Thứ Tư, 7/06/2023, 13:08
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Thời vắng những anh hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thời vắng những anh hùng

Minh Hùng

minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Mấy ngày trước trên một trang báo mạng xuất hiện bản tin có thể bị xếp vào hạng “lá cải” nhưng nếu chú ý, cái “lá cải” ấy có thể làm nhiều người giật mình.

Bản tin nói về các cô gái tuổi “teen” ở Hà Nội hiện nay đang có khuynh hướng xem những ngôi sao ca nhạc nam giả gái ở nước ngoài là thần tượng. Người viết phê phán hiện tượng này đang hình thành một lối sống trong giới trẻ: chạy theo trào lưu văn hóa ngoại lai mà không có sự suy nghĩ, chọn lọc thấu đáo.

Nhưng có lẽ vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Thử nhìn lại sự chọn lựa thần tượng nam của giới trẻ (không chỉ là nữ) trong nhiều năm qua sẽ thấy họ đang đi theo một khuynh hướng rõ ràng: “nữ hóa”.

Đầu tiên là sự lên ngôi của các “sao” ca nhạc, diễn viên nam có khuôn mặt dễ thương như con nít. Kế đến là sự xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi sao ăn mặc chải chuốt, đầu tóc bóng mượt và đặc biệt là khuôn mặt trắng trẻo không râu.

Vẻ thẩm mỹ dường như đã bắt đầu bước vào sự phát triển mới. Những ngôi sao mặt nhẵn nhụi, trắng trẻo “búng ra sữa” như Bi Rain bắt đầu trở nên lỗi thời vì không đủ mức độ “nữ tính”, mà phải là những nhân vật nam giả gái mới thỏa mãn thị hiếu người xem.

“Em không thích kiểu cơ bắp, sáu múi như Bi Rain trông ghê ghê, chỉ thích anh Lee Teuk thôi, anh ấy hát hay, cười đẹp nữ tính, nhìn yêu lắm” – một bạn nữ đã phát biểu rõ ràng như vậy trong bài báo nêu trên.

Nhiều hiện tượng xã hội ở Việt Nam cũng đã được báo động liên quan đến “nữ tính hóa”. Vài năm trước có bài báo từng phê phán một nam diễn viên kịch cứ thích hóa thân thành nữ khi xuất hiện trên sân khấu như là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Không biết diễn viên đó có thật sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân hay không, nhưng chuyện các ông bầu bắt diễn viên thể hiện như vậy là có thật. Chắc nhiều người chưa quên vụ lùm xùm quanh một nhân vật tham dự American Idols tố cáo bị ban tổ chức bắt phải đóng vai “ái nam ái nữ” để câu khách. Rồi một bộ phim lịch sử Việt Nam đã xây dựng một nhân vật lịch sử theo khuynh hướng “bóng”.

Các tính cách anh hùng cái thế, mạnh mẽ, dứt khoát, phong trần, ngang tàng… như dần vắng bóng. Điều đáng ngại là không chỉ vắng bóng trong các tác phẩm nghệ thuật mà cả trong đời sống. Chuyện ngày càng nhiều người phớt lờ, sợ hãi, dễ bước lùi trước cái ác, cái bạo lực trong xã hội có phải là điều đáng suy ngẫm? Ở góc độ khác, phong thái quản lý, điều hành thiếu sự khoáng đạt, thiếu tính mạo hiểm… có phải cũng đáng để lo âu?

Nguyên nhân tại sao lại xuất hiện khuynh hướng này chắc câu trả lời phải dành cho các nhà xã hội, tâm lý học dày công nghiên cứu. Nhưng có hay không sự can phần của khuynh hướng “máy tính” hóa cuộc sống? Ngày nay, con người đang sống, làm việc, suy nghĩ lệ thuộc vào máy tính – một công cụ trung tính – với những quyết định đơn thuần duy lý theo logic cứng nhắc chứ không hề mang hơi hướm của tính cách nào cả.

Hiện tượng “nữ hóa thẩm mỹ” cũng có thể bắt nguồn từ cách thức giáo dục giới tính trong trường học. Cách giáo dục hiện nay đang nghiêng về giáo dục sinh lý hơn là sự khác biệt giới tính mang tính xã hội. Không phải ngẫu nhiên tạo hóa đã sinh ra nam và nữ. Sự khác biệt đó như hai mặt đối lập hỗ trợ nhau giúp xã hội phát triển cân bằng. Vì vậy nếu xã hội có khuynh hướng nghiêng theo chiều nào thì cũng không tránh khỏi dẫn đến sự chệch choạc. Có phải thật sự chúng ta đang sống trong thời vắng bóng những anh hùng? Nếu quả vậy thì hãy gióng lên hồi chuông báo động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới