Thông tin cá nhân trên mạng xã hội có đáng quan tâm?
Hòa Tân
(TBKTSG Online) – Thông tin cá nhân trên mạng xã hội như số điện thoại, e-mail, quê quán, nơi làm việc… với người Việt Nam có đáng quan tâm hay không là câu hỏi đặt ra của khá nhiều người trên chính mạng xã hội Facebook trong những ngày qua sau vụ lùm xùm Facebook bán thông tin người dùng.
Facebook hối hả giải quyết khủng hoảng ở châu Á
Dữ liệu cá nhân ở Việt Nam trong vòng xoáy Facebook – Analytica
![]() |
Khá nhiều trò chơi trên Facebook có thể lấy thông tin của người dùng. |
Một người dùng đã viết: “Thực ra nếu có chút kiến thức kinh tế, ai cũng phải hiểu Facebook là một doanh nghiệp. Họ phải kiếm tiền để trang trải chi phí, chứ họ đâu rảnh công đi tạo lập sân chơi miễn phí cho hàng tỉ người khắp thế giới. Facebook không chỉ kiếm tiền từ quảng cáo của các doanh nghiệp. Họ còn kiếm tiền từ bán thông tin của người sử dụng, các Facebooker”.
Nhiều người trong các bình luận (comment) cho rằng đã qua rồi cái thời các thương hiệu lập fanpage trên Facebook để quảng cáo miễn phí cho mình. Bây giờ khi đăng (post) thông tin trên fanpage, nếu người dùng không trả tiền thì sẽ rất ít người nhìn thấy thông tin của người dùng.
Có người dùng Facebook còn “bênh vực” chuyện sưu tầm thông tin của mạng xã hội này với lý do: “Mỗi khi bạn chơi các kiểu game đầy rẫy trên mạng như bạn thuộc loại người gì, bạn thích màu nào, kiếp trước bạn là ai, ai sẽ kết hôn với bạn… tức là người dùng đang cung cấp thông tin miễn phí về bản thân cho Facebook để họ kiếm tiền”.
Mới đây, báo chí đăng thông tin chính phủ Indonesia, Philippines, Úc đã tiến hành các bước điều tra mở rộng vào Facebook sau khi họ công bố vào ngày 4-4 rằng 87 triệu người dùng bị công ty phân tích số liệu Cambridge Analytica sử dụng thông tin tùy tiện. Bên cạnh hơn 70 triệu người Mỹ, có 1,18 triệu người Philippines, 1,1 triệu người Indonesia, hơn 420.000 người dùng Việt Nam.
Nhiều người dùng cho rằng tâm lý của người chơi Facebook ở Việt Nam là thích dùng các game trên mạng như một trò giải trí và cùng chia sẻ nhiều người khác. Do vậy, thông tin người dùng Việt Nam bị “sưu tập” có thể sẽ nhiều hơn.
“Đừng đòi hỏi người khác giữ bí mật cho bạn nếu bạn không tự mình giữ. Cũng đừng đòi hỏi Facebook phải phục vụ bạn miễn phí. Nguyên tắc của cuộc đời: có đi có lại. Nếu bạn muốn giải trí miễn phí trên Facebook, hãy chấp nhận họ khai thác thông tin của bạn để kiếm tiền. Còn nếu không thích bị làm phiền, hãy ngưng sử dụng Facebook hoặc tìm cách bảo vệ mình, khôn lên trên mạng. Trên đời này, chẳng xài chùa cái gì được lâu”, một người dùng Facebook bình luận.
Facebooker có tên Tha Tran còn nói vui là Facebook như quán nước trà đá của má mình ngày xưa, nơi người ta cung cấp đủ loại thông tin”. Bạn này cho rằng ở thời đại công nghiệp 4.0 thì bảo vệ dữ liệu thông tin là điều quan trọng, mọi sơ hở đều bị khai thác, tận dụng, phát tán thần tốc. Nên người dùng không chơi những quiz, game, bói trên mạng, đừng bấm “next” khi mời gọi chơi game mà không rõ nó là cái gì… Chỉ cung cấp thông tin tối thiểu, giấu những thông tin mật và riêng tư, không ham những gì miễn phí, miễn cung cấp thông tin thật trên mạng xã hội… là cách tự bảo vệ mình.
“Mình không tự bảo vệ mình thì đừng trông chờ người khác bảo vệ mình”, một bạn có tên Helen Phạm đã viết.
![]() |