Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thống đốc NHNN: “Đã có phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thống đốc NHNN: “Đã có phương án tái cơ cấu các ngân hàng yếu”

Hồng Phúc

Thống đốc NHNN:
Thống đốc cho biết sẽ đề xuất với Thủ tướng lập Công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc Ngân hàng Nhà nước để xử lý nợ xấu. (Ảnh: Lê Toàn)

(TBKTSG Online) – “Đã có các phương án cụ thể cơ cấu lại từng ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém để báo cáo Chính phủ cho phép triển khai”, đó là câu trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.

Thống đốc cho biết NHNN đã thành lập Tổ giám sát của NHNN tại các ngân hàng thương mại yếu kém để thực hiện giám sát toàn diện các ngân hàng này, tích cực hỗ trợ thanh khoản và đảm bảo khả năng chi trả của các ngân hàng này từ đầu năm tới nay.

Sẽ lập Công ty quản lý tài sản quốc gia

“NHNN đã tiến hành thanh tra toàn diện và lựa chọn công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán tài chính, đánh giá chất lượng tài sản, nợ xấu và vốn chủ sở hữu thực tế của từng ngân hàng, chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại cụ thể từng ngân hàng để báo cáo Chính phủ cho phép triển khai”, theo văn bản trên, “Vì thế, chi trả tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng này diễn ra bình thường, không có hiện tượng rút tiền hàng loạt với quy mô lớn”.

Trong nửa cuối năm 2012, NHNN cho biết sẽ tập trung vào triển khai quyết liệt cơ cấu lại về tài chính, hoạt động và quản trị của các ngân hàng theo phương án đã được Chính phủ duyệt. NHNN sẵn sàng can thiệp thông qua việc trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng lành mạnh góp vốn mua cổ phần của ngân hàng yếu.

Người đứng đầu ngành ngân hàng cũng khẳng định, “Cổ đông của các ngân hàng cổ phần phải bù đắp đầy đủ tổn thất về vốn, tài chính phát sinh và bảo đảm đáp ứng được các quy định an toàn hoạt động ngân hàng. Nếu không, NHNN sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ông cho biết từ nay tới cuối năm, cơ quan này cũng sẽ tập trung xử lý nợ xấu, nghiên cứu và đề xuất với Thủ tướng cho phép lập Công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, giải phóng vốn đọng của hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh đó, NHNN cũng giám sát chặt chẽ các ngân hàng và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm khả năng chi trả các ngân hàng.

NHNN cho biết quá trình thanh tra toàn diện và kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính, chọn phương án cơ cấu lại, đặc biệt phương án tự cơ cấu lại các ngân hàng, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đối tác tham gia và ý chí các bên liên quan nên đòi hỏi phải có thời gian để đạt được thỏa thuận cuối cùng. “Cơ cấu lại ngân hàng yếu kém rất mất thời gian, liên quan đến lợi ích nhiều bên trong khi nguồn lực của Chính phủ hạn chế. Cơ sở pháp lý cũng chưa điều chỉnh được toàn diện tính đa dạng, phức tạp trong quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này”, theo Thống đốc Bình.

“Tín dụng sẽ tăng”

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn đại biểu Quảng Trị, Thống đốc cho biết dư nợ tín dụng đang có xu hướng tăng nhẹ, một số tổ chức tín dụng đã tăng trưởng tín dụng dương, trong đó có tổ chức đã tăng trưởng gần hết chỉ tiêu tín dụng của cả năm và vẫn có nhu cầu mở rộng tín dụng trong thời gian tới.

Tính chung năm tháng đầu năm dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng không tăng so sới 31-12-2011 nhưng thời gian tới ông tin rằng tăng trưởng tín dụng cuối 2012 sẽ đảm bảo ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.

Lý giải việc số tiền giải ngân từ các chương trình cho vay ưu đãi với bốn nhóm lĩnh vực ưu tiên mà các ngân hàng đang thực hiện song kết quả còn hạn chế, NHNN cho rằng do một bộ phận doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện vay vốn; một bộ phận đủ điều kiện nhưng đang gặp khó khăn về tiêu thụ hàng hóa, tồn kho cao nên chưa có nhu cầu vay và tạm thời sử dụng các nguồn khác hay chờ lãi suất tiếp tục giảm. Và một lý do quan trọng khác là “khả năng trả nợ của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm, nguy cơ rủi ro tín dụng tăng, nên các tổ chức tín dụng thận trọng hơn trong việc xem xét cho vay”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới