

Ông Khải cho biết, hiện VNG mới đi những bước đầu tiên trong việc phát triển các ứng dụng trên điện thoại di động, nên hiệu quả về doanh thu vẫn chưa có số liệu cụ thể. Nếu VNG làm phần cứng thì sẽ phải cạnh tranh với các công ty phần cứng khác, cho nên mục đích của VNG là kết hợp với các công ty sản xuất phần cứng để cài đặt phần mềm lên tất cả các máy, hướng tới mục tiêu tạo thêm tiện ích cho người sử dụng.

“Khi bước vào giai đoạn phát triển doanh thu, Zing sẽ triển khai các ứng dụng mà người sử dụng sẽ phải trả phí như tải nhạc chất lượng cao, trò chơi trực tuyến trên điện thoại di động, cung cấp thông tin trực tuyến…”, ông nói.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng chưa thể kỳ vọng vào doanh thu từ ứng dụng di động, những gì mà các nhà sản xuất điện thoại và công ty nội dung đang bắt tay hợp tác chỉ là một động thái đầu tư cho tương lai, trong bối cảnh phát triển ứng dụng di động đang là một trào lưu bùng nổ ở quy mô toàn cầu. Ở môi trường web, người sử dụng đã quen với việc thụ hưởng các giá trị miễn phí và nhà cung cấp chủ yếu thu tiền từ dịch vụ quảng cáo. Trong khi đó, trên môi trường di động, cái khó là phải làm cho người sử dụng sẵn sàng trả tiền để sử dụng nội dung chất lượng cao.

Vì thế, chỉ cần làm ra những sản phẩm tốt, mang lại giá trị thực sự, sẽ được người sử dụng chấp nhận và mở hầu bao. Cơ hội là rất lớn và đang mở ra cho các nhà phát triển ứng dụng di động, đặc biệt là các ứng dụng có tính địa phương hóa cao đáp ứng được nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng nơi đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới