Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thông qua gói giải pháp 29.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thông qua gói giải pháp 29.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp

Ngọc Lan

Thông qua gói giải pháp 29.000 tỉ đồng cứu doanh nghiệp
Các doanh nghiệp gặp khó như xi măng, sắt thép nằm trong diện được Chính phủ ưu tiên giải cứu. Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Chính phủ đã thông qua gói giải pháp ước tính có tổng trị giá 29.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính trình nhằm cứu doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo được 5 nguyên tắc đặt ra.

>> Báo cáo tình hình doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

>> Báo cáo tình hình doanh nghiệp của VCCI

Theo lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 4-5, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung khảo sát,đánh giá rất kỹ về tình hình doanh nghiệp, từ đó nắm lại chính xác số liệu bao nhiêu doanh nghiệp ngưng sản xuất, thu hẹp hoặc phá sản, khó tiếp cận vốn ngân hàng và tình trạng nợ lòng vòng giữa các doanh nghiệp.

“Việc này sẽ trở thành định kỳ, nhất là ở khối các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm điều chỉnh chính sách cho phù hợp và theo hướng sẽ làm sâu hơn để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu”, ông Đam nói và khẳng định: "Chính phủ đã có bức tranh đầy đủ về tình hình doanh nghiệp".

Theo ông, doanh nghiệp hiên nay khó khăn nhất về đầu ra hàng hoá và tiếp cận vốn khó vì lãi suất cao.
Sau phiên họp này Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm  tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Đồng thời sẽ có những chính sách về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế.

Giải thích kỹ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, gói giải cứu doanh nghiệp mà Bộ Tài chính trình ra ước tính tổng trị giá 29.000 tỉ đồng sẽ được thực hiện trên 5 nguyên tắc: 1/ Không để lạm phát quay lại, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh. 2/ Hỗ trợ đúng đối tượng và kịp thời. 3/ Đảm bảo khả năng cân đối ngân sách để tạo điều kiện có thanh khoản cho doanh nghiệp. 4/ Phối hợp với chính sách tiền tệ giảm đầu vào cho doanh nghiệp. 5/ Gắn với tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo bà, các đối tượng doanh nghiệp hiện gặp khó khăn nhất là doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử, bất động sản, cơ khí, vận tải thủy, sản xuất xi măng, sắt thép.

Chính phủ quyết định trình ra Quốc hội (khai mạc ngày 21/5) gói giải pháp với các biện pháp cụ thể sau:

– Giảm 30% thuế TNDN năm 2012 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các loại hình doanh nghiệp khác, trừ doanh nghiệp kinh doanh tài chính, bảo hiểm, xổ số và doanh nghiệp có thu nhập từ sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Giãn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tháng 4,5,6 với thời hạn giãn 6 tháng cho mọi doanh nghiệp.

– Giảm 50% tiền thuê đất của các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ (các doanh nghiệp sản xuất đã được giảm thuế trước đó theo Nghị định 121 của Chính phủ).

– Đẩy manh phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản, giải ngân và bổ sung thêm 1.000 tỉ đồng cho vay kiên cố hóa kênh mương và cho phép giải ngân một phần kinh phí tạm dừng mua sắm  từ năm 2011-2012 nhằm tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính ước tính số tiền giãn thuế làm hụt thu ngân sách tạm thời 16.000 tỉ đồng, trong đó có 12.300 tỉ đồng giãn thuế GTGT và 3.500 tỉ đồng từ giảm thuế TNDN. Các giải pháp miễn giảm thuế trực tiếp khác như miễn giảm thuế khoán và thuế môn bài cho các hộ kinh doanh nhà trọ cho công nhân, khai thác thủy sản ước khoản 4.100 tỉ đồng. Bên cạnh đó giảm 50% tiền thuê đất cũng là hỗ trợ 1.500 tỉ cho doanh nghiệp có vốn quay vòng.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân và chính quyền địa phương có thể xem xét hỗ trợ giãn nộp tiền sử dụng đất 1 năm cho các nhà đầu tư trên địa bàn nếu thực sự gặp khó khăn. “Vấn đề này do các địa phương tự cân nhắc, quyết định theo dự án và phụ thuộc vào cân đối ngân sách địa phương”, bà Mai nói.

Vẫn theo bà thì thực tế gói giải pháp này chỉ làm hụt thu ngân sách 9.000 tỉ. Các giải pháp giãn thuế thì thực ra là thu sau, thay cho thu trước nên không tác động nhiều.

Để bù đắp hụt thu, Chính phủ sẽ siết chặt các khoản chống thất thu và tăng cường kỷ luật ngân sách hơn nữa. Nguồn bù đắp chủ yếu lấy từ việc tăng giá dàu thô trong năm nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội nhằm đẩy mạnh việc dùng xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Lùi tất cả các giải pháp thu phí giao thông

Bộ trưởng Đam cho biết Chính phủ đã quyết định lùi thời hạn thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ thêm 6 tháng, tức là thay vì thu từ 1/6 như quy định của Luật đường bộ thì sẽ lùi đến đầu năm 2013 vì tình hình kinh tế khó khăn, việc có thêm phí và thời hạn thực hiện quá gấp gây khó cho toàn xã hội.

Bên cạnh đó, hai loại phí hạn chế phương tiện ô tô cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố hiện cũng lùi vô thời hạn thời điểm trình Quốc hội xem xét.


 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới