Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thời tiết cực đoan sẽ ngày càng khó dự báo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời tiết cực đoan sẽ ngày càng khó dự báo

Thùy Dung thực hiện

Thời tiết cực đoan sẽ ngày càng khó dự báo
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ

(TBKTSG Online) – Năm nay đầu mùa mưa thì nắng hạn gay gắt nhưng giữa mùa thì mưa như trút nước. Đây là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kết hợp với tác động của biến đổi khí hậu khiến cho thời tiết biến động, cực đoan và khó dự báo hơn. Thời tiết sẽ còn diễn biết phức tạp hơn nữa trong thời gian tới.

TBKTSG Online đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về vấn đền này.

TBKTSG Online: Từ đầu năm tới nay có nhiều hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn ở Quảng Ninh, Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, giông lốc ở Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng tới kinh tế và xã hội của đất nước. Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân sâu xa của của các hiện tượng thời tiết trên?

– GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: Hiện tượng thời tiết kể trên do tác động của El Nino và biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đó, mùa mưa của cả nước bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 nhưng hầu như đầu mùa không mưa, khô hạn ở nhiều vùng như Bình Thuận, Ninh Thuận nhưng cuối tháng 7 thì xảy ra mưa to tại Quảng Ninh, một số tỉnh miền núi phía bắc, Hà Nội và  gần đây cả khu vực phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, Cần Thơ. Điều này khiến mọi người bất ngờ.

Thực tế, thời tiết năm nay chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, hiện tượng này bắt đầu từ năm ngoái kéo dài sang năm nay. Dự báo hiện tượng El Nino sẽ đạt cực đại vào tháng giêng và kết thúc vào mùa xuân năm sau. Thông thường, khi có hiện tượng El Nino, nước ta ít chịu ảnh hưởng của bão, nóng nhiều, tổng lượng mưa thường hụt so với trung bình nhiều năm.

Do đó, nửa đầu mùa không mưa, xảy ra tình trạng hạn hán ở nhiều vùng và lượng mưa sẽ dồn dập vào cuối mùa do thời tiết thường có tính bù trừ. Từ nay tới cuối mùa, thời tiết sẽ còn mưa to nhưng chủ yếu dịch vào miền Trung. Mặc dù vậy, nhìn chung, tổng lượng mưa cả năm vẫn có thể hụt so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, do tác động của BĐKH, trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai thường xảy ra hơn. Đối với Việt Nam, nó biểu hiện bằng các đợt bão, lũ, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại và tính biến động của nó mạnh hơn. Bề mặt trái đất nóng lên thì hoạt động đối lưu mạnh lên, tức dòng không khí lên xuống theo chiều thẳng đứng mạnh lên. Mặt khác, bề mặt trái đất nóng lên khiến lượng nước bốc hơi cả trên biển và đất liền tăng lên, lượng hơi nước trong khí quyển nhiều hơn. Ước tính, cứ mỗi khi nhiệt độ bề mặt trái đất tăng lên 1 độ C thì hàm lượng ẩm tăng lên 7%. Tại Việt Nam, theo quan trắc đo đạc, hầu hết độ ẩm ở các vùng đều tăng rõ ràng, nhất quán.

Như vậy, đối lưu mạnh kết hợp với bốc hơi nước nhiều, độ ẩm trong khí quyển cao sẽ tạo thành  những khối mây chứa rất nhiều nước. Khả năng xảy ra mưa lớn cũng tăng lên, đặc biệt, ở những vùng nhiễu động khí quyển cao, ví dụ trong rãnh áp thấp, trong bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới… Chính vì vậy mới có hiện tượng mưa hoài không dứt với cường độ lớn như ở Quảng Ninh vừa qua.

Liệu đây chỉ là hiện tượng bất thường của một năm hay nó sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thời gian tới, thưa ông?

– BĐKH trước hết là hiện tượng nóng lên toàn cầu, làm cho các hiện tượng thời tiết biến động nhiều hơn, cả về không gian, thời gian, cường độ và tần suất của chúng. Về không gian, chẳng hạn, trước kia thường mưa nhiều ở vùng này, nay có thể mưa nhiều  hơn ở vùng khác; Về thời gian, lẽ ra chúng xảy ra lúc này, mùa này nhưng nay lại xảy ra lúc khác, mùa khác; về cường độ và tần suất cũng vậy, thông thường, trước kia xảy ra ít, nay có thể nhiều hơn với cường độ mạnh hơn và ngược lại.

Do đó, diễn biến thời tiết sẽ ngày càng khó lường, tính biến động và dị thường đó làm cho công tác dự báo, việc phòng và tránh hiện tượng thời tiết cực đoan thêm khó khăn hơn trong những năm tới, không chỉ riêng trong năm nay.

Đa phần người dân đều cảm thấy “bất ngờ” đối với hiện tượng thời tiết vừa qua, gây hậu quả nghiêm trọng tới kinh tế và xã hội vùng bị ảnh hưởng. Người dân hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về tính hiệu quả của công tác dự báo, thưa ông?

– Những hiện tượng thời tiết vừa rồi rất khó dự báo, đặc biệt là đối với hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ, ví dụ giông tố, lốc, vòi rồng, mưa đá….chỉ xảy ra trên phạm vi hẹp, một phường, xã, thậm chí hẹp hơn. Thời tiết dị thường đã khó dự báo nhưng thời tiết quy mô nhỏ còn khó dự báo hơn rất nhiều. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng phải đối mặt.

Các tổ chức quốc tế đều cho rằng Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, vì sao lại có nhận định như vậy, thưa ông?

– Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH không phải vì Việt Nam phát thải nhiều khí nhà kính hay BĐKH ở Việt Nam nhiều hơn các nước khác. Thực trạng BĐKH ở nước ta trong 70 năm qua không khác mấy các nước khác trong khu vực. Phát thải khí nhà kính ở nước ta còn ít hơn so với nhiều nước. Song, Việt Nam lại là một trong  những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH là vì xét đến các yếu tố cả về điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội.

Về điều kiện tự nhiên, Việt Nam có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông và Thái Bình Dương mà Tây Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất của thế giới. Khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của các hệ thống hoàn lưu khí quyển của cả lục địa rộng lớn ở phía Bắc và phía Tây, cũng như của các đại dương ở phía Đông và phía Nam, kể cả bán cầu Nam. Về địa hình, Việt Nam có bờ biển dài từ Bắc tới Nam nhưng hình thể hẹp theo chiều ngang nên tỉ lệ diện tích dải ven biển và các đồng bằng thấp lân cận so với diện tích tự nhiên toàn quốc rất lớn, gần 30%. Nhiều nước khác cũng có dải bờ biển dài nhưng lục địa của họ rất lớn nên tỷ lệ diện tích dải ven biển trong tổng diện tích cả nước không lớn.

Về kinh tế xã hội, hầu như tất cả vốn liếng của toàn bộ đất nước hiện nay được đặt vào khu vực ven biển, trong đó nhiều công trình có vốn đầu tư nước ngoài. Từ Bắc vào Nam, tất cả các đô thị, khu công nghiệp, trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế, các dự án lớn, các công trình lớn đều tập trung ở dải ven biển, trong đó có đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là vùng đóng góp lớn nhất cho phát triển kinh tế của đất nước. Nhưng dải ven biển lại là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH cùng với  nước biển dâng, bão… Nếu có rủi ro thì tổn thất sẽ rất lớn.

Mặt khác, hạ tầng kỹ thuật của nước ta còn rất thấp, nhận thức của xã hội về BĐKH nói chung còn hạn chế về khả năng ứng phó với  BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai.

Trong ngắn hạn và dài hạn, nên ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan như thế nào, thưa ông?

– Ứng phó với biến đổi khí hậu rất tốn kém. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cần có sự ưu tiên. Chỗ nào là yếu nhất, quan trọng nhất phải làm ngay. Ví dụ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là những vị trí bắt buộc phải đầu tư vì đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, có tác động đầu tàu dẫn cả nước đi lên. Bên cạnh đó, không thể để các khu công nghiệp, khu kinh tế  trọng điểm, tập trung bị ngập hoặc phá hủy vì nơi đó chính là công xưởng, bảo vệ toàn bộ nền kinh tế.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi có các giải pháp chiến lược lâu dài đối với hiện tượng nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng trong tương lai, đồng thời với các giải pháp cấp bách đối với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan đang và sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.

Một trong những giải pháp chủ động nhất, hiệu quả và ít tốn kém  là quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội với sự xem xét, đánh giá đầy đủ những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững. Việc này cần được thực hiện ngay ở tất cả các ngành, địa phương, tất cả các cấp, đồng thời không ngừng bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với diễn biến của tình hình.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới